Quả dứa được biết đến với hương vị thơm ngon, giải nhiệt mùa hè và chứa một lượng lớn các vitamin, dưỡng chất và chất chống oxy hoá rất tốt cho sức khoẻ và làm đẹp da. Tuy nhiên không phải ai cũng nên ăn dứa, đặc biệt là dứa chưa chín kỹ.

Dứa có tên khoa học là Ananas comosus, là một trong những loại trái cây nhiệt đới phổ biến trên thế giới. Dứa chín chứa lượng vitamin C dồi dào cùng với hàm lượng beta-carotene giúp chống oxy hoá chống lại các tổn thương da gây ra bởi ánh nắng mặt trời và ô nhiễm, làm giảm nếp nhăn, và cải thiện kết cấu da tổng thể.

Quả dứa còn có nhiều khoáng chất cần thiết như canxi, kali, chất xơ, mangan, iốt góp phần cải thiện sức khoẻ xương, hỗ trợ điều hoà huyết áp. Các enzyme có trong quả dứa có tác dụng rất tốt trong việc cải thiện hệ tiêu hoá và hỗ trợ giảm cân.

Tuy nhiên người có cơ địa yếu khi ăn dứa cần hết sức chú ý khi ăn dứa đặc biệt là dứa chưa chín kỹ, vì một số thành phần trong chúng có thể gây tác hại đến sức khoẻ.

1. Người hen phế quản, viêm mũi họng

Ảnh: wellcare.vn

Nhiều người chúng ta sau khi ăn dứa có cảm giác rát miệng lưỡi, ngứa họng muốn ho, cảm giác ngứa ngáy. Điều này là do trong quả dứa có một loại glucoside có tính chất kích ứng niêm mạc mạnh. Vì vậy những người có tiền sử viêm mũi họng, viêm thanh quản, hen phế quản không nên ăn nhiều để tránh nguy cơ bệnh tái phát và nặng hơn…

2. Phụ nữ mang bầu 3 tháng đầu

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết, ngoài các thành phần chất khoáng và vitamin ra trong quả dứa còn phải kể đến thành phần là enzyme bromelain có tác dụng làm mềm tử cung, kích thích co bóp tử cung, nhất là trong lõi dứa và những trái dứa xanh thì tỉ lệ chất bromelain rất cao.

Vì vậy những phụ nữ mang thai 3 tháng đầu không nên ăn quá nhiều dứa xanh dễ khiến gây sảy thai. Bên cạnh đó, ăn nhiều dứa còn gây ra bệnh tiêu chảy, là mối nguy hiểm với phụ nữ đang mang thai.

Tuy nhiên với những chị em đang ở tháng cuối thai kỳ, sắp đến hạn sinh nở, bạn hoàn toàn có thể ăn dứa ở mức độ vừa phải để kích thích cơ co bóp tử cung, giúp dễ dàng sinh nở. Hoặc những phụ nữ sau khi sinh nên ăn đề kích thích cơn co tử cung đẩy hết rau và những phần còn sót lại sau khi sinh.

3. Người bị tăng huyết áp

Ảnh: baogiaothong.vn

Mặc dù trong dứa có chứa lượng khoáng chất là kali có tác dụng giãn mạch tốt giúp điều chỉnh huyết áp. Tuy nhiên những người huyết áp cao không nên lạm dụng tính chất này của dứa. Vì ngoài thành phần kali ra ,trong dứa còn chứa serotonin (5 – hydroxytryptamine, 5 – HT) có tác dụng làm co thắt huyết quản rất mạnh, gây hưng phấn thần kinh cao và có thể làm tăng huyết áp dễ có nguy cơ cơn tăng huyết áp kịch phát.

4. Người có tiền sử viêm da cơ địa, dị ứng

Một số trường hợp sau khi ăn dứa từ 15 phút hoặc lâu hơn xuất hiện các triệu chứng: Đau quặn bụng từng cơn, có thể lợm giọng, buồn nôn, nổi mày đay, ngứa ngáy khó chịu, môi tê dại… nặng hơn có thể gây khó thở… Điều này là do enzyme bromelain kích thích cơ thể sinh ra các histamin, các histamin này kích thích lên đầu mút thần kinh da – những thụ thể đặc biệt và gây nên các triệu chứng như vậy.

Minh Nguyên