Thanh niên 21 tuổi trong tình trạng lờ đờ, người mệt mỏi được gia đình đưa đến bệnh viện Quân y 103 vào ngày 11/11 do hậu quả của việc chơi game quá độ.

Gia đình cho biết trên báo VnExpress, 5 năm nay, con trai chơi game triền miên, thường xuyên bỏ học để chơi game. Trung bình một ngày chơi 8-10 tiếng.

Người bố chia sẻ: “Trước khi nhập viện, cháu ở lỳ trong phòng, gọi không dậy, hay bỏ bữa, có hôm thấy con chơi đến 3-4 giờ sáng mới ngủ”, “mỗi lần bố mẹ khuyên bảo là cháu cáu gắt, nổi khùng, có hôm còn đập phá đồ đạc xung quanh và bỏ nhà ra ngoài chơi tiếp”.

Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm, rối loạn tâm thần do nghiện game. Chàng trai được chuyển đến Khoa tâm thần điều trị.

Bác sĩ Cao Tiến Đức, người trực tiếp khám cho bệnh nhân nhận định, chàng trai bị nghiện Internet nặng, biểu hiện bằng việc giao tiếp chậm chạp, trí nhớ kém, giọng nói nhỏ, cơ thể suy kiệt… Bác sĩ chỉ định nam thanh niên ở lại viện để cai nghiện game. Phác đồ điều trị bằng uống thuốc an thần, chống trầm cảm hàng ngày, vitamin, dưỡng não. Nếu tình trạng không cải thiện sẽ phải dùng liệu pháp sốc điện.

WHO chính thức coi nghiện game là bệnh tâm thần

Mì ăn liền, bánh mì, thức ăn nhanh như gà rán, bánh ngọt, xúc xích,… là những loại thực phẩm luôn được game thủ chọn trong lúc chơi game (ảnh: VietTimes).

Trước đó báo Dân Trí đưa tin, trong cuộc họp thường niên lần thứ 25 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Thụy Sỹ vào tháng 5/2019, WHO đã nhất trí quan điểm coi chứng nghiện game là một bệnh lý chính thức được bổ sung vào danh mục 55.000 bệnh, các thương tích hoặc nguyên nhân gây tử vong, hay còn gọi là danh sách phân loại bệnh (ICD) được các bác sĩ, nhà nghiên cứu, công ty bảo hiểm sức khỏe sử dụng để tham khảo.

Hiện nhiều người phản đối cho rằng quy định này có thể làm giảm doanh thu của các trò chơi điện tử, và các trò chơi video vẫn có thể có giá trị giáo dục, trị liệu và giải trí. Kết luận của WHO còn vấp phải sự phản đối từ Hiệp hội Phần mềm Giải trí Hoa Kỳ (ESA). Theo một thống kê của một điều tra về ngành công nghiệp trò chơi điện tử, game thu hút hơn 2 tỷ người trên toàn thế giới.

Cai nghiện game không dùng thuốc

Trẻ em là đối tượng dễ bị thu hút và ảnh hưởng của game online nhất. Trên Báo Pháp Luật, PGS.TS Trần Thị Thu Mai, Quyền Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP. HCM có lời khuyên cho các bậc cha mẹ 3 bước cần làm khi thấy con có dấu hiệu nghiện game online (theo nguyên tắc tác động vào nhận thức, cảm xúc và hành vi):

Các chuyên gia khẳng định bệnh ‘nghiện game’ có thể chữa được mà không cần dùng thuốc (ảnh: GameK).

Bước thứ nhất: Đả thông nhận thức bằng cách sắp xếp với con trẻ một cuộc nói chuyện thân tình. Nội dung trò chuyện không nên đả động ngay đến vấn đề game, mà hãy bắt đầu bằng vài câu chuyện phiếm rồi đi vào nội dung chính. Hãy tâm sự với trẻ vài bí mật của chúng, hỏi ý kiến trẻ về dự định nhỏ chẳng hạn rồi chuyển sang hỏi han chuyện bạn bè, chuyện mua sắm quần áo mới hay chuyện học hành.

Từ đó, chúng ta có “đà” để trao đổi với trẻ về việc lên mạng quá nhiều và hỏi ý kiến trẻ về chuyện đó. Cuối buổi trò chuyện, có thể đề nghị trẻ tổ chức buổi ăn nhẹ cuối tuần hoặc gợi ý con bạn rủ bạn bè về nhà ăn cơm. Những việc làm trên không cần thực hiện thường xuyên, ít nhất trong khoảng một tuần trước khi chuyển qua bước kế tiếp.

Bước thứ hai: Tác động cảm xúc, bước này có nhiều cách.

Thứ nhất, dùng biện pháp cai game “cứng” bằng kỷ luật. Hãy tìm các biện pháp khéo léo để cách ly con và Internet. Ví dụ các cách sau: Đặt máy tính ở nơi mọi người dễ dàng quan sát, trẻ sẽ tự biết “mọi người có thể thấy tất cả những gì mình làm trên máy”. Hạn định thời gian sử dụng internet mỗi ngày (dưới 30 phút) và cứng rắn đảm bảo “luật” này được tôn trọng, kèm theo các biện pháp trừng phạt nếu vi phạm. Sau đó ngắt mạng, cho trẻ về quê hoặc đi du lịch, tham gia hội trại hè dành cho học sinh. Nói chung phải giúp trẻ cách ly với Internet ít nhất năm ngày mới đủ thời gian phá vỡ thói quen cũ.

Thứ hai, cai game “mềm” bằng tâm lý. Có nghĩa cha mẹ cần khỏa lấp sự hụt hẫng nhu cầu chơi game của trẻ bằng cách hướng con cái vào hoạt động giải trí bổ ích khác hay những hoạt động khám phá thú vị như trại hè, xem kịch, chơi thể thao.

Bước cuối cùng là hình thành thói quen mới: Khi trẻ bắt đầu hòa nhập vào các hoạt động mới, hãy chọn ra vài hoạt động “đỉnh” nhất mà con bạn hứng thú để trẻ luyện thành thói quen hữu ích, thay thế thói quen chơi game cũ.

Bậc phụ huynh cần nhớ, không có viên thuốc thần kỳ nào khiến con cái trở về trạng thái cũ ngay lập tức. Cũng chắc chắn dù trẻ đã cai nghiện game sẽ không tái nghiện trở lại.