Khi trẻ lỡ ốm, điều đầu tiên mà nhiều bậc cha mẹ nghĩ đến chính là thuốc. Họ quan niệm rằng “ốm phải dùng kháng sinh mới nhanh khỏi” hơn nữa hầu hết lại là nhờ dược sĩ tư vấn. Tại Việt Nam, theo một cuộc khảo sát 3000 quầy thuốc của Bộ y tế thì có đến 90% thuốc kháng sinh được bán ra mà không được bác sĩ kê đơn. Chính điều này làm cho vấn đề kháng kháng sinh ở trẻ đang trầm trọng hơn.

Năm 1928, nhà khoa học Alexander Fleming đã tìm ra loại thuốc kháng sinh đầu tiên trên thế giới là Pencillin. Ông hiểu được tầm quan trọng trong phát minh của mình. Tuy vậy, trong một lần trả lời phỏng vấn sau khi dành giải Nobel năm 1945, ông đã thể hiện sự lo ngại của mình: “Những kẻ lạm dụng thuốc penicillin sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt đạo đức cho cái chết của người bị nhiễm vi khuẩn kháng penicillin sau này”.

Kháng sinh đầu tiên trên thế giới – Penicillin. (Ảnh: dieci.info)

Sự phát minh của Alexander Flemming đã giúp cho nhiều người nhiễm trùng được cứu sống ở thời kì đó. Thuốc kháng sinh đã trở thành ‘thần dược’ của con người. Họ liên tục lạm dụng kháng sinh khi sốt hay bị nhiễm trùng. Cho tới khi con người phát hiện ra rằng bệnh nhiễm trùng không chỉ do vi khuẩn mà còn do cả virus (không bị tiêu diệt bởi kháng sinh) gây ra. Hơn thế nữa, những con vi khuẩn cũng cho ta thấy khả năng sinh tồn mạnh mẽ của chúng. Chúng nhanh chóng biến đổi để có thể đề kháng lại kháng sinh của con người. Và cuộc chạy đua giữa vi khuẩn và các nhà nghiên cứu đã nổ ra. Tuy nhiên đây là một cuộc đua không cân sức bởi sự biến đổi của vi khuẩn là quá nhanh và phức tạp mà con người chỉ có thể chạy theo sau để khắc phục hậu quả.

Cuộc chiến trường kỳ giữa vi khuẩn và kháng sinh. (Ảnh: isna.ir)

Tổ chức y tế thế giới WHO để xếp Việt Nam và danh sách những nước có tỉ lệ sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Tình trạng dùng kháng sinh ở mức báo động đến mức Việt Nam đã tổ chức cuộc họp báo Tuần Lễ nâng cao nhận thức về việc sử dụng kháng sinh cùng các chuyên gia y tế thế giới. Vì vậy, việc trang bị những thông tin về kháng sinh là một trong những điều cốt lõi của các bậc làm cha mẹ để giúp cho một thế hệ trẻ khỏe mạnh hơn trong tương lai.

Kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn mà không có tác dụng với virus

Những triệu chứng của cảm, sốt, ho, sổ mũi của trẻ có thể là do vi khuẩn, cũng có thể là do virus gây ra. Trường hợp do vi khuẩn thì dùng kháng sinh rất hiệu quả. Trong khi đó, nếu nguyên nhân xuất phát từ virus thì chỉ có thể đặt hết niềm tin vào cơ thể trẻ để chống lại nó. Tuy rằng triệu chứng biểu hiện là giống nhau nhưng nguyên nhân gây ra bệnh là khác nhau và phương pháp trị liệu cũng hoàn toàn khác nhau.

Vậy những bệnh nào đa phần là do virus mà không cần phải dùng kháng sinh? Theo VNExpress, Phó giáo sư Nguyễn Thị Diệu Thúy – Trưởng bộ môn nhi, Đại học y Hà Nội cho biết một số bệnh không cần dùng đến kháng sinh như sau:

– Viêm đường hô hấp trên: cảm lạnh, viêm mũi họng cấp, viêm xoang… với các biều hiện sốt, hắt hơi, sổ mũi, tắc mũi, ho, đau họng, khàn tiếng mệt mỏi… Đa phần các bệnh này là do virus, thường thuyên giảm sau 5 – 6 ngày và khỏi hẳn sau 2 tuần. Trường hợp này cha mẹ cố gắng bổ sung chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Có thể cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt, giảm ho, tiêu đờm thảo dược để phụ trợ.

Viêm đường hô hấp trên, hầu hết do virus. (Ảnh: healthplus.nv)

– Vết thương trên da: trẻ em hiếu động thường có những vết thương ngoài da, vết thương có thể nhiễm trùng và mưng mủ tại chỗ. Cách điều trị đơn giản là rửa vết thương với dung dịch sát khuẩn thông thường. Nếu tạo thành khối áp xe thì nên đến bác sĩ để chích rạch và có tư vấn về thuốc.

– Đau răng: Theo thống kê của Tạp chí nha khoa Anh, 74% bệnh nhân đến bác sĩ nha khoa được kê thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc trám bít lỗ tủy hoặc hàn răng cũng mang lại hiệu quả mà không cần dùng kháng sinh.

– Tiêu chảy cấp: ở trẻ em thường là do virus, đặc biệt là nhóm Rotavirus. Bù nước và điện giải là bước điều trị quan trọng. Thuốc kháng sinh không có tác dụng trong trường hợp này.

Những trường hợp do vi khuẩn gây ra cần dùng kháng sinh:

– Khoảng 10% trường hợp viêm họng (do liên cầu tan huyết beta nhóm A). Trẻ có amidal sưng, có mủ nhưng thường không kèm theo ho, sổ mũi.

– Một số trường hợp viêm phổi, viêm tai giữa…

– Trường hợp trẻ bị bội nhiễm (tức là ban đầu bệnh do virus gây ra nhưng bị nhiễm thêm vi khuẩn)

Hậu quả lạm dụng kháng sinh 

– Trẻ nhận phải tác dụng phụ mà thuốc mang lại: loạn khuẩn đường ruột, tiêu chảy, dị ứng, sốc phản vệ.

– Kháng sinh không ‘phân biệt’ được vi khuẩn có lợi của cơ thể nên sẽ tiêu diệt những ‘đồng sự’ của trẻ. Những lợi khuẩn này giúp cơ thể cân bằng, chống lại vi khuẩn có hại. Do đó, dùng kháng sinh không đúng mục đích sẽ làm cơ thể dễ nhiễm bệnh hơn.

– Đề kháng kháng sinh: khi cần dùng kháng sinh để diệt khuẩn thực sự thì đã không còn tác dụng nữa, vì những chủng vi khuẩn này đã tìm được cách biến đổi để kháng kháng sinh.

Đề kháng kháng sinh nghiêm trọng. (Ảnh: teletica.com)

Không dừng kháng sinh giữa chừng

Khi cho trẻ uống thuốc kháng sinh, thấy trẻ khỏe mạnh trở lại, giảm hầu hết các triệu chứng bệnh thì đa phần các bố mẹ dừng thuốc. Tâm lí của họ là uống nhiều hại cho bé. Nhưng hãy dừng ngay hành động này lại. Bởi mỗi loại kháng sinh khác nhau sẽ có liệu trình điều trị khác nhau để diệt trừ tận gốc vi khuẩn trong cơ thể. Nếu bạn ngưng thuốc giữa chừng, thì những con vi khuẩn còn sót lại sẽ có cơ hội nhân lên và bùng phát trở lại, thậm chí biến đổi để kháng lại kháng sinh đó. Vì vậy, phải duy trì kháng sinh trong cơ thể trẻ cho hết liệu trình chỉ định của bác sĩ.

Hãy để trẻ có quyền được ốm

Dẫu biết rằng, làm cha mẹ luôn muốn điều tốt nhất cho con. Thấy con mệt mỏi, ốm đau thì rất đau lòng. Nhưng hãy dùng lý trí để giải quyết vấn đề nhức nhối. Kháng sinh có thể phát huy hết tác dụng nếu bệnh do vi khuẩn gây ra. Trường hợp do virus thì liều thuốc tốt nhất là ‘thời gian’ để cơ thể trẻ tự sinh ra sức đề kháng chống lại.

Khoan dùng kháng sinh – hãy phối hợp cùng bác sĩ. (Ảnh: Finizz.com)

Vấn đề ở đây trước hết là cha mẹ cần nâng tầm tư tưởng của mình, kiên nhẫn chờ đợi, phối hợp chặt chẽ với bác sĩ điều trị để theo dõi những diễn biến của trẻ xác định xem thời điểm và tình huống dùng kháng sinh thích hợp. Nếu không dùng kháng sinh trong những lần trẻ nhiễm virus, mà lại tăng cường sức đề kháng cho trẻ thông qua dinh dưỡng thì dần dần cơ thể bé sẽ được huấn luyện về miễn dịch và dần dần sức đề kháng mạnh mẽ hơn, trẻ sẽ ít bị nhiễm bệnh hoặc nếu có thì sẽ nhanh khỏi hơn.

Yến Dương