Tết là dịp để mọi người quây quần bên nhau, chia sẻ những điều đã qua trong năm cũ và hướng đến những điều tốt lành trong năm mới. Với những người cao tuổi, ý nghĩa thiêng liêng hơn cả khi đây là dịp để gặp lại con cháu, anh em ở xa lâu ngày mới về. Dù đón xuân vui vẻ, nhưng nên có bí quyết chăm sóc sức khỏe để niềm vui được trọn vẹn.

Mùa xuân khí hậu thay đổi thất thường, cách bảo vệ sức khỏe của người cao tuổi trong tiết trời này là bảo đảm việc trao đổi chất của cơ thể một cách bình thường, cụ thể là từ việc ăn uống, nghỉ ngơi… Muốn bảo vệ chăm sóc sức khỏe để đón cả năm mới bình an trong dịp này, các bậc cao tuổi cần lưu ý những điều sau:

Giữ ấm là quan trọng hàng đầu

Thời tiết vào xuân thường lúc ấm, lúc lạnh, thay đổi thất thường, người cao tuổi không nên giảm bớt quần áo quá sớm và quá nhanh, nếu không rất dễ bị cảm lạnh. Bởi khí huyết và xương cốt yếu nên sợ nhất bị gió lạnh, nhất là ở vùng lưng. Nếu xuất hiện trạng thái này không nên cố chịu đựng, mà phải lập tức mặc thêm áo. Lưng bị lạnh có thể sẽ ảnh hưởng đến phổi, ngoài dẫn đến bị cảm, ho thậm chí khiến các căn bệnh cũ tái phát.

Những người sức khỏe không tốt càng phải chú ý sức khỏe, bởi đây là thời điểm các bệnh mãn tính dễ tái phát. Sự hàn lạnh có thể gây co thắt mạch, tăng độ nhớt và làm giảm tốc độ lưu thông máu, thiếu máu cục bộ từ đó có thể gây ra các chứng như cảm lạnh, hen suyễn, viêm phổi, viêm phế quản, viêm khớp, đau nửa đầu và bệnh tim mạch vành.

Người xưa có câu: ‘Xuân ô thu đống’ nghĩa là mùa xuân nên mặc quần áo cho phù hợp để tránh gió và giữ ấm, trong đó giữ ấm cho cơ thể là then chốt nhất. Đồ lót nên chọn vải cotton có khả năng thấm mồ hôi, ấm áp, rộng rãi và thoải mái.

Điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp

Để có một ngày tết khỏe mạnh và vui vẻ, người cao tuổi cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý. (Ảnh: alobacsi.com)

Dược vương Tôn Tư Mạc thời nhà Đường từng nói: “Xuân nhật ẩm thực nghi tỉnh toan tăng cam, dưỡng tỳ ích khí”,  nghĩa là sự trao đổi chất vào mùa xuân rất vượng, nguyên tắc ăn uống cần chọn thực phẩm kiện Tỳ phù dương. Chú trọng các loại thực phẩm có tính ấm và vị ngọt, đắng, giàu dinh dưỡng. Kỵ những thực phẩm nhiều dầu mỡ, sống, lạnh, dính, cứng, cay nhiều, nóng đề phòng tăng nhiệt sinh hỏa.

Ăn nhiều những thức ăn giàu protit, chất khoáng và vitamin nhất là vitamin B, như: Thịt nạc, những thức ăn làm từ đậu, trứng, cà rốt, súp lơ, rau cải trắng, rau chân vịt, cần tây… Nhưng người cao tuổi cần nhớ dù ngon miệng cũng chỉ nên ăn no vừa phải, giảm khối lượng thức ăn, chỉ nên ăn no bụng từ 70 – 80%. Một bữa ăn quá no sẽ tạo nên một ‘stress tiêu hóa’ có thể gây ra những hậu quả xấu.

Tâm trạng luôn vui vẻ

Cảm xúc của mỗi người có liên quan rất lớn tới sức khỏe. Các nghiên cứu y học cho thấy, trạng thái tâm lý không tốt dễ dẫn tới Can khí uất kết, rối loạn chức năng hệ thống thần kinh, giảm hệ miễn dịch, dễ dẫn tới các loại bệnh ở gan, thần kinh, não, bệnh truyền nhiễm.

Mùa xuân người cao tuổi nên điều chỉnh cảm xúc để luôn được vui vẻ, sảng khoái. (Ảnh: kknews.cc)

Để giữ tâm trạng vui vẻ, thanh thản, khi ở ngoài trời nên nhìn những nơi cây cối xanh tươi và những vật màu xanh. Theo y học mùa xuân cũng khiến người cao tuổi dễ nóng nảy, cần chú ý điều chỉnh cảm xúc. Nguyên nhân bởi, tinh thần thoải mái có lợi cho việc dưỡng Can. Nóng nảy cũng dễ dẫn đến rối loạn chức năng trao đổi chất của hệ thống thần kinh, sức đề kháng giảm, dễ gây các chứng bệnh tâm thần, bệnh gan, bệnh tim mạch…

Nếu như trong mùa xuân giữ gìn Can khí được tốt, không những có được ngày xuân vui vẻ và khỏe mạnh, mà cũng rất có lợi cho việc phòng chống bệnh và bảo vệ sức khỏe trong mùa hè.

Tập thể dục

Mùa xuân những người cao tuổi nên thường xuyên ra ngoài rèn luyện sức khỏe, có thể tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ não, phòng chống xơ cứng động mạch. Buổi sáng không nên đi tập luyện quá sớm, để tránh do sáng sớm nhiệt độ thấp, còn nhiều sương dễ bị cảm, hen suyễn hoặc viêm phế quản mạn tính… tốt nhất đợi đến khi có ánh nắng mặt trời mới đi tập.

Ngoài ra, nên ăn sáng rồi mới đi tập luyện. Người cao tuổi máu lưu thông chậm vào buổi sáng, nhiệt độ cơ thể thấp, trước khi rèn luyện nên ăn bát canh nóng. Không nên tập những động tác mạnh, vì người cao tuổi sáng ngủ dậy cơ bắp không được chặt, gân khớp xương còn cứng, nên trước khi tập phải khởi động gân khớp xương, để tránh xảy ra bất trắc. Có thể tập các bài tập nhẹ nhàng để giúp lưu thông máu, nâng cao chức năng tim phổi, thu được nhiều oxy hơn từ đó làm máu lưu thông tới não nhiều hơn và thích hợp được với những biến đổi nhanh chóng của thời tiết như khí công, thái cực quyền, đi bộ…

Duy trì nề nếp nếp sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi. Như lời khuyên của người xưa, không vì quá vui bạn bè hay chiều lòng con cháu mà quá chén. Tốt nhất, chỉ nên dùng rượu để khai vị, ngay cả rượu vang đỏ cho dù đã được xác nhận là loại rượu có tác dụng tốt cho tuần hoàn máu, huyết áp, chống oxy hóa; trung hòa được các gốc tự do và chống ung thư thì với người khỏe, các nhà khoa học Pháp cũng khuyên chỉ nên uống một ly mỗi bữa, và cũng đừng quên ăn mỗi khi uống (không uống rượu suông).

Người cao tuổi có thể tập các môn thể dục nhẹ nhàng như khí công để tuần hoàn máu và tăng cường sức khỏe vào dịp Tết. (Ảnh: epochtimes.com)

Trong các bệnh thường gặp ở người cao tuổi trong mùa xuân, cần đặc biệt lưu ý đề phòng bệnh lý về phổi. Đây là cơ quan có biến đổi theo tuổi tác rất rõ. Tuổi càng cao càng có sự lão hóa rõ rệt. Vách phế nang, mao mạch thường bị teo, mô tạo keo dần dần thay thế cho những mao mạch đã bị thưa đi, khiến cho không khí qua lại không được dễ dàng như lúc trẻ.

Để phòng ngừa, người cao tuổi có thể tập thở bụng: nhúc nhích hai vai, thở nhẹ nhàng không phì phào, chậm rãi. Thót bụng thở ra hết sức, khi bụng thót hết thì ngừng thở, cho bụng phình lên một cách tự nhiên nhẹ nhàng để thở vào; khi bụng phình lên hết, ngừng một lát rồi lại thở ra. Làm 4 – 5 phút như vậy rồi nghỉ. Ngày tập 5 – 7 lần hoặc nhiều hơn càng tốt. Khi ngồi, nằm hay đứng đều tập thở được. Khi đã tập thở quen rồi thì có thể tranh thủ tập thở ở mọi nơi, mọi lúc như khi ngồi chờ tàu xe, ngồi nghe nói chuyện, xem tivi…

Theo Secretchina
Kiên Định biên dịch