Không ít trẻ bị viêm phổi mà biểu hiện ra bên ngoài bằng các dấu hiệu mờ nhạt, thậm chí có thể dễ nhầm với ho cảm thông thường, nên nhiều trường hợp khi nhập viện thì bệnh đã nặng. Do vậy cha mẹ phải để ý rất kỹ mới có thể nhận biết được.

Thời tiết chuyển lạnh khiến trẻ dễ bị viêm phổi, nhiều trẻ phải nhập viện trong tình trạng nặng, phải thở máy. Trên thực tế, viêm phổi là căn bệnh nguy hiểm ở trẻ, song cũng dễ mắc ở trẻ nhỏ. là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ nhỏ.

Điều đáng lo ngại là có không ít trẻ bị viêm phổi mà không có dấu hiệu biểu hiện ra bên ngoài hoặc những dấu hiệu rất mờ nhạt, cha mẹ phải để ý rất kỹ mới có thể nhận biết được, thậm chí có thể dễ nhầm với ho cảm thông thường, khi nhập viện thì bệnh đã nặng.

Image result for trẻ nhập viện
Trời chuyển lạnh, trẻ có nguy cơ bị ốm nhiều hơn (Ảnh: qua VOV)

Thở nhanh và rút lõm lồng ngực là các dấu hiệu hữu ích và có giá trị giúp cha mẹ sớm nhận biết được biểu hiện viêm phổi cũng như tình trạng nguy hiểm ở trẻ nhỏ.

Thở nhanh

Thở nhanh là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán viêm phổi rất cao. Theo Tổ chức y tế thế giới WHO, thở nhanh được định nghĩa là:

  • Trẻ nhỏ hơn 2 tháng tuổi: Nhịp thở trên 60 lần trong một phút
  • Trẻ từ 2 tháng đến 1 tuổi: Nhịp thở trên 50 lần trong một phút
  • Trẻ 1-5 tuổi: Nhịp thở trên 40 lần trong một phút

Tuy nhiên có một số yếu tố gây nhiễu như trẻ khóc, sợ hãi, kích thích sẽ làm tăng nhịp thở. Vì vậy cần đếm nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên hoặc ngủ để kết luận có thở nhanh hay không. Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi nếu đến nhịp thở trên 60 lần trong 1 phút thì cần đếm lại lần 2, nếu lần 2 nhịp thở vẫn trên 60 lần/phút thì được coi là thở nhanh.

Rút lõm lồng ngực

Rút lõm lồng ngực là một biểu hiện của viêm phổi nặng. Biểu hiện là ⅓ dưới của lồng ngực trẻ lõm vào trong khi hít vào (khi đó phần ngực trên và bụng trồi lên). Cần lưu ý đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi lồng ngực còn mềm, khi thở bình thường cũng có thể có rút lõm nhẹ, nên phải có rút lõm lồng ngực rõ, sâu thì mới có giá trị chẩn đoán viêm phổi.

Một số dấu hiệu khác

Bên cạnh các dấu hiệu có giá trị trên, trẻ có thể có các dấu hiệu như phập phồng cánh mũi khi thở, co rút lồng ngực, kích thích quấy khóc, bú kém hơn bình thường, tím tái và các tiếng thở bất thường như khò khè, thở rít.

Trẻ cũng có thể có các dấu hiệu sốt, ho, sổ mũi, hắt hơi nên dễ nhầm lẫn với cảm cúm, viêm họng đơn thuần. Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường như trên thì nên được nhanh chóng đưa đi khám tại cơ sở y tế, tuyệt đối không tự điều trị kháng sinh tại nhà

Cách phòng tránh nhiễm trùng đường hô hấp

Để phòng tránh nhiễm trùng đường hô hấp và nhiều bệnh khác, trẻ nhỏ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và kéo dài đến khi trẻ được 18-24 tháng. Sữa mẹ giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và các kháng thể, nhờ vậy trẻ sẽ có sức đề kháng tốt hơn. Đồng thời trẻ cần được bổ sung đầy đủ tinh bột, protein, vitamin, muối khoáng, dầu ăn nhất là trong giai đoạn 6-24 tháng tuổi.

Image result for giữ ấm cho trẻ
Lưu ý giữ ấm cho trẻ, đề phòng viêm phổi (Ảnh: qua bibomart)

Cần đảm bảo giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là vùng mũi họng. Khi thời tiết lạnh cần mặc ấm cho trẻ ngay cả khi ở trong nhà. Ra đường (đi chơi, đi học) cần mặc thật ấm, kín, có mũ ấm, khăn quàng cổ, khẩu trang, găng tay, bít tất. Trong sinh hoạt hàng ngày mỗi lần trẻ làm ướt quần áo (trẻ tè ra quần áo) cần được thay ngay cho trẻ, không cho trẻ nghịch nước.

Nên tắm nước ấm cho trẻ, tắm trong phòng kín gió, tắm xong cần lau người thật nhanh và mặc quần áo cho trẻ. Không để gió lùa vào phòng học, phòng ngủ và phòng trẻ chơi.

Trẻ lúc ngủ thường có phản xạ đạp tung hết chăn, người chăm sóc cần quan tâm đắp lại chăn cho trẻ.

Đối với trẻ lớn một chút nên được tập thói quen vệ sinh răng miệng và súc họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý để phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Đại Hải

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Từ Khóa: