Vitamin D có vai trò trong sự tăng trưởng của trẻ thông qua hiệu quả hấp thụ calcium, vận chuyển hormon tuyến cận giáp, chuyển hóa phosphat, tham gia vào chức năng tăng trưởng và điều hòa các yếu tố tăng trưởng tương tự như insulin. Do đó, chất này được các nhà dinh dưỡng khuyến cáo đưa vào danh sách những chất dinh dưỡng cần được bổ sung hàng ngày. Điều này liệu có thực sự chính xác?

Các thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu quan sát mô tả trước đây dường như cho thấy việc bổ sung vitamin D vào giai đoạn thai kỳ và nhũ nhi hiệu quả tích cực lên sự tăng trưởng của trẻ. Tuy nhiên, các nghiên cứu này có cỡ mẫu nhỏ và có nhiều hạn chế trong phương pháp nghiên cứu. Vì thế, giả thuyết về việc bổ sung vitamin D trong suốt thai kỳ và nhũ nhi giúp cải thiện được chiều cao và cân nặng cho trẻ hay không thì hiện nay vẫn chưa được biết rõ.

Ảnh: healthypop.tistory.com)

Các tác giả đến từ Canada và Bangladesh đã thiết kế nghiên cứu tại Bangladesh nơi có khoảng 30% trẻ sơ sinh suy dinh dưỡng bào thai và 36% trẻ em dưới 5 tuổi còi cọc. Hầu hết Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở quốc gia này có tình trạng thiếu vitamin D.

Năm 2018, một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, đối chứng, đã được tiến hành trên 1300 phụ nữ mang thai. Những người tham gia nghiên cứu được chia làm 5 nhóm: một nhóm chứng không được bổ sung vitamin D; hai nhóm được bổ sung vitamin D trong thai kỳ và kéo dài đến 26 tuần sau sinh với liều 28.000 UI/ tuần; ba nhóm còn lại chỉ được bổ sung vitamin D trong thai kỳ với liều lần lượt là 4.200 UI/ tuần, 16.800 UI/ tuần và 28.000 UI/ tuần.

Các em bé và bà mẹ đều được theo dõi nồng độ canxi, nồng độ vitamin D trong máu. Các chỉ số tăng trưởng gồm chiều cao, chiều dài xương đùi, xương cánh tay, cân nặng, chỉ số khối cơ thể (BMI) của trẻ được đo đạc và phân tích so sánh giữa 5 nhóm vào các thời điểm sau sinh và khi trẻ được 1 tuổi. Các yếu tố kết cục y khoa trong cuộc sinh cũng được thống kê và phân tích.

Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về chiều caocân nặng giữa các nhóm với nhau; tuy rằng việc bổ sung vitamin D đã làm tăng nồng độ 25-hydroxyvitamin D và canxi trong huyết thanh ở cả mẹ và trẻ cũng như làm tăng nồng độ hormone tuyến cận giáp ở mẹ. Bên cạnh đó, các yếu tố về kết cục y khoa trong cuộc sinh nở và tỉ lệ tử vong của các nhóm cũng không có sự khác biệt đáng kể.

Với kết quả nghiên cứu này, việc bổ sung vitamin D trong thai kỳ và sau sinh không liên quan đến việc cải thiện chiều cao và cân nặng cho trẻ. Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng không khuyến khích việc bổ sung vitamin D thường quy trong thai kỳ.

Tắm nắng mỗi sáng từ 15 – 30 phút, ánh sáng dịu nhẹ (ánh nắng bình minh), cơ thể sẽ sản xuất vitamin D một cách tự nhiên và an toàn nhất. Kết hợp với chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý thì việc có được một cơ thể cân đối khỏe mạnh là điều có thể đạt được.

Bs Lê Lan

Nguồn bài báo:

Roth DE, Morris SK, Zlotkin S, Gernand AD, Ahmed T, Shanta SS, Papp E, Korsiak J, Shi J, Islam MM et al: Vitamin D Supplementation in Pregnancy and Lactation and Infant Growth. New England Journal of Medicine 2018, 379(6):535-546.