Theo nghiên cứu mới đây của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, COVID-19 có một đột biến gen giống HIV giúp virus này có khả năng bám vào tế bào người hiệu quả gấp 1000 lần so với virus SARS.

Vậy, COVID-19 xâm nhập và tấn công cơ thể người như thế nào?

COVID-19 bắt đầu và kết thúc đều ở phổi

COVID-19 gây ra bệnh hô hấp ở người. Theo đó, khi ho, người bệnh bắn ra những hạt nước li ti chứa virus, có thể truyền nhiễm cho người khác nếu hít phải hoặc chạm phải.

Theo báo Cuộc Sống An Toàn, virus gây bệnh sử dụng những gai chìa ra bám vào các thụ thể trên bề mặt tế bào. Bằng cách này, chúng xâm nhập vào tế bào, sau đó lột vỏ, giải phóng DNA và protein. Tế bào chủ tự động sao chép hệ gen của virus. Đồng thời, những enzyme của tế bào chủ cũng tạo thêm protein cho virus. Protein và hệ gen “con” tự đóng gói thành những hạt virus mới. Như vậy, một virus có thể sao chép thành hàng triệu virus mới.

Các virus lúc này kích hoạt phản ứng miễn dịch. Nếu hoạt động đúng, hệ miễn dịch sẽ kiểm soát virus và khắc phục các tổn thương. Nhưng đôi khi hệ miễn dịch bị kích thích quá mức, chúng giết chết tất cả những mô khỏe mạnh trên đường đi, và không phân biệt virus. Khi đó, các chất bẩn tích tụ trong phổi khiến phổi mất khả năng hấp thụ oxy. Nếu virus lan rộng, bệnh nhân có thể chết hoặc sẽ bị tổn thương phổi vĩnh viễn.

Virus corona chủng mới sinh sôi bám trên tế bào cơ thể người bị nhiễm. Ảnh: NIAID-RML.

Đường tiêu hóa, gan và thận

Tuổi Trẻ đưa tin, trong dịch SARS và MERS, gần 1/4 bệnh nhân bị tiêu chảy – một đặc điểm quan trọng của bệnh. Hai chủng virus này có thể thâm nhập các tế bào ở ruột non và đại tràng, tạo thành ổ virus và dẫn đến tổn thương (gây tiêu chảy).

Khoa học chưa rõ virus gây COVID-19 có thâm nhập kiểu này không, nhưng 2 nghiên cứu đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine và trang medRxiv phát hiện nó tồn tại trong phân người, dấu hiệu cho thấy đây cũng có thể là nguồn lây lan, dù chưa chắc chắn.

Khi một chủng virus corona gốc động vật tấn công hệ hô hấp, lá gan thường cũng là “nạn nhân”. Các bác sĩ đã chứng kiến tổn thương gan ở bệnh nhân SARS, MERS và COVID-19, đa số là nhẹ nhưng nếu nặng có thể dẫn tới suy gan.

“Một khi virus đã đi vào đường máu, chúng có thể bơi đến bất cứ bộ phận nào trong cơ thể. Gan lại là bộ phận quan trọng của hệ tuần hoàn. Men gan cao là dấu hiệu cảnh báo”, chuyên gia Anna Suk-Fong Lok của ĐH Michigan (Mỹ) giải thích.

Thông thường, khi gan, phổi đã suy thì thận của bệnh nhân đó nhiều khả năng cũng bị ảnh hưởng. Khoảng 6% bệnh nhân SARS và 25% bệnh nhân MERS bị tổn thương thận cấp, COVID-19 cũng có biểu hiện tương tự theo các nghiên cứu ban đầu.