Cà tím là loại thực phẩm thuộc họ Cà, có màu tím đặc trưng bóng loáng với hình dạng thon dài như giọt nước. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều màu sắc và hình dạng khác. Ấn Độ được xem là quê hương của loại quả này, sau đó được du nhập vào Trung Quốc, bán đảo Hàn Quốc và nhiều nước ở châu Á.

Cà tím cũng đã xuất hiện lần đầu tiên ở châu Âu vào thế kỷ 14, và Thomas Jefferson lần đầu tiên giới thiệu chúng đến Mỹ thế kỷ 18. Loại quả này nhanh chóng trở thành nguồn nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn do lợi ích về sức khoẻ mà nó mang lại.

Lợi ích sức khoẻ của cà tím

Cà tím chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần cho cơ thể như folate, kali và mangan, cũng như các vitamin C, K và B6, phốt pho, đồng, thiamin, niacin, magiê và axit pantothenic.

Chất phenol được biết đến là một trong những ‘người nhặt rác’ gốc tự do mạnh mẽ nhất, có thể ngăn ngừa sự phát triển ung thư và bệnh tim. Chính những thuộc tính này đã làm cho cà tím có vị đắng nhẹ.

Ảnh: vi.photo-ac.com

Một nghiên cứu khác cho thấy rằng anthocyanin trong lớp vỏ của cà tím, còn được gọi là nasunin, là một chất chống oxy hóa mạnh có thể ngăn chặn các gốc tự do và bảo vệ các chất béo cấu tạo nên màng tế bào não khỏi bị hư hại.

Cà tím, khoai tây và cà chua đã được thử nghiệm và phát hiện có hoạt tính chống tăng sinh chống lại các tế bào ung thư ruột kết và ung thư gan ở người. Trong một nghiên cứu khác, chiết xuất cà tím đã được tìm thấy có tác dụng ức chế sự xâm lấn tế bào xơ (mô liên kết đến mô mềm) của con người.

Delphinidin, một hợp chất tự nhiên trong chiết xuất cà tím, được tìm thấy là thành phần chịu trách nhiệm ức chế hoạt động của các chất tiết của u xơ tử cung làm suy yếu các tế bào khối u hạn chế quá trình xâm lấn.

Theo kinh nghiệm dân gian, lá và rễ cây được ép hoặc sắc lên để làm thuốc cho bệnh viêm họng và rối loạn dạ dày, hen suyễn, bệnh ngoài da, thấp khớp, ho, biếng ăn, đau răng.

Cà tím có chứa chất độc không?

Vị đắng của cà tím giúp bản thân loài cây này tự vệ trước những tác nhân xâm nhập bên ngoài. Vào thời La Mã cổ đại, cà tím được cho là có độc tính vì vị đắng của nó, nên nó có tên gọi mala insane, nghĩa là ‘táo điên’. Trong bút tích cổ xưa của người Bedouin còn chép rằng “màu sắc của nó giống màu bụng của bọ cạp, còn hương vị tương tự vết chích của bọ cạp” đủ cho thấy suốt nhiều thế kỷ sau đó, vị đắng của cà tím dường như phải gánh chịu nhiều tiếng xấu.

Khoa học hiện nay đã cho thấy, giống như các thực vật họ Cà khác, cà tím cũng chứa thành phần solanin chứa chất độc alkaloit với hàm lượng rất nhỏ. Hợp chất này không bị phá huỷ bởi nhiệt độ cao. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, cà tím vẫn an toàn cho người dùng nếu ăn không quá 30 – 40 quả một lúc.

Ảnh: vi.photo-ac.com

Nicotin cũng là một chất trong cà tím và không bị phá huỷ bởi nhiệt. Trong 10kg quả cà tím mới cho một lượng nicotin bằng một điếu thuốc lá. Không những chứa hàm lượng rất nhỏ mà khi vào cơ thể sẽ được thải độc ở gan và bài tiết ra ngoài cơ thể nên không ảnh hưởng để sức khoẻ người tiêu dùng.

Chế biến món ăn từ cà tím

Khác với tên gọi ‘táo điên’ trong quá khứ, ngày nay cà tím được sử dụng để chế biến nhiều món ăn. Thêm nữa, những người không thích vị đắng của cà tím cũng đã tìm cách để giảm thiểu hương vị này. Họ thực hiện bằng cách cắt lát cà tím, rắc muối biển dày lên, để khoảng 30 phút – 1 tiếng, sau đó chắt bỏ phần nước có vị đắng chát đi trước khi chế biến. Dĩ nhiên là việc ngâm muối giúp thẩm thấu nước ra ngoài và không dễ loại bỏ hết vị đắng. Tuy vậy, đây vẫn là một cách làm thông dụng do vị mặn của muối có thể át chế được vị đắng của cà tím.

Cách làm 1: Cà tím cắt bỏ phần cuống và rửa sạch, cho vào chõ hấp hoặc để vào bát hấp chung trong nồi cơm sau khi cơm sôi. Cà tím khi chín lấy ra, để nguội bớt một chút, nhúng tay vào nước lạnh để tránh bị bỏng rồi dùng tay xé dọc theo thớ quả. Sau đó đem trộn với hỗn hợp nước sốt gồm nước tương, dầu ăn, hạt mè và ớt xanh thái lát.

Cách làm 2: Cà tím cắt miếng vừa ăn, tẩm với bột mì, sau đó chiên giòn là dùng được; hoặc cà tím được cắt miếng mỏng, đặt thịt bò băm nhuyễn lên trên, nhúng vào trứng rồi tẩm bột, cho vào chảo dầu nóng chiên.

Mộc Chi tổng hợp