Đây dường như đã trở thành một câu hỏi mà rất nhiều người đang thắc mắc. Và cho đến nay, điều đó vẫn còn là một câu hỏi đang được bỏ ngỏ khiến nhiều người tỏ vẻ nghi ngờ.

Hầu hết với suy nghĩ đơn thuần rằng tại sao số lượng người tham gia hiến máu nhân đạo ngày càng cao mà người bệnh vẫn phải bỏ tiền ra mua máu mỗi khi cần với giá không hề nhỏ. Vậy, máu nhân đạo được sử dụng như thế nào sau khi hiến tặng? Vì sao hiến máu nhân đạo mà bệnh nhân vẫn phải bỏ tiền với mức giá khá cao?

Đường đi của chế phẩm máu sau khi hiến máu. (Ảnh: donarsangre.org)

1. Đường đi của máu nhân đạo sau khi hiến tặng

Trên thực tế, không phải tất cả lượng máu thu được từ các chương trình hiến máu nhân đạo đều có thể giữ lại sử dụng. Các đơn vị máu sau khi thu nhận sẽ được bảo quản lạnh và nhanh chóng chuyển về Ngân hàng máu để tiến hành sàng lọc, sản xuất, bảo quản và phân phối.

a. Trước tiên, chúng sẽ được làm các xét nghiệm sàng lọc máu bằng kỹ thuật Elisa với hai loại xét nghiệm:

• Xét nghiệm huyết thanh học nhóm máu để phân thành hai hệ nhóm máu ABO và Rh+, sàng lọc kháng thể bất thường.

• Xét nghiệm sàng lọc sáu loại bệnh nguy hiểm lây nhiễm qua đường máu gồm: virus viêm gan B, viêm gan C, virus HIV, ký sinh trùng sốt rét, vi khuẩn giang mai và HTLV1 (tiền ung thư máu).

Xét nghiệm sàng lọc 5 bệnh truyền nhiễm HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai và sốt rét. (Ảnh: Zing.vn)

Ngoài ra phải thực hiện thêm xét nghiệm CMV(Cytomegalovirus) đối với các đơn vị chế phẩm máu truyền cho người bệnh được ghép mô, ghép tế bào gốc hoặc truyền máu cho thai nhi hoặc một số trường hợp đặc biệt khác theo yêu cầu của bác sỹ điều trị.

Tại Việt Nam, máu hiến được tiếp nhận từ nhiều đối tượng, trong đó không loại trừ khả năng người hiến mắc các bệnh nguy hiểm nên công tác sàng lọc máu được tiến hành rất kỹ càng.

b. Máu sau khi sàng lọc đạt yêu cầu xong sẽ được đưa vào sản xuất thành các sản phẩm khác nhau, bao gồm: Khối Hồng cầu, khối Tiểu cầu, khối Huyết tương … để đảm bảo tiêu chí “người bệnh thiếu gì truyền nấy”.

Túi máu toàn phần được quay ly tâm theo chương trình thích hợp, chiết tách các thành phần máu vào từng túi sản phẩm riêng biệt. Các sản phẩm được điều chế đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn.

Tiến hành ly tâm chế phẩm máu để tách riêng khối hồng cầu, khối huyết tương. (Ảnh: Zing.vn)

Quy trình điều chế trong hệ thống kín với các trang thiết bị hiện đại, hệ thống máy ACP 215 điều chế hồng cầu đông lạnh, máy nối dây vô trùng, máy ly tâm lạnh với phần mềm theo dõi các thông số, máy chiết tách thành phần máu tự động, máy đông lạnh nhanh, máy tia xạ tế bào máu để bất hoạt bạch cầu lympho phòng ngừa nguy cơ bệnh ghép chống chủ trước khi truyền cho người bệnh suy giảm miễn dịch, …..

c. Sau khi hoàn tất, các sản phẩm máu sẽ được thẩm định và đưa vào bảo quản với các trang thiết bị chuyên dụng, mỗi loại chế phẩm máu sẽ được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ và thiết bị khác nhau.

Việc thẩm định phải đảm bảo:

• Sản phẩm máu an toàn, đủ số lượng

• Loại bỏ đúng những sản phẩm bệnh

• Dán nhãn sản phẩm chính xác

Dán nhãn sản phẩm máu.

Các chế phẩm máu thu được sau điều chế sẽ được bảo quản trong dây chuyền lạnh (với hệ thống báo động nhiệt độ tủ lạnh và kho lạnh). Lưu trữ, bảo quản các chế phẩm máu theo đúng điều kiện tiêu chuẩn nhiệt độ.

d. Khi có người bệnh đang cấp cứu hoặc điều trị cần phải truyền máu, tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng hoặc tùy từng loại bệnh mà bác sĩ có chỉ định truyền máu hay các chế phẩm máu cho phù hợp. Trước khi truyền máu cho người bệnh, các đơn vị máu sẽ được định lại nhóm và kiểm tra xem có hòa hợp với máu người bệnh hay không. Việc truyền những túi máu cùng nhóm và hòa hợp với máu người bệnh là một việc rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho người bệnh nhận máu.

2. Tại sao máu nhân đạo lại được bán với giá cao?

Như đã nói ở trên, thực tế là một đơn vị máu tươi không thể lấy rồi truyền trực tiếp ngay cho người bệnh mà cần rất nhiều khâu đi kèm và kéo theo đó là chi phí. Cả nước hiện nay có 4 trung tâm truyền máu ở Hà Nội, Huế, Chợ Rẫy – tp. HCM và Cần Thơ. Riêng tại Hà Nội, Viện huyết học – truyền máu Trung ương chịu trách nhiệm cung cấp máu cho 54 bệnh viện và 16 tỉnh /thành khu vực phía Bắc.

Không tính đến chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng thì một đơn vị máu hiến cần một bộ 4 bịch chứa máu/người hiến (với chi phí ít nhất 20 USD); Chi phí xét nghiệm phân tử sàng lọc HIV ít nhất là 1,2 triệu đồng/đơn vị máu để giúp rút ngắn thời gian cửa sổ từ 24-30 ngày xuống còn 7 ngày để tăng an toàn truyền máu; Các chi phí xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C, HPV…

Chi phí sàng lọc chế phẩm máu khá tốn kém. (Ảnh: familydoctor.org)

Bên cạnh đó, máu sẽ được bảo quản, lưu trữ với trang thiết bị chuyên dụng, mỗi loại chế phẩm máu sẽ được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ và thiết bị khác nhau. Ngoài ra, còn các chi phí như vận chuyển, hóa chất, sinh phẩm dùng để xét nghiệm hòa hợp trước khi truyền máu… và các chi phí liên quan đến vận động hiến máu là một khoản rất lớn: chi phí quà, suất ăn, đi lại cho người hiến.

Do đó, cái giá mà người bệnh phải chi trả cho một đơn vị máu cao cũng là chuyện bình thường. Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước thì người bệnh vẫn phải trả một phần chi phí cho truyền máu. Đối với những bệnh có bảo hiểm y tế, bảo hiểm sẽ chi trả theo bảo hiểm, còn đối với những bệnh nhân thuộc diện nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được nhà nước chi trả toàn bộ.

Thực trạng hiện nay, thiếu máu là tình trạng xảy ra ở hầu hết các bệnh viện. Máu được mua, được hiến tặng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Ngay đến lượng máu thu được từ Lễ hội Xuân Hồng – chương trình tình nguyện hiến máu lớn nhất hiện nay, cũng chỉ đủ đáp ứng được nhu cầu máu trong vòng một tuần.

Các bệnh viện luôn sảy ra tình trạng thiếu máu cho bệnh nhân.

Theo thống kê của Ngân hàng máu Việt Nam thì mỗi năm, các bệnh viện trong nước cần khoảng 1,8 triệu đơn vị máu, nhưng thực tế lượng máu nhận được chỉ xấp xỉ 1 triệu đơn vị, mới đáp ứng được khoảng 53% nhu cầu sử dụng. Mặt khác, số lượng người tham gia hiến máu hiện nay chỉ khoảng 700.000 người trên 90 triệu dân, tính ra tỷ lệ chưa đạt đến 1%.

Hiếm nguồn máu, đắt đỏ chi phí cổ động, thu mua, xét nghiệm (máy móc, hóa chất nhập khẩu,..), bảo quản, thủ thuật truyền,… chính là yếu tố khiến cho giá máu cao lên đến vài triệu cho một đơn vị mà nhiều người vẫn không thể mua để dùng.

BS. Thu Trang