Bộ Môi Trường Đức gần đây đã đăng tải một nghiên cứu cho thấy trẻ em nước này mang trong mình lượng nhựa đáng báo động. Nghiên cứu ra đời trong bối cảnh chính phủ lên kế hoạch cắt giảm việc sử dụng nhựa trong xã hội.

Nghiên cứu trên 2500 trẻ trong độ tuổi từ 3 – 17, giai đoạn 2014 – 2017 phát hiện thấy các sản phẩm phụ là nhựa có trong gần 97% mẫu nước tiểu và máu. Người ta tin rằng nhựa có thể đi vào cơ thể trẻ từ bao bì, sản phẩm vệ sinh, dụng cụ nấu ăn và quần áo chống thấm.

“Một trong những chất được tìm thấy là perfluorooctanoic acid thường được sử dụng để làm quần áo ngoài trời và xoong chảo chống dính, được phát hiện là tác nhân gây ung thư trên động vật. Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm hoàn toàn chất này, lệnh cấm có hiệu lực cho đến năm 2020”, theo tờ Futurism. Perfluorooctanoic còn rất độc với gan và gây nhiều tổn thương cho cơ quan sinh dục.

Sự hiện hữu của sản phẩm phụ là nhựa trong cơ thể cũng làm tăng nguy cơ béo phì. Một số trẻ có thể đối mặt với vấn đề về phát triển. Nghiên cứu phát hiện trẻ càng nhỏ càng dễ bị ảnh hưởng bởi nhựa. Trẻ trong gia đình nghèo khó có nguy cơ ô nhiễm nhựa cao hơn trẻ sinh ra trong nhà có thu nhập cao.

“Điều rất đáng lo ngại là trẻ càng nhỏ thì càng nhạy cảm và càng dễ bị tổn thương…”, theo Bettina Hoffmann, một chuyên gia về môi trường nói trong bài phỏng vấn.

Trước thực trạng này, Bộ Môi trường Đức đã ra đạo luật ngừng sử dụng túi nhựa dùng một lần. Các cơ sở kinh doanh không tuân thủ lệnh cấm có thể đối mặt án phạt lên đến 110.000 USD. Từ năm 2016, chính phủ Đức cũng đã bắt đầu khuyến khích doanh nghiệp bán lẻ ngừng cho miễn phí túi làm từ nhựa. 

Ảnh: Youtube.

Đầu năm nay, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua lệnh cấm sử dụng các đồ nhựa dùng một lần như nĩa, ống hút v.v. Mặc dù đồ dùng một lần sẽ không bị cấm hoàn toàn, chính sách này kêu gọi dùng vật dụng từ các vật liệu thân thiện môi trường. Lệnh cấm sẽ được thi hành năm 2021.

Tại Việt Nam, gần đây UBND TP.HCM cũng đã ban hành lệnh, từ ngày 1/8, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp tại thành phố phải hạn chế dùng nước uống đóng chai.

Chính quyền thành phố cũng đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 toàn bộ hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách… trên địa bàn dùng bao bì thân thiện môi trường thay thế túi nylon khó phân hủy; tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi nylon đóng gói, đựng sản phẩm cho khách.

Ô nhiễm nhựa đang là vấn nạn gây nhức nhối cho toàn nhân loại. Nhựa không chỉ rất khó phân hủy, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe động vật cũng như con người khi đi vào cơ thể sống. 

Đại Hải
Tham khảo The Epoch Times