Trời chuyển thu, thời tiết giao thoa giữa mùa hè và đông, ngày có nắng, tối thì se lạnh, lại thêm những cơn mưa ngâu đặc trưng ở Việt Nam. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh phát tác.

Hãy cùng điểm mặt 5 loại bệnh thường gặp trong mùa thu, và cách phòng tránh để tự bảo vệ sức khỏe.

1. Cảm cúm

Đây là các chứng bệnh do virus gây ra, lây lan qua nước bọt, nước mũi/đờm của người mang bệnh, hoặc tiếp xúc với nguồn virus bệnh trong không khí.

Triệu chứng: người bị cảm thường nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, ho, sưng họng hoặc mệt mỏi. Bệnh cúm thường có triệu chứng sốt, đau các cơ, ho khan, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu và mệt mỏi.

Cách phòng tránh:

Cần luôn giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi (đặc biệt là với trẻ nhỏ), nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Với trẻ nhỏ cần hạn chế cho bé tiếp xúc với nhiều người, nhất là với những người có biểu hiện bị cúm. Có thể uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp ra từ tủ lạnh, kem, đá. Tăng cường dinh dưỡng và vitamin C, và nên uống nước đầy đủ để tăng sức đề kháng của cơ thể.

2. Đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ, bản chất là viêm kết mạc cấp do virus. Mùa mưa, điều kiện thời tiết phù hợp cho sự phát triển của virus, tạo điều kiện cho virus lây lay nhanh chóng và có thể phát tán gây thành dịch bệnh trong cộng đồng.

Triệu chứng:

Mắt bị sưng nề, sưng húp làm khe mi hẹp lại, kết mạc đỏ lừ, nước mắt chảy nhiều kèm theo dử mắt làm mắt dấp dính, cảm giác rất ngứa và khó chịu, chỉ muốn day, dụi mắt.

Cách phòng tránh:

– Tránh chạm vào vùng mắt và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi sử dụng các loại thuốc để nhỏ mắt.

– Không dùng chung khăn tắm hoặc khăn tay, vứt bỏ khăn giấy sau mỗi lần sử dụng.

– Súc miệng hàng ngày bằng nước muối hoặc các nước súc miệng khác.

– Nhỏ nước muối 0,9% vào mắt hàng ngày.

– Khử trùng các bề mặt như bàn ăn, bồn tắm, bồn rửa mặt và tay nắm cửa để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.

Vào mùa dịch không nên đến bệnh viện khi không cần thiết; tránh những nơi đông người như chợ, siêu thị, thang máy.

3. Thủy đậu

Là loại bệnh thường gặp nhất và dễ nhận biết nhất ở trẻ nhỏ. Bệnh lây lan do người bệnh ho phát tán virus trong không khí và người lành hít phải.

Triệu chứng:

Sốt, đau đầu, đau cơ, xuất hiện những nốt hồng ban, phỏng nước,…Sau 2-3 ngày mụn có thể đóng vẩy.

Cách phòng tránh:

Trong mùa có dịch, cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những nơi đông người, dụng mạng che mặt, đội mũ kín cho trẻ khi phải đi ra ngoài, ăn uống đủ dưỡng chất, ăn thêm các loại hoa quả để tăng cường hệ miễn dịch, giữ gìn vệ sinh thân thể cho trẻ thường xuyên, sạch sẽ.

4. Viêm đường hô hấp

Bệnh này lây truyền qua đường miệng, nước bọt, tiếp xúc tay và các đồ dùng để ăn uống.

Triệu chứng

Ho, đau họng, sốt, đau đầu thở nhanh, chán ăn, tiêu chảy nhẹ.

Cách phòng tránh

 Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

 Giữ ấm cơ thể.

 Đeo khẩu trang khi đi ra đường.

 Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.

5. Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp tính, do vi-rút Dengue (đăng-gơ) gây ra, có quanh năm, tăng về mùa mưa do muỗi là trung gian truyền bệnh.

Triệu chứng:

Sau khi bị muỗi đốt và truyền vi-rút vào cơ thể từ 6 -7 ngày, bệnh nhân sốt cao đột ngột từ 2 – 7 ngày, kèm theo mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, đau sau hốc mắt và dọc theo sống lưng, buồn nôn, nôn…

Đặc, biệt sẽ xuất hiện nổi ban xuất huyết dưới da, thường là các chấm nốt xuất huyết dưới da. Xuất huyết dưới da có thể lan rộng toàn thân, hoặc xuất huyết nội tạng, nôn ra máu, phân đen, gan to.

Cách phòng tránh:

– Lý do dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh vào mùa mưa là vì thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển nhiều là vật trung gian truyền bệnh từ người bệnh sang người lành. Nên việc kiểm soát nguồn lây bệnh là rất quan trọng.

– Phòng tránh bệnh chủ yếu là phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi rậm, hạn chế các ổ nước tĩnh đọng, các vật dụng chứa nước sinh hoạt có nắp đậy kín… vì môi trường nước là nơi muỗi đẻ trứng và ấu trùng sống…

– Chống muỗi đốt, nằm màn tẩm thuốc co rút vỏ kitin, phun thuốc trong nhà năm 2 lần…

Lưu ý: Tuy những bệnh này không hẳn ảnh hưởng đến tính mạng thiệt hại cũng không nhỏ. Chỉ cần một người mắc bệnh là vài người phải chăm lo, ảnh hưởng đến công việc, mất chi phí điều trị và những biến chứng khó lường. Do đó hãy chủ động để bảo vệ sức khỏe của bạn qua điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp, cộng với chế độ rèn luyện sức khỏe thường xuyên, như dưỡng sinh, tập aerobic, tập khí công để cơ thể luôn dẻo dai…

Nhân Hòa – Hoàng Kỳ

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.