Không chỉ mang đến vẻ đẹp cho cuộc sống, những loài hoa này còn có tác dụng chữa bệnh hiệu quả. Bạn có thể trồng chúng trong vườn nhà vừa ngửi hương ngắm hoa, vừa dùng làm thuốc mà hiệu quả không kém gì thảo dược.

Dưới đây là một số loài hoa có tác dụng như thảo dược mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe

1. Hoa hồng

Hoa hồng được tôn là sứ giả của tình yêu nhờ vẻ đẹp thanh tú. Hoa có nhiều cánh, nhiều màu sắc như trắng, hồng, đỏ, vàng, hương thơm dịu và kín đáo. Trong nó chứa nhiều tinh dầu và đây là thành phần chữa bệnh chủ yếu. Nó có tác dụng hỗ trợ kích thích và điều hoà hệ thần kinh, gia tăng hoạt động của các tuyến nội tiết, loại bỏ rối loạn phức tạp trong các cơ quan nội tạng và tái tạo tế bào. Theo Đông y, hoa có vị ngọt, mùi thơm ngát, tính bình, có công dụng chữa trị các chứng bệnh: ho ra máu, tiểu tiện, lỵ…

Bài thuốc chữa bệnh

Chữa ho cho trẻ nhỏ: Lấy cánh hoa hồng trắng tươi trộn với nước quất và 1/2 thìa nhỏ mật ong đem chưng cách thuỷ cho trẻ uống.

Chữa hôi miệng: Hoa hồng 5g, hãm nước sôi để nguội ngậm, súc, rồi nhổ. Hoặc rửa sạch 5g hoa nhai ngậm rồi nhổ.

Theo y học cổ truyền, hoa hồng có vị ngọt, tính ấm, tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng. (Ảnh: Pixabay)

Chữa viêm sưng tuyến vú: Hoa hồng 7 bông, đinh hương 7 nụ, cho cả 2 vào nồi cùng một lượng rượu vừa đủ. Nấu lên rồi uống nước, bỏ cái. uống lúc no.

Kinh nguyệt không đều: Hoa hồng 5g, hoa quế 3g, rượu 50ml. Chưng cách thuỷ hay hấp cơm, để nguội uống.

2. Hoa quỳnh

Hoa quỳnh được mệnh danh là nữ hoàng bóng đêm với vẻ đẹp và mùi thơm quyến rũ, trong dân gian nó được xem là vị thuốc đặc trị các bệnh ở phổi và hệ hô hấp. Theo Đông y, hoa quỳnh có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh phế (mát phổi), chỉ khái (chống ho), loãng đờm, tan đờm, tiêu viêm (sưng đỏ đau), cầm máu. Nó thường được dùng chữa ho ra máu trong bệnh lao phổi, tử cung xuất huyết, viêm họng, khản tiếng, dùng ngoài chữa đinh nhọt, chấn thương da bầm tím (ứ máu cục bộ).

Bài thuốc chữa bệnh từ hoa quỳnh

Chữa ho ra máu trong bệnh lao phổi: Dùng hoa quỳnh 3-5 bông, đường kính 15g, sắc nước uống trong ngày.

Chữa lên cơn hen: Dùng hoa quỳnh, Kim ngân hoa mỗi thứ 9-12g, sắc nước uống thay trà trong ngày.

Chữa đinh nhọt, đòn ngã sưng đau: Dùng hoa quỳnh hoặc thân cây giã nát, đắp vào chỗ da bị bệnh.

Y học dân gian của Việt Nam dùng rượu hoa quỳnh (hoa quỳnh ngâm với rượu gạo) để chữa đau bụng, bôi các vết bầm tím rất hiệu quả (Ảnh: Topplus.vn)

3. Hoa sen

Hoa sen là quốc hoa của Việt Nam, biểu tượng của sự tinh khiết trong phật giáo và truyền thống của đạo Hindu. Theo Đông y, các bộ phận của sen như lá, tâm, đài, ngó sen đều có tác dụng trị liệu. Theo Tây y, các chất chống oxy hóa trong hoa sen có công dụng giảm nếp nhăn, se khít lỗ chân lông và làm dịu da khi bị khô, nứt nẻ.

Sen có nhiều cánh, chúng được dùng ngâm bồn (spa trị liệu) rất hiệu quả trong việc loại bỏ tế bào chết, tái tạo da, đồng thời giúp da tươi trẻ. Đặc biệt tinh dầu của sen trắng còn dùng dưỡng da và massage giúp lưu thông khí huyết. Dùng cháo hoa sen thường xuyên sử dụng có tác dụng làm da trắng mịn, nét mặt tươi hồng, tóc đen mượt và làm chậm quá trình lão hóa.

4. Hoa oải hương 

Oải hương không chỉ tượng trưng cho tình yêu mà còn là một loại thảo dược tuyệt vời cho sức khỏe. Với mùi thơm nồng, nó sở hữu tác dụng tuyệt vời trong trợ giúp an thần và kháng khuẩn. Đây cũng là loại hoa giúp cải thiện tuần hoàn máu, ngăn ngừa những vết rạn và loại bỏ dịch ứ.

Từ thời cổ đại, oải hương được dùng để hỗ trợ điều trị rất nhiều loại bệnh bao gồm: tâm thần, lo âu, mất ngủ, trầm cảm, đau đầu, rụng tóc, buồn nôn, mụn nhọt, đau răng, kích ứng da, ung thư. Nó cũng thường được dùng trong các phương pháp trị liệu bằng dầu thơm. Đặc biệt, trà hoa oải hương có nhiều công dụng trị bệnh hiệu quả tới hệ tim mạch, tiêu hóa, giảm căng thẳng, chống viêm và cùng rất tốt cho da.

5. Hoa cúc

Có rất nhiều loại cúc bao gồm cúc bách nhật, bạch cúc, kim cúc, cúc móc, cúc vạn thọ. Theo y học cổ truyền, mỗi loại có chứa những thành phần và tác dụng khác nhau:

Theo Đông y, hoa cúc có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải cảm, giáng hỏa, mát gan, làm sáng mắt. Vì vậy, hoa cúc thường được dùng để chữa các chứng do phong nhiệt như chóng mặt, nhức đầu, đau mắt, chảy nước mắt, đinh nhọt, sang lở. (Ảnh: en.photo-ac.com)

Cúc bách nhật vị ngọt hơi chát, tính bình, tác dụng khử đờm, bình suyễn, tiêu viêm, giảm ho, dùng chữa hen suyễn, viêm phế quản cấp hay mạn tính, ho gà, lao phổi, ho ra máu, đau mắt, đau đầu, hạ sốt cho trẻ nhỏ.

Bạch cúc vị ngọt, hơi đắng, tính hàn, tác dụng tán phong thanh nhiệt, mát gan, sáng mắt, chữa phong.

Kim cúc vị đắng, cay, tính hơi ôn, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chữa mụn nhọt sưng đau, đau mắt đỏ có sưng, đau đầu, chóng mặt, chữa cảm lạnh, cúm, viêm não nhẹ, viêm mũi, viêm da mủ, hoa mắt, cao huyết áp, viêm gan, kiết lỵ, chảy nước mắt nhiều…

Cúc vạn thọ vị đắng, mùi thơm, tính mát, tác dụng tiêu viêm, làm long đờm, trị ho. Lá hoa hỗ trợ giúp mát gan, phổi, giải nhiệt, chữa đau mắt, ho gà, viêm phế quản, viêm loét miệng, viêm hầu, đau răng. Có thể dùng đắp ngoài đê trị viêm tuyến mang tai, viêm tuyến vú, viêm da mủ.

Bài thuốc chữa bệnh từ hoa cúc

Hen suyễn: Cúc bách nhật, tỳ bà diệp (lá nhót), bảy lá một hoa mỗi vị 6g, quả nhót 10g. Ngày uống một thang chia 3 lần, mỗi lần 60ml nước thuốc sắc. Dùng 3 ngày liền.

Trẻ em khóc đêm: Cúc bách nhật 5g, xác ve sầu 3g, cức hoa 2g. ngày uống một thang chia 3 lần, mỗi lần 300ml, uống 3 ngày.

Cao huyết áp: Bạch cúc 10g, hoa hoè 8g, lạc nhân 3g. Ngày uống một thang chia 3 lần trong 10 ngày liên tục.

Hoa mắt chóng mặt: Bạch cúc, hoa thiên lý mỗi vị 10g, ngải cứu 12g, rau má, lá đinh lăng mỗi vị 8g. Ngày uống một thang chia 3 lần, liên tục trong 5 ngày.

Đau đầu: Bạch cúc 9g, hoa nhài 3g, rau má 10g, cúc bách nhật 5g. Ngày uống một thang chia 3 lần, uống liền 3 – 5 ngày.

Cảm mạo phong nhiệt: Kim cúc 20g, củ sắn dây 15g, lá dâu tằm 10g, rễ cây lau 8g, bạc hà, Cam thảo mỗi vị 5g. Ngày uống một thang chia 3 lần.

Đinh nhọt: Kim cúc, Bồ công anh mỗi vị 30g, Tử hoa địa linh 20g, kim ngân 6g. Ngày uống một thang chia 3 lần vào lúc đói, liên tục trong 3 ngày.
.
Đau răng: Cúc vạn thọ 5 bông, lá nhãn 5 lá, muối ăn khoảng 15 hạt. Rửa sạch giã nhỏ chia 3 phần đều nhau, mỗi lần đặt một phần thuốc vào nơi răng đau. Còn hai phần ngậm thay đổi mỗi lần một phần.

6. Hoa nhài

Theo y học cổ truyền, hoa và lá nhài có vị cay và ngọt, tính mát; có tác dụng trấn thống, thanh nhiệt, giải biểu, lợi thấp. Có công dụng trị ngoại cảm phát sốt, đau bụng, mụn nhọt độc. Hoa sắc nước dùng rửa mặt, chữa viêm màng khóe mắt và màng mộng, trẻ lên sởi có sốt, sởi mọc không đều, lá dùng trị bạch đới.

Hoa và lá nhài có vị cay, ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải biểu, lợi thấp. Rễ vị cay, ngọt, tính mắt, có độc, tác dụng trấn thống. (Ảnh: en.photo-ac.com)

Bài thuốc chữa bệnh từ hoa nhài

1. Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Hoa nhài 10g, hoa hòe 10g, kim cúc 6g, hoa đại 6g. Sắc với ba bát nước còn một bát, chia uống hai lần trong ngày, vào sáng và tối sau ăn, mỗi liệu trình 10 ngày.

2. Nhức mỏi, đau đầu gối: Hoa nhài 50g, móng giò lợn 200g. Cách chế biến: Móng giò lợn rửa sạch, chặt khúc, ướp gia vị, hoa nhài rửa sạch để ráo. Cho 3 bát nước đun sôi móng giò khoảng 30 phút, cho hoa vào, nêm gia vị vừa đủ bắc ra ngay. Ăn khi canh còn nóng, có thể dùng làm canh ăn với cơm, mỗi tuần ăn khoảng 3 – 5 lần.

3. Chữa mất ngủ: Hoa nhài 10g, Bồ công anh 20g, Kim ngân hoa 20g, Cam thảo đất 10g, ngày uống một thang chia 2 – 3 lần, liên tục trong 7 ngày. Hoặc hoa nhài 6g, tâm sen 8g, hãm với nước sôi dùng thay nước, liên tục từ 7 – 10 ngày sẽ thấy kết quả rõ rệt.

Kiên Định t/h