Dù nửa đêm hay xa cách hàng trăm kilomet, chỉ cần một cú điện thoại, các thành viên trong câu lạc bộ máu hiếm sẵn sàng lên đường, cho đi những đơn vị máu hiếm quý giá của mình để cứu tính mạng “người lạ”.

Câu lạc bộ máu hiếm 11 năm lan tỏa sự sống
Các thành viên CLB Máu hiếm Quảng Bình. (Ảnh: Báo Giao Thông)

Chứng kiến nhiều thai phụ phải đối nguy hiểm khi chuyển dạ, bệnh nhân tai nạn không có máu truyền dẫn đến tử vong, bệnh nhi bị bệnh huyết tán máu không có máu truyền… bác sĩ Trần Ngọc Quế cùng với GS. Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư, đã ra ý tưởng thành lập câu lạc bộ những người có nhóm máu hiếm.

Từ thực tế đó, năm 2007, câu lạc bộ những người có nhóm máu hiếm đã được thành lập. Ban đầu, câu lạc bộ chỉ có hơn 20 người, đến nay số lượng thành viên đã lên hơn 1.000 người từ khắp mọi miền đất nước.

Mỗi người một công việc, hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều coi câu lạc bộ Máu hiếm chính là “mái nhà” thứ hai của mình. Hơn ai hết, mỗi thành viên của câu lạc bộ đều hiểu “Chỉ có người máu hiếm mới có thể cứu sống được nhau”.

Câu lạc bộ máu hiếm 11 năm lan tỏa sự sống
Ảnh minh họa.

Vượt 200km xuyên đêm hiến máu cứu người

Theo Zing, bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh tiếp nhận bệnh nhân Hồ Thị Thi (70 tuổi), trú xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, da xanh, đi ngoài phân đen do xuất huyết dạ dày ồ ạt.

Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày, cần truyền máu cấp cứu. Tuy nhiên, bà lại mang dòng máu hiếm A Rh- (Việt Nam số người có nhóm máu này chỉ chiếm 0,08 %), nếu không được truyền máu kịp thời, tính mạng của bà khó giữ.

Thông tin của bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, chỉ có một người mang nhóm máu giống bà Thi, song đã đi xuất khẩu lao động. Kho dự trữ của Viện Huyết học và truyền máu T.Ư cũng không có sẵn.

Tình hình nguy cấp, bệnh viện đã cầu viện Câu lạc bộ nhóm máu hiếm khu vực miền Trung. May mắn, trong câu lạc bộ tỉnh Quảng Bình có 5 người cùng nhóm máu với bệnh nhân, và 2 người đã đồng ý hiến.

Khi được hỏi, anh Nguyễn Quý Hùng và anh Nguyễn Văn Quân (Quảng Bình) đều bồi hồi nhớ lại hành trình vượt 200km trong đêm tới Hà Tĩnh hiến máu, kịp thời cứu người.

Câu lạc bộ máu hiếm 11 năm lan tỏa sự sống
Anh Nguyễn Quý Hùng và anh Nguyễn Văn Quân, quê Quảng Bình, bắt xe vượt 200km ra Hà Tĩnh hiến máu cứu bệnh nhân. (Ảnh: Zing)

Anh Quân kể lại, hôm đó cơ quan bận việc nên gần 20h anh mới về đến nhà. Vừa thay bộ quần áo và chuẩn bị ngồi vào mâm cơm thì anh nhận được điện thoại từ Chủ nhiệm câu lạc bộ máu hiếm khu vực miền Trung với nội dung cần gấp 2 đơn vị máu A, Rh – nhưng mãi tận Hà Tĩnh.

Không chút đắn đo, anh Quân nhận lời cho máu và liên lạc cho “đồng đội” của mình. Bỏ bữa tối chưa kịp ăn, anh Quân lao ra quốc lộ bắt xe khách để kịp cứu người. Đúng 1h30 sáng, hai anh có mặt tại bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh làm xét nghiệm và hiến những đơn vị máu hiếm trong cơ thể mình để cứu bệnh nhân.

Chia sẻ với Báo Giao Thông, anh Quân cho biết: “Cứu người như cứu hỏa, không riêng mình, ai cũng sẽ hành động như vậy thôi. Đặc biệt, với những người mang dòng máu hiếm như chúng mình, sự cần kíp, chia sẻ là vô cùng đáng quý”.

Câu lạc bộ máu hiếm 11 năm lan tỏa sự sống
Ngày 22/3, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định tặng Bằng khen cho anh Hùng và Quân về hành động cao đẹp này. (Ảnh: Zing)

Gần đây, một bệnh nhân người nước ngoài tên David Trees đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần bởi những đơn vị máu O Rh- từ nhiều thành viên của câu lạc bộ máu hiếm Hà Nội. Bệnh nhân này bị xơ gan, phải phẫu thuật phức tạp nên cần một lượng lớn cả hồng cầu và tiểu cầu.

Chỉ trong vòng 20 tiếng, cộng đồng máu hiếm đã kêu gọi được 12 đơn vị máu toàn phần và 6 đơn vị tiểu cầu, có thể đảm bảo cho ca phẫu thuật của bệnh nhân. Các thành viên dù ở xa, bận đi làm, đi học nhưng đều tranh thủ thời gian sớm nhất có thể để đến tham gia hiến máu. Nhờ đó, ca phẫu thuật đã thành công.

Chị Nguyễn Hạnh, một thành viên câu lạc bộ Máu hiếm Hà Nội, người hiến máu cho bệnh nhân David Trees chia sẻ: “Nhận được “lệnh” cần máu khẩn cấp, từ Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, em gấp rút có mặt tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư hiến máu. Sau này, khi biết tin bệnh nhân hồi phục, bọn em rất vui. Và vui hơn khi đọc được những dòng tin nhắn cảm ơn từ người vợ của bệnh nhân. Chúng em vẫn quan niệm “cứ cho đi mà đâu cần nhận lại”. Do vậy, bất kể thời điểm nào, điện thoại bật 24/24 cứ có “lệnh” là sẵn sàng”.

Máu người được phân thành 4 nhóm chính là A, B, AB và O (còn gọi là hệ thống nhóm máu ABO) dựa vào sự hiện diện của 2 loại kháng nguyên A và B. Ngoài ra, còn có kháng nguyên Rhesus (ký hiệu Rh). Kháng nguyên hệ Rh phân bố thưa thớt trên bề mặt hồng cầu.

Khi cơ thể có kháng nguyên Rh thì được gọi là Rh+ (dương tính). Còn cơ thể không có kháng nguyên Rh thì được xem là Rh- (âm tính). Tỷ lệ Rh+ của người Việt là 99,92%, tức tỷ lệ Rh- của người Việt là 0,08%, rất hiếm.

Lan Phương