Cỏ nhọ nồi được xếp vào danh mục thuốc nam có nhiều tác dụng trị bệnh tuyệt vời, mà giờ đây dường như đang dần bị lãng quên. Bài viết xin giới thiệu tới quý độc giả một số công dụng nổi bật của loại thảo dược này.

Ngày nay, mỗi khi bị mắc các bệnh thông thường như sốt cảm cúm, chúng ta thường tìm tới bệnh viện hoặc cửa hàng thuốc tây, gần như là không ai nhắc đến việc bạn nên sử dụng thảo dược để trị bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc nam đúng thời điểm, đúng hoàn cảnh lại là một lựa chọn hoàn hảo và tốt cho sức khỏe.

Đôi nét về cây nhọ nồi

Cây nhọ nồi còn được gọi là cây cỏ mực, tên khoa học là Eclipta alba Hassk, thuộc họ Asteraceae. Tên nhọ nồi (hay cỏ mực) là do khi vò nát sẽ thấy nước chảy ra đen như mực hay màu nhọ nồi.

Cỏ nhọ nồi là loại cây thân thảo, mọc hoang ở ven ruộng, bụi rậm… Dân gian thường dùng giã nhuyễn vắt lấy nước uống để hạ sốt, hay nhai nhỏ để cầm máu vết thương nhanh chóng khi đang làm ruộng mà chẳng may bị thương.

J.M.Garg [CC BY 3.0], via Wikimedia Commons

Theo Đông y cho rằng, nhọ nồi có tính lạnh, vị chua ngọt, không độc giúp mát huyết, thanh can nhiệt, dưỡng thận âm, cầm máu, làm đen tóc…

Ở Ấn Độ, cỏ nhọ nồi được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh gan và vàng da, chữa đau răng, ăn khó tiêu và làm lành vết thương. Tại Trung Quốc, toàn thân cây cỏ nhọ nồi có tác dụng cầm máu, chữa tiểu ra máu, ho ra máu, cải thiện đau lưng. Ngoài ra, cây cỏ nhọ nồi còn được dùng với các mục đích như điều trị sốt xuất huyết, điều trị mụn nhọt và một số bệnh lý khác.

Một số công dụng của cỏ nhọ nồi

1. Cầm máu

Cỏ nhọ nồi có chứa tanin (chất làm se) có tác dụng cầm máu khá nhanh. Vì vậy, dân gian thường sử dụng thảo dược này nhai nhỏ hoặc giã nhuyễn để đắp vào vết thương nhỏ chảy máu. Có thể dùng bột cỏ nhọ nồi rắc vào vết thương.

2. Chữa sốt cao

Từ xa xưa, ông cha ta đã dùng cây nhọ nồi để trị sốt cao, đây là giải pháp trị bệnh cho người bị sốt nhưng khó dùng thuốc kháng sinh, nhất là trẻ nhỏ. Cách đơn giản nhất là lấy cỏ nhọ nồi tươi giã nát, vắt lấy nước cho trẻ uống. Đối với trẻ dưới 1 tuổi chỉ nên dùng cỏ nhọ nồi giã nát đắp vào nách, bẹn để hỗ trợ hạ sốt.

3. Chữa viêm họng

Nếu bạn bị viêm họng sưng đau thì có thể dùng 20 g cỏ nhọ nồi, 16 g cam thảo đất, 12 g củ rẻ quạt, 16 g kim ngân hoa và 20 g bồ công anh. Mỗi ngày sắc 1 thang. Uống liên tục từ 3 – 5 ngày, bạn sẽ thấy hiệu quả.

4. Chữa rong kinh mức độ nhẹ

Cỏ nhọ nồi tươi một nắm rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước cốt uống. Hoặc có thể dùng cỏ mực khô sắc nước uống. Trong trường hợp huyết ra nhiều, ngoài cỏ nhọ nồi, bệnh nhân có thể thêm cây huyết dụ hoặc trắc bá diệp sao đen, sắc uống.

5. Chữa mề đay

Cỏ nhọ nồi, lá dưa chuột, lá khế, rau diếp cá, lá nhài và lá huyết dụ, rửa sạch, giã nát, cho thêm nước và vắt lấy nước uống. Phần bã dùng sát lên vùng da bị nổi mề đay.

6. Trị chứng ăn không ngon, cơ thể suy nhược

Sử dụng cỏ nhọ nồi, cỏ mần trầu, mỗi thứ 100 g cùng với 50 g gừng khô đem thái nhỏ và sao vàng hạ thổ. Cho thêm vào 3 chén nước dừa, đun cạn còn 8 phần. Chia 2 lần, uống trong ngày.

Lưu ý khi dùng cỏ nhọ nồi trị bệnh

  • Người bị Tỳ Vị hư hàn, tiêu chảy, sôi bụng, thì không nên sử dụng.
  • Phụ nữ mang thai không sử dụng.

Mọi khuyến cáo về sử dụng cây thuốc và liều lượng độc giả nên tham khảo ý kiến của bác sĩ Đông y trước khi sử dụng để mang lại hiệu quả tốt nhất.