Những ngày Tết, thói quen ăn uống, nếp sinh hoạt của mọi người bị xáo trộn khiến cơ thể không thể thích ứng kịp dẫn đến rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, chướng hơi…

Những bữa ăn thịnh soạn, nhiều năng lượng suốt dịp Tết là nguyên nhân gây nên tình trạng đầy bụng, khó chịu.

Các bệnh tiêu hóa thường gặp dịp Tết
Ảnh minh họa.

Rối loạn tiêu hóa gồm các triệu chứng như đau bụng âm ỉ, đau quặn, đi ngoài không ổn định, lúc lỏng, lúc táo, sống phân, đi đại tiện nhiều lần trong ngày, cảm giác mót rặn, đầy bụng, khó tiêu, khó trung tiện…

Chướng bụng, đầy hơi

Chướng bụng xảy ra khi ăn uống quá nhiều thức ăn vượt quá khả năng xử lý của hệ tiêu hóa (còn được gọi là bội thực).

Đặc biệt, khi ăn nhiều, nhất là ăn nhiều chất đạm và chất béo (thịt mỡ) lại uống nhiều bia rượu thì tình trạng no hơi, chướng bụng càng dễ xảy ra và càng nặng hơn.

Sự quá tải về tiêu hóa thường dẫn đến phản ứng của cơ thể làm bệnh nhân phải nôn ói, thậm chí có người phải tự kích thích (móc họng) cho nôn ói ra mới cảm thấy dễ chịu.

Viêm loét dạ dày

Những người từng bị bệnh viêm loét dạ dày sẽ dễ bị tái phát trong dịp Tết do nhiều nguyên nhân: căng thẳng, thức khuya, lo toan chuẩn bị Tết, ăn uống không điều độ, không đúng giờ, ăn uống nhiều chất gây hại cho dạ dày (chua cay, rượu bia).

Triệu chứng: đau bụng trên rốn, ợ hơi, buồn nôn, nôn ói, thậm chí có những trường hợp còn xuất huyết tiêu hóa gây ói máu và tiêu phân đen, có thể làm thủng dạ dày gây đau bụng rất dữ dội.

Ngộ độc thức ăn

Ngộ độc thức ăn do thức ăn bảo quản không kỹ, hay để lâu ngày bị nhiễm vi khuẩn và các độc tố của vi khuẩn.

Thậm chí, thức ăn có chứa các hóa chất bảo quản độc hại sẽ gây bệnh “viêm dạ dày ruột cấp” với biểu hiện đau bụng vùng trên rốn kèm theo buồn nôn nôn ói (viêm dạ dày cấp do ngộ độc thức ăn), hoặc đau quặn vùng bụng dưới rốn hay đau khắp bụng kèm theo tiêu phân lỏng nước, phân đàm nhầy, phân lẫn nhầy máu và có thể kèm theo sốt (viêm ruột cấp do ngộ độc thức ăn).

Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị tê, vọp bẻ tay chân do bị mất nước và các chất điện giải (gọi nôm na là mất muối) trong cơ thể .

Biện pháp phòng bệnh

Trong ngày Tết luôn phải thực hiện “ăn chín, uống sôi”, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh. Bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, chống ruồi, gián, bụi bặm. Xử lý phân, chất thải đảm bảo vệ sinh chung.

Để phòng chứng khó tiêu đầy bụng, nên ăn chậm, nhai kỹ, tránh dùng các thực phẩm khó tiêu như thức ăn rán quá nhiều dầu mỡ; không lạm dụng rượu, cà phê, thuốc lá, gia vị gây kích thích quá đáng nên dùng gừng giã nhỏ hòa với nước ấm uống.

Với trẻ em, giữ vệ sinh tay sạch sẽ là biện pháp cơ bản để phòng bệnh. Nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi cầm nắm thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Các bà mẹ phải rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi thay tã lót hoặc làm vệ sinh cho trẻ. Không để trẻ bò lê la trên sàn nhà hoặc ngậm tay, ngậm đồ chơi.

Tránh ăn các món nộm, tái sống, nem chua và đặc biệt là thức ăn để trong tủ lạnh quá lâu, đồ ăn để trong tủ lạnh chỉ 1-2 ngày.

Nếu ăn thức ăn trong tủ lạnh, bạn phải nấu chín kỹ, hạn chế quay lò vi sóng, vì thức ăn quay lò vi sóng không tiêu diệt hoàn toàn được vi khuẩn.

Phương Nam