Vụ việc giải cứu 12 cậu bé mắc kẹt trong hang động Tham Luang ở Thái Lan vào tháng 7 năm ngoái đã làm cho cả thế giới nín thở theo dõi từng tình tiết. Mới đây, các bác sĩ tham gia đã tiết lộ chiến lược được giữ bí mật tại thời điểm đó vì… nó là một quyết định cực kỳ nguy hiểm.

Gây mê để giải cứu các cầu thủ nhí

Chi tiết mới về cuộc giải cứu đã xuất hiện vào thứ Tư (3/4/2019) trong một bức thư trên Tạp chí Y học New England.

Các thợ lặn đưa những cậu bé đến nơi an toàn đã được dạy cách tiêm thuốc ketamine. Đây là loại thuốc gây mê tác dụng ngắn, khiến các cậu bé bất tỉnh trong chuyến đi kéo dài khoảng 6 giờ đến cửa hang. Các em cũng được sử dụng thuốc chống lo âu alprazolam (Xanax) và thuốc atropine, giúp nhịp tim của các cậu bé ổn định và ngăn ngừa co thắt cơ trơn.

Các cậu bé dưới 16 tuổi của đội bóng Thái Lan bị mắc kẹt bên trong hang Tham Luang chào đón các thành viên của đội cứu hộ ngày 3/7/2018. (Ảnh: Hải quân Thái Lan)

Bác sĩ gây mê – Chanrit Lawthaweesawat tại Bệnh viện quốc tế Bumrungrad kiêm Phó tổng thư ký Hiệp hội Y khoa Thái Lan ở Bangkok đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn: “Nếu các em thức dậy và hoảng loạn, điều đó thật nguy hiểm cho các em và với cả những thợ lặn trong hang động. Việc ‘đưa các cậu bé vào giấc ngủ’ cũng là để ngăn chặn chấn thương tâm lý sau khi đưa các em ra khỏi hang”.

Bác sĩ gây mê đứng đầu Điều phối hồi cứu khẩn cấp SAAS MedSTAR ở Úc – Richard Harris – người nghĩ ra phương thức đã trả lời phỏng vấn: “Thuốc ketamine đã được chọn vì nó cho phép các cậu bé tiếp tục tự thở và giữ cho huyết áp ổn định. Nhưng sử dụng ketamine cũng rất rủi ro, vì thuốc giảm tình trạng run – một cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể chống lại cái lạnh”.

Các chuyên gia cứu hộ đã đặt ra câu hỏi rằng: Chính xác phải làm thế nào cho các cậu bé – những người không biết bơi lặn được đưa ra khỏi hang một cách an toàn? Trong khi lối thoát đòi hỏi kỹ năng lặn tiên tiến trong một thời gian hạn hẹp. Thật vậy, một thành viên của đội cứu hộ, cựu đặc nhiệm hải quân Thái Lan – Saman Kunan, đã qua đời tại một trong những lối đi dưới nước là những kênh hẹp chứa đầy nước lạnh chảy xiết do bình dưỡng khí hết oxy.

Tiến sĩ Gordon Giesbrecht là chuyên gia về thân nhiệt, người điều hành phòng thí nghiệm tập thể dục và y học môi trường tại Đại học Manitoba, Canada phát biểu: “Họ đã làm việc này như một bí mật của quốc qia. Tôi không thể tưởng tượng được cần huấn luyện những đứa trẻ như thế nào để chúng có thể lặn. Bởi nguy cơ hoảng loạn và tử vong dưới nước là rất cao. Chỉ có 2 trong số 12 cậu bé bị hạ thân nhiệt. Kế hoạch giải cứu của họ thật tuyệt vời”.

Lúc bấy giờ, với mức oxy trong hang đang giảm và dự báo mưa nhiều hơn, các bác sĩ biết rằng thời gian để cứu đội bóng và huấn luyện viên của họ còn rất hạn hẹp.

2 tuần chống chọi trong hang tối

Đội bóng nhí Thái Lan có tên là Wild Boars (Lợn Hoang) bị mắc kẹt vào ngày 23/6/2018 sau khi hệ thống hang động mà các em cùng huấn luyên viên (HLV) của mình đang khám phá bị ngập sau một cơn mưa và cắt đứt lối thoát. Đội bóng ăn uống cầm chừng và khi hết thức ăn, các cậu bé phải uống nước từ thạch nhũ, được HLV dạy cách thiền định để trấn an tinh thần.

Chính phủ Thái Lan phát biểu dù tiêu tốn bao nhiêu tiền cũng phải cứu bằng được đội bóng ra khỏi hang. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên trang Twitter cá nhân rằng chính phủ của ông đang làm việc chặt chẽ với chính phủ Thái Lan để hỗ trợ chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên bị mắc kẹt hơn 2 tuần trong hang động. Vụ việc liên quan đến hàng nghìn tình nguyện viên, khoảng 50 – 60 bác sĩ và hàng chục nhân viên y tế khác. Cả thế giới hướng về và cầu nguyện cho sự an toàn của đội bóng và những người cứu hộ.

Kế hoạch giải cứu được lên chi tiết và tiến hành. Sau khi các cậu bé được ‘đưa vào giấc ngủ’, chúng được đặt trên những chiếc cáng nhựa dẻo có tên là Skeds và được đưa ra ngoài theo 3 đoạn đường. Một trong những đoạn đường dài nhất đòi hỏi các cậu bé phải ở dưới nước trong gần 2 giờ.

Những cậu bé đã được gây mê và sử dụng mặt nạ dưỡng khí trong quá trình ra khỏi hang. (Ảnh:OhMyChannel.com)

Bất tỉnh và không thể có trạng thái run khi thân nhiệt hạ thấp, các cậu bé có nguy cơ bị hạ thân nhiệt (giảm nhiệt độ cơ thể) rất nguy hiểm. Chúng cũng có nguy cơ xảy ra hiện tượng gọi là ‘sụp đổ cứu hộ tuần hoàn’ (circum-rescue collapse). Đây là một hiện tượng vật lý phức tạp có thể xảy ra ngay trước, trong hoặc ngay sau khi giải cứu người bị nạn ra khỏi nước lạnh. Các triệu chứng của nó có thể từ ngất xỉu đến tử vong do ngừng tim.

Khi cơ thể bị ngập nước, áp lực nước sẽ nén các mạch máu lớn ở chân, giúp giữ máu ở trung tâm. Khi cơ thể ra khỏi nước, huyết áp giảm đột ngột, làm giảm lưu lượng máu, tim lạnh, mạch máu không hoạt động tốt, và xảy ra hiện tượng sốc. Đến một ngưỡng nào đó tim có thể ngừng đập. Ketamine đã giúp bù đắp sự giảm huyết áp chết người này bằng cách thu hẹp các mạch máu.

Phục hồi sau cứu hộ

“Vào ngày đầu tiên của cuộc giải cứu, một trong những cậu bé ban đầu đã làm tốt nhưng bị hạ thân nhiệt nhẹ trên đường đến bệnh viện”, Bác sĩ Lawthaweesawat nói.

Các bác sĩ đã thiết lập một giao thức 3 giai đoạn để phối hợp một cách nhanh chóng. Trong giai đoạn đầu tiên, một nhóm đã đứng bên cạnh để cẩn thận gỡ bỏ bộ đồ bơi, mặt nạ khí ra khỏi những đứa trẻ đang ‘ngủ mềm’. Điều này cần tinh thần đồng đội và thời gian thực hiện thì tính bằng giây.

Ở giai đoạn thứ hai, các bác sĩ ủ ấm các cậu bé bằng chăn đã được sưởi ấm và bọc chúng trong giấy bạc để giữ ấm. Họ đã sử dụng máy sấy để làm ấm bất kỳ vùng da nào tiếp xúc. Và vì dung dịch muối ở nhiệt độ phòng có thể làm hạ thân nhiệt, các bác sĩ đã bù nước cho các cậu bé bằng nước muối ấm.

Giai đoạn thứ 3, kiểm tra thân nhiệt cứ sau 5 phút trên đường đến bệnh viện để các cậu bé được tiếp nhận phục hồi. Các cậu bé phải đeo kính râm và ở trong phòng cách ly của bệnh viện ít nhất 7 ngày.

Giữ im lặng kế hoạch – Một quyết định sáng suốt

Tiến sĩ Gordon Giesbrecht cho biết, “Nếu là tôi khi đó thì cũng sẽ không tiết lộ với truyền thông việc này. Vì sẽ có người nói: ‘Ồ, bạn không thể làm thế’. Nhưng họ không phải là những ông bố bà mẹ như đang ngôi trên đống lửa để cầu mong con mình sống sót”. 

“Nhiệm vụ giải cứu hang động Thái Lan, quyết định đưa trẻ em ra ngoài với giao thức gây mê dựa trên ketamine có những ưu và nhược điểm. Sau khi cân nhắc rất kỹ lưỡng, các chuyên gia đã đưa ra thỏa thuận rằng chúng tôi nên sử dụng kỹ thuật này”, Bác sĩ Lawthaweesawat trả lời báo giới.

Hiện nay, đội ngũ y tế tham gia giải cứu cho biết họ đang chia sẻ phương pháp của họ vì có thể có những trường hợp khác cần đến trong tương lai.

Duy Anh
Theo WebMD