Cuộc sống phát triển, thời gian dành cho công việc, các mối quan hệ, giải trí… gia tăng, đã khiến nhiều người hình thành thói quen thức khuya. Điều này thường làm cho giờ sinh học bị thay đổi, từ đó dẫn tới sự mất cân bằng trong cơ thể khiến bệnh tật dễ phát sinh.

Thói quen thức đêm của nhiều người có thể là kết quả của nhiều nguyên nhân khác nhau, như có người vì tiến độ công việc mà tăng ca, có người do thú vui của bản thân mà thức thâu đêm, cũng có người vì mải theo dõi mùa World Cup… Nếu tình trạng diễn ra lâu dài sẽ dẫn tới nguy hại đối với cơ thể là vô cùng lớn. Vậy thì Đông y có cách nhìn nhận như thế nào đối với vấn đề này?

Thức đêm muộn là trái với quy luật dưỡng sinh

“Mặt trời mọc thì làm, mặt trời lặn thì nghỉ” là quy luật sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi truyền thống của bao đời. Đông y cho rằng, ban ngày thuộc dương, nên phải vận động nhiều, động nhiều có thể dưỡng dương; đêm tối thuộc âm, nên phải ngủ nghỉ, giấc ngủ có thể dưỡng âm.

Trong văn hoá Trung Hoa tinh thâm uyên bác có 1 từ ngữ gọi là “nung nấu”, nung nấu là nấu đi nấu lại. Tương tự như vậy, thức đêm đối với cơ thể cũng là một loại nung đi đốt lại, nung đốt tinh – khí – thần (ba bảo vật gìn giữ sức khoẻ) của con người. Tinh – khí – thần trải qua quá trình này dần dần bị suy giảm. Cũng giống như đốt đèn dầu, dầu đèn dần dần giảm đi, độ sáng của đèn dần dần yếu, dầu đèn đốt mà hết thì đèn cũng phải tắt.

Thức đêm cũng giống như quá trình đốt đèn dầu, dầu cạn dần, độ sáng yếu dần rồi tắt hẳn. (Ảnh: Pixabay)

Đối với con người mà nói, thức đêm lâu dài, tinh – khí – thần giảm, dẫn tới âm dương của cơ thể mất điều hòa, hình thành thể trạng âm hư hỏa vượng, làm chính khí cũng như ngọn dầu đèn vậy, sau sẽ sinh bệnh. Người già thường nói “ngủ sớm dậy sớm”, câu nói đơn giản này đã thể hiện quan niệm dưỡng sinh rất mộc mạc của con người từ cổ chí kim. “Ngủ sớm dậy sớm” là sau một đêm ngủ đầy đủ tiến hành làm việc hiệu quả cao, bảo chứng của thân thể khỏe mạnh.

Nguy cơ mắc bệnh khi thức đêm lâu dài

Trong lý luận y học cổ truyền, mỗi thời thần (tương đương với 2 giờ đồng hồ) đều chủ quản chức năng của mỗi tạng phủ kinh lạc, từ đêm thâu cho đến sáng sớm tương ứng là: Túc thiếu dương đởm kinh đối ứng với giờ Tý (23 giờ tới 1 giờ), Túc quyết âm can kinh đối ứng giờ Sửu (1 giờ đến 3 giờ), Thủ thái âm phế kinh đối ứng giờ Dần (3 giờ đến 5 giờ), Thủ dương minh đại tràng kinh đối ứng giờ Mão (5 giờ đến 7 giờ).

Giờ Tý (23 giờ đến 1 giờ) không ngủ, đởm (chứa dịch mật) khí hư, chức năng tạng phủ toàn thân giảm, khả năng chuyển hóa trao đổi chất, sức đề kháng giảm. Đởm khí bị tổn thương, dễ mắc các loại bệnh về tinh thần như trầm cảm, tâm thần phân liệt, chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, chứng tăng động… dẫn tới khí sắc không tốt, thâm quầng mắt. Lúc này, dịch mật bài tiết không thông, cuối cùng hình thành kết tinh, kết sỏi. “Dịch mật càng trong, thì não càng thanh”. Nếu giờ Tý ngủ tốt, có tác dụng giúp duy trì đầu não thanh tỉnh minh mẫn.

“Con người khi nằm thì huyết quy về tạng can”, giờ Sửu (1 giờ đến 3 giờ) không nghỉ ngơi, huyết không cách nào tiến nhập can, không thể tiến hành chuyển hóa trao đổi chất bình thường, dễ thương can. Trên mặt dễ xuất hiện vết nám, tính cách nóng gấp hấp tấp, sắc mặt u ám, xuất hiện đau đầu, váng đầu, mắt đỏ, mắt đau, ù tai, điếc tai, ngực sườn đầy tức, ngực căng đau, táo bón, cao huyết áp. Nữ giới sẽ dễ xuất hiện các chứng đau bụng kinh, kinh nguyệt không điều hòa… Can khí sinh phát không đầy đủ, con người sẽ mỏi mắt, mệt mỏi, lưng gối đau mỏi, váng đầu, mất ngủ, sợ hãi, tinh thần hoảng hốt, thậm chí mãn kinh sớm, nặng thì dễ bị trúng phong (tai biến mạch máu não), ngất xỉu…

Thức khuya vào giờ Sửu dễ tổn thương Can. Phụ nữ dễ bị đau bụng kinh, kinh không đều. (Ảnh: Bestie)

Giờ Dần (3 giờ đến 5 giờ) phế kinh vượng. Tạng can trong giờ Sửu sau khi đẩy máu cũ, xuất máu mới; đem huyết dịch tươi mới cấp cho phế, thông qua “phế triều bách mạch” (huyết dịch của toàn thân đều thông qua kinh mạch mà tụ hội nơi Phế) mà mang đi toàn thân. Bởi vậy, con người lúc sáng sớm mặt mũi hồng hào, tinh lực dồi dào. Người có bệnh về phế, giờ Dần phản ứng mãnh liệt nhất, như ho rũ rượi hoặc hen suyễn mà tỉnh giấc.

Giờ Mão (5 giờ đến 7 giờ) đại trường kinh vượng. “Phế và đại trường tương quan biểu lý”, phế đưa đầy đủ huyết dịch tươi mới phân bố tới toàn thân, sau đó xúc tiến thúc đẩy đại tràng tiến nhập vào trạng thái hưng phấn. Đại tràng nhu động, hấp thu nước và dinh dưỡng trong thức ăn, bài xuất cặn bã. Do đó mọi người có thể thấy sáng sớm thức dậy đi đại tiện là rất phổ biến. Nếu giấc ngủ không được đầy đủ, độc tố không thể bài xuất ra bên ngoài cơ thể, dẫn tới xuất hiện vấn đề táo bón, trĩ, sắc diện đen tối ảm đạm, thâm quầng mắt, mọc mụn…

Thức đêm có thể làm bạn đột quỵ bất cứ lúc nào. (Ảnh: vuitrekhoe.com)

Thức đêm dẫn tới các tạng phủ không được nghỉ ngơi tốt, độc tố không thể thông qua tạng can và đại trường tiến hành phân giải và bài xuất, tiến tới tích tụ trong cơ thể, làm cho khí huyết cơ thể không thông, trên khuôn mặt biểu hiện là thâm quầng mắt, sắc mặt tối, mọc nám, nếp nhăn sinh mới hoặc tăng thêm…

Lúc này, các tạng phủ mất cân bằng âm dương mà dẫn tới âm hư hỏa vượng, khí huyết không thông, nguy cơ phát sinh bệnh tim mạch dần dần tăng cao. Hiện nay độ tuổi bệnh tim mạch và bệnh mạch máu não đang bị trẻ hóa, lại còn dễ phát bệnh trong đêm. Điều này có quan hệ rất lớn đến việc sinh hoạt không tuân thủ quy luật giờ giấc. Do đó tổn hại mang tính tiềm tàng và sự nguy hiểm của thức đêm đối với cơ thể là không thể đo lường được.

Thông qua việc Đông y nhìn nhận về sự nguy hại của thức đêm đối với cơ thể. Hy vọng bây giờ mọi người đều minh bạch rõ ràng và nhận thức tốt hơn, nhất là người thường xuyên thức đêm. Nguy cơ phát sinh đột quỵ đặc biệt lớn, dễ dẫn tới cao huyết áp, béo phì, tiểu đường… các loại bệnh tim mạch, mạch máu não. Vậy nên hãy thực hiện lối sống lành mạnh, không vì công việc quá độ, thú vui nhất thời mà làm tổn hại tới sức khoẻ.

Theo sohu.com
Liên Hoa