Đậu Rồng hay còn gọi là Đậu Cánh Dán (Winged bean), tên khoa học: Psophocarpus tetragonolobus là cây thuộc họ đậu, thích nghi ở vùng nhiệt đới. Trước kia, loài cây này chỉ được trồng ở các vùng Đông Nam Á, Tân Guinée, Philippines và Ghana…, hiện nay đậu rồng được du nhập và trồng ở những vùng ôn đới trên khắp thế giới. Đây là loại đậu có giá trị dinh dưỡng cao.

Tất cả các bộ phận của đậu rồng đều có giá trị dinh dưỡng và đều có thể sử dụng làm thực phẩm. Thân và lá làm rau ăn, hoa có thể luộc hoặc ăn sống, củ đậu rồng cũng là rễ cây giống như khoai tây, hạt khô sử dụng như hạt đỗ xanh, đỗ đen… Quả đậu rồng có thể chế biến thành các món ăn rất ngon miệng: gỏi đậu rồng, salad đậu rồng, lá và hoa, củ có thể xào hoặc luộc.

Đối với quả đậu rồng: trong 100 gram quả có chứa: chất đạm (1,9 g), chất béo (0,1g), chất xơ ( 1,6 g), Natri (3 mg), Kali (205 mg), Canxi ( 63 mg), Phospho (60 mg), Sắt (1,3 mg), vitamin A (45 mcg), beta caroten (tiền vitamin A) (270 mcg), vitamin C (22 mg) và các vitamin khác như: B1, B2, PP. Như vậy, quả non có chứa một lượng đạm, chất xơ, vitamin và khoáng tương đối cao, đặt biệt là hàm lượng Kali và vitamin C.

Điều đáng quan tâm là chất đạm trong đậu rồng có các axit amin cần thiết cho cơ thể với tỷ lệ cân đối. Hàm lượng và tỷ lệ các các axit amin này là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá chất lượng protein (chất đạm). Hơn nữa, protein trong đậu rồng lại dễ tiêu hóa, hấp thụ. Chính vì vậy mà đậu rồng có thể được coi là một nguồn protein quan trọng có thể thay thế protein động vật, đặc biệt tốt cho người già, người ăn chay và có vai trò chống suy dinh dưỡng.

Hàm lượng chất xơ cao và lipid thấp trong đậu rồng giúp cải thiện chức năng đại tràng, do vậy việc đại tiện được dễ dàng, làm giảm cholesterol trong máu, điều hoà năng lượng, phòng chống béo phì, ngừa bệnh đái tháo đường…

Lượng vitamin dồi dào (đặc biệt là vitamin A, C) trong đậu rồng giúp đẹp da, sáng mắt, chống lão hóa da, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Đậu rồng có hàm lượng canxi cao nhất trong các loại đậu nên có tác dụng ngăn ngừa bệnh loãng xương, giúp trẻ em hình thành bộ xương và răng chắc khỏe.

Hạt đậu rồng khô: cũng chứa hàm lượng đạm, chất xơ, khoáng và vitamin cao: chất đạm thô (33,83 g), chất xơ thô (12,23 g), Magie (2,24 g), Kali (4,2 g), Natri (1,97 g), Canxi (0,9g), Kẽm (0,36 g), Đồng (0,09 g). Theo nghiên cứu của Ling Soon Ching và cộng sự (2001), trong các loại hạt đậu: đậu Hòa lan, đậu Đũa, đậu Cove, thì hạt đậu rồng có hàm lượng vitamin E cao nhất trong các loại đậu. Vitamin E là chất chống oxy hoá tốt, ngăn ngừa lão hóa, ung thư, bệnh tim mạch.

Lá non: Trong 100 gram lá non chứa: chất đạm (5,85 g), chất béo (1,10 g), chất xơ (2,5 g), Calcium (224 mg), Sắt (4 mg), Magie (8 mg), Phospho (63 mg), Kali (176 mg) cung cấp lượng dưỡng chất đáng kể cho cơ thể.

Ngoài ra, hoa và rễ (củ) đậu rồng cũng chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của chúng ta: chất xơ, vitamin, khoáng, đạm,…

Hoa đậu rồng (Ảnh: internet)
Hoa đậu rồng (Ảnh: internet)

Tuy nhiên, một số loại protein chứa trong bộ đậu cũng như trong một số cây hòa thảo, có đặc tính liên kết với men trypsin, chymotrypsin làm mất hoạt tính của các men tiêu hóa này, vì vậy làm giảm khả năng tiêu hóa protein và làm cho tuyến tụy phải tăng cường sản xuất trypsin để bù đắp lượng men này bị mất đi, do đó làm tuyến tụy bị sưng. Các nhân tố chính ức chế trypsin thường được nhắc đến là: nhân tố Kunitz, nhân tố Browman-Brik,…. Các nhân tố này đều dễ bị phân huỷ khi được xử lý bằng nhiệt (rang, hấp chín, ép nóng,…), vì vậy, chúng ta không nên ăn nhiều đậu rồng sống.

Củ (rễ) đậu rồng (Ảnh: internet)
Củ (rễ) đậu rồng (Ảnh: internet)

Điều kiện bảo quản: 

Hạt đậu rồng khô: nên bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, không ẩm ướt để hạt đậu rồng không bị nấm mốc, sâu mọt, làm giảm chất lượng của hạt.

Quả đậu rồng, lá non, hoa, củ: có thể cho vào bao ni lông và đặt trong ngăn mát của tủ lạnh gia đình để dùng dần, thời gian giữ trong tủ lạnh tối đa là 2 ngày tránh đậu bị sậm màu và biến đổi chất lượng.

Hoàng Dung