Mộc nhĩ hay còn gọi là nấm mèo, thường sử dụng trong những ngày Tết. Là thực phẩm có chứa các chất chống ung thư, bảo vệ tim mạch, tốt cho đại tràng và gan thận, nhưng nếu sử dụng không đúng cách thì sẽ gây ra ngộ độc, phù nề, hoại tử da…

Mộc nhĩ là loại nấm phổ biến, thường mọc ở nơi đất ẩm, trên gỗ mục. Trong mộc nhĩ có nhiều dinh dưỡng tốt cho cơ thể như: Lipid, protid, glucid, chất xơ, β-Carotene, vitamin B1, B2, và P, Ca, Fe. Mộc nhĩ có tác dụng tốt cho người khí huyết kém, có tác dụng chống đông máu, tim mạch, giảm mỡ máu, chống ung thư.

Theo Đông y, nấm mèo vị ngọt, tính bình, đi vào các kinh tỳ vị, đại tràng, can, thận. Tác dụng làm lương huyết (mát máu), chỉ huyết (ngừng chảy máu do va đập, trấn thương). Chữa trị các bệnh trường phong hạ huyết, nhuận táo, lợi trường vị, lỵ ra máu, tiểu dắt, tiểu ra máu, trị lở, bổ khí, bền cơ, hoạt huyết.

Mộc nhĩ chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. (Ảnh: baomoi.com)

Cách sử dụng mộc nhĩ an toàn

Nhiều người thường ngâm mộc nhĩ vào nước nóng cho nhanh nở, nhưng đó là một sai lầm, tuyệt đối không được làm. Trong mộc nhĩ còn sót lại các morpholine là chất độc, nên cần phải ngâm trong nước lạnh để chất độc này có thể hòa tan vào nước. Chỉ ngâm trong vòng 3-4 tiếng trong nước lạnh, không nên ngâm qua đêm, mộc nhĩ sẽ biến chất, gây ngộ độc.

Hạn chế sử dụng mộc nhĩ tươi, trong mộc nhĩ tươi chứa nhiều morpholine nhạy cảm với ánh sáng, nếu sau khi ăn mộc nhĩ tươi mà tiếp xúc với ánh sáng, da sẽ bị gây ngứa, phù nề, trường hợp trầm trọng còn dẫn đến hoại tử da, nếu phù nề ở trong màng nhầy cổ, sẽ gây khó thở.

Dị ứng vì sử dụng mộc nhĩ không đúng cách. (Ảnh: Hello Doktor)

Tác dụng của mộc nhĩ

Mộc nhĩ chống viêm: Khoa học nghiên cứu cho thấy, polysaccharides có trong mộc nhĩ  có hoạt tính kháng viêm, tương ứng với việc sử dụng mộc nhĩ trong cho việc giảm nhẹ tình trạng viêm hay bị kích thích của viêm mạc.

Mộc nhĩ giảm cholesterol: Polysaccharides trong nấm này đã được chứng minh để giảm mức độ cholesterol trong máu (TC), mức độ triglyceride và cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol (LDL-c), HDL-cholesterol (HDL-c) trong máu, cũng như tỷ lệ HDL/TC và HDL/LDL.

Nấm mộc nhĩ tốt cho xương: Loại nấm này chứa hàm lượng cao protit, lipid, glucid, canxi, photpho, sắt, chất xơ và các vitamin nên rất tốt cho xương. Các nhà khoa học khuyến cáo nên dùng mộc nhĩ đen cho trẻ em để phát triển hoàn thiện về vóc dáng; dùng cho các bệnh nhân có bệnh về xương, khớp, giúp xương chắc khỏe.

Mộc nhĩ bảo vệ tim mạch: Cùng với đặc tính chống oxy hóa nói chung polysaccharides trong loại nấm này cho thấy hiệu quả cao trong bảo vệ tim mạch, đặc biệt là ở những người cao tuổi, tăng cường hoạt động của chất chống oxy hóa superoxide dismutase và giảm lipid peoxy hóa. Một số bằng chứng cho thấy uống thường xuyên loại nấm này ở liều lượng nhỏ có thể tác dụng trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh đột qụy và đau tim.

Mộc nhĩ cải thiện vóc dáng, giúp chắc khỏe xương. (Ảnh: eva.vn)

Món ăn trị bệnh từ mộc nhĩ

Chữa mỡ máu cao, chống nghẽn mạch: Dùng nấm mèo (10g), thịt lợn nạc (50g), 5 quả táo tàu đen, 3 lát gừng, đổ vào 6 chén nước, sắc chỉ còn 2 chén, thêm vào ít muối, tí bột ngọt, rồi ăn như canh, mỗi ngày 1 lần, ăn liên tục hằng ngày.

Chữa hư lao khạc ra máu: Nấm mèo (50g), nấu nhừ, thêm đường phèn, ăn thường xuyên, hoặc xào chín ăn.

Chữa đại tiểu tiện ra máu: Nấm mèo (50g), sao thán tồn tính, tán nhuyễn để uống.

Chữa tăng huyết áp, bệnh mạch vành: Nấm mèo (10g), ngân nhĩ (10g), ninh nhừ nêm đường phèn vừa đủ, ăn trước khi ngủ.

Món ăn từ mộc nhĩ giúp hạ huyết, nhuận táo, lợi trường vị. (Ảnh: hanoitimes.vn)

Chữa trĩ ra máu: Nấm mèo (10g), quả hồng khô (30g), cùng nấu nhừ để ăn.

Hồng táo mộc nhĩ tiễn: Mộc nhĩ 20g, đại táo 5 quả. Các vị nấu chín nhừ; thêm đường liều lượng thích hợp, đun sôi để nguội. Dùng thích hợp cho người huyết hư thiếu máu, kinh nguyệt không đều, huyết trắng, khí hư.

Mộc nhĩ chữa chảy nước mắt liên tục, đau mắt sưng đỏ: 40g mộc nhĩ, 40g cây mộc tặc, 75g gan heo (hoặc gan dê). Nướng mộc nhĩ, phơi khô mộc tặc, nghiền nát 2 nguyên liệu rồi trộn vào nhau, mỗi lần dùng 10g, chưng với gan heo.

Mộc nhĩ chữa kiết lỵ, đau lưng: 50g mộc nhĩ, 1 ít muối và giấm. Ngâm mộc nhĩ trong nước rồi rửa sạch. Cho mộc nhĩ vào 2 chén rưới nước, nấu chín. Cho thêm muối và giấm vào, dùng 2 lần mỗi ngày.

Món ăn từ mộc nhĩ, thực phẩm bổ dưỡng từ thiên nhiên. (Ảnh: vietq.vn)

Trị thận hư, chóng mặt, run rẩy, đau tức ngực: 15g mộc nhĩ, 15g ngân nhĩ, 15 trái táo khô, đường phèn đủ dùng. Cho mộc nhĩ, táo đã ngâm vào tô, rồi thêm đường phèn, đem chưng cách thủy khoảng 1 tiếng, dùng 2 lần mỗi ngày.

Lưu ý: Bài thuốc này người bị phù đầu, nặng đầu và các bệnh liên quan không nên dùng.

Thịt lợn hầm mộc nhĩ nấm hương: Thịt lợn nạc 100g, nấm hương 30g, mộc nhĩ 30g, nước luộc gà 1 lít, thêm gia vị thích hợp; hầm nhừ. Món này rất tốt cho người tăng huyết áp, mỡ máu cao, xơ cứng động mạch; ngoài ra còn dùng điều trị bổ trợ cho các trường hợp u bướu. Lưu ý: Bài thuốc này người tỳ vị hư nên hạn chế dùng.

Chữa đại tiện không thông: Nấm mèo (30g), hải sâm (30g), phèo lợn (200g). Phèo rửa sạch, cắt đoạn nhỏ, cùng nấm mèo, hải sâm nấu chung, sau khi nêm nếm gia vị thì dùng.

Lưu ý: Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú không nên sử dụng, cũng như người có ý định mang thai. Vì mộc nhĩ có tính hàn trợ, nên không tốt cho người có máu mang tính lạnh, và dễ gây sảy thai.

Lê Vân