Chị N.T.A. (34 tuổi) mang thai tuần 37 nhập viện trong tình trạng vỡ ối (nước ối xanh bẩn), đau bụng dữ dội, tỉnh, vật vã, da xanh tái, niêm mạc nhợt, tim thai 70-80 lần/phút, 2 chân thai nhi thò ra ngoài…

Kết quả kiểm tra, bác sĩ bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên đánh giá tình trạng của sản phụ nguy hiểm, ngay lấp tức kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện.

Bác sĩ Nguyễn Thị Loan, trưởng kíp trực trao đổi với VTC, đây là một trường hợp phức tạp (đẻ non, ngôi ngược, sa chi , mắc cằm, tim thai suy) tiến hành kỹ thuật lấy thai đường dưới bằng phương pháp Sovianop (đỡ đẻ ngôi mông).

Sau 5 phút , ê-kíp đã mổ bắt thành công bé trai 2,9 kg có nhịp tim rời dạc, da tím tái. Các bác sĩ đã nhanh chóng đặt nội khí quản, ép tim bóp bóng, lập đường truyền qua tĩnh mạch rồi ủ ấm và đưa về khoa Hồi sức chăm sóc đặc biệt.

Sản phụ A. sau sinh có dấu hiệu băng huyết do sốc tâm lý, rau không bong, các bác sĩ đã bóc rau nhân tạo, dùng thuốc và các kỹ thuật chuyên khoa.

Hiện, sức khỏe của sản phụ và em bé đã dần ổn định có tiến triển tốt. Sản phụ A. đã có thể đi lại nhẹ nhàng, em bé đã có thể ăn, tự thở không cần hỗ trợ của máy móc.

Các bác sĩ khuyến cáo, để đề phòng trường hợp xấu khi mang thai, các bà bầu cần khám và làm xét nghiệm đầy đủ để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi.

Ngoài ra, đối với bà mẹ được chẩn đoán ngôi thai, kiểu thai bất thường cần được thăm khám định kỳ. Khi thấy các triệu chứng bất thường cần đến ngay bệnh viện chuyên khoa để thăm khám và xử trí kịp thời tránh tình huống đáng tiếc xảy ra, theo Đời sống Việt Nam.

(Tổng hợp)