Người xưa có câu: “Bệnh viện tốt nhất chính là phòng bếp nhà bạn”, quả không sai. Trên thực tế, có rất nhiều loại gia vị, thực phẩm trong nhà bếp được biết tới như những loại thuốc quý, hành là một trong số đó.

Hành ta còn có tên gọi khác là hành lá, hành hương, hành hoa. Trung y coi hành ta như một vị thuốc và gọi là “thông bạch”. Thông là rỗng, bạch là trắng; vì dọc cây hành (lá) thì rỗng, dò hành (“củ”) có màu trắng, do đó mà có tên này.

Hành có tác dụng hòa trung, thông dương, hoạt huyết, làm ra mồ hôi, lợi tiểu… (Ảnh: baomoi.com)

Theo Đông y, hành có vị cay, tính ôn, không độc, vào hai kinh phế và vị. Hành có tác dụng hòa trung, thông dương, hoạt huyết, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, sát trùng, chữa cảm cúm, ho sốt, nhức đầu, sổ mũi. Hành tăng tiết dịch tiêu hóa, chữa chứng ăn không ngon, không tiêu, trướng khí, nôn mửa. Hành còn là vị thuốc ôn dương. Do làm ấm thận, hành còn làm ấm cả bào cung nơi có ba kinh nhâm, xung, và đốc chi phối sức khỏe phụ nữ (kinh nguyệt, thai sản).

Hành còn có tác dụng điều tiết thân nhiệt, tạo điều kiện hoạt động của tuyến mồ hôi; và làm tiêu cục máu đông gây tắc mạch máu. Ăn hành đều đặn với lượng vừa phải sẽ giúp hạ cholesterol máu, cản trở sự tích tụ cholesterol trên thành mạch máu. Hành có chứa “insulin thảo mộc” nên dùng tốt cho bệnh nhân tiêu đường.

15 tác dụng phòng trị bệnh của hành lá

1. Cầm máu vết thương

Vết thương rỉ máu không cầm. Lấy hành lá tươi hoặc khô nướng chín rồi bóp cho ra nước, lấy nước đó nhỏ vào vết thương sẽ cầm máu

2. Tốt cho huyết áp

Dù bạn ăn sống hoặc nấu chín, hành tây cũng giúp bạn hạ huyết áp một cách tự nhiên. Nó cũng làm loãng máu, hòa tan cục máu đông và lọc máu khỏi các chất béo không lành mạnh.

3. Lợi tiểu và làm sạch máu

Hành có tác dụng lợi tiểu và làm sạch máu (Ảnh: delifruty.weebly.com)

Hành có tác dụng giữ nước để tránh sỏi tiết niệu, viêm khớp và bệnh gút. Bị nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu ra máu hãy lấy một nắm hành và củ nghệ bằng ba ngón tay cho vào một bát to nước, đun cạn còn độ nửa bát con, uống lúc còn hơi nóng, ngày uống 2 lần. Các đặc tính chống vi khuẩn của hành sẽ giúp làm giảm các cảm giác nóng khi tiểu tiện.

4. Trị ù tai

Trong một số nền văn hóa, người ta nhúng bông vào nước ép hành và chấm vào tai để chống lại sự ù tai.

5. Tiêu đờm

Mỗi ngày bạn nên uống 3-4 thìa cà phê hỗn hợp nước ép hành và mật ong để làm tiêu đờm và ngăn chặn sự tạo đờm trong cơ thể. Hỗn hợp này cũng là vị thuốc để chống lại bệnh cảm lạnh thông thường

6. Trị phong hàn, cảm mạo

Hành trị cảm mạo phong hàn (Ảnh: vienyhocungdung.vn)

Chuẩn bị từ 3-5 củ hành ta, rửa sạch, cắt miếng, sắc cùng nước sôi (có thể cho thêm 3 lát gừng tươi). Uống khi còn nóng, cơ thể ra mồ hôi sẽ giúp bệnh tình thuyên giảm.

Hoặc bạn có thể dùng một đoạn hành hoa, nghiền nát lấy nước, chia ra nhiều lần để uống cũng sẽ đạt được hiệu quả tương tự.

7. Nghẹt mũi vì cảm lạnh

Củ hành ta giã nát lấy nước. Dùng nước này chấm lên vùng giữa môi và mũi. Tình trạng ngạt mũi sẽ được cải thiện đáng kể.

Bạn cũng có thể đem hành ta cắt nhỏ, cho vào nước nóng để xông mũi. Hoặc sắc hành uống ngày 3 lần, uống khoảng 2-3 ngày sẽ có tác dụng.

8. Trị bệnh tả

Dùng 20g củ hành ta và 20 quả táo tàu, đun cùng 3 lít nước. Khi nước cạn còn khoảng 2 lít, bạn tắt bếp. Uống ngay trong ngày để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Không chỉ có công dụng với các bệnh về đường hô hấp, hành ta còn là “thần dược” hỗ trợ điều trị bệnh tiêu hóa.

9. Trị đau dạ dày, acid trào ngược

Gốc hành trị các chứng bệnh đau dạ dày (Ảnh: Jual Sayuran Organik Jogja)

Lấy 4 gốc hành ta giã nát, đổ nước vào, chế thêm chút đường đỏ và đun làm nước uống. Mỗi ngày uống 3 lần, duy trì trong một thời gian cho tới khi bệnh tình chuyển biến tốt.

10. Trị vết thương sưng đau

Đem hành ta còn nguyên rễ cắt nhỏ, giã nát, đắp vào chỗ đau sẽ đạt được hiệu quả tiêu sưng, giảm phù, tán ứ, giảm đau.

11. Trị mụn

Chuẩn bị sẵn hành ta và mật ong. Rửa sạch hành, để ráo, sau đó giã nát rồi trộn chung với mật ong.

Sau khi rửa mặt sạch sẽ, bạn đắp hỗn hợp trên lên vùng da bị mụn, sau khoảng 15 phút rửa mặt lại. Mỗi tuần thực hiện từ 2-3 lần, tình trạng mụn sẽ thuyên giảm đáng kể.

Bên cạnh những tác dụng phòng và trị bệnh, hành ta cũng được các chị em ưa chuộng vì khả năng trị mun rất tốt.

12. Hỗ trợ điều trị bệnh trĩ đang thời kỳ phát đau

Nấu nước hành cả rễ thật đặc rồi đổ ra chậu, ngồi vào ngâm 1 – 2 lần trong ngày.

Đối với trĩ ngoại, lấy lá hành nghiền nát vắt lấy nước, cho thêm mật ong vào quấy đều đem nấu lên bôi vào trĩ, còn bã hành đắp hằng ngày.

13. Trị đái dầm ở trẻ nhỏ

Hành giúp ôn kinh, tán hàn, thông khí bàng quang, trị đái dầm ở trẻ nhỏ rất hiệu quả (Ảnh: Crumb Coated Life)

Chuẩn bị 3 nhánh hành ta cả dễ (dài chừng 5cm), 30g lưu hoàng. Đem hai thứ giã nát thành dạng cao rồi đắp lên rốn, cố định bằng băng dính hoặc băng gạc trong 8 tiếng rồi bỏ ra.

Phương pháp này sẽ giúp ôn kinh, tán hàn, thông khí bàng quang, trị đái dầm ở trẻ nhỏ rất hiệu quả. Vào mùa xuân, hành ta chính là loại thuốc tự nhiên trị bệnh cho nhiều đối tượng, trong đó có trẻ em.

14. Chữa đau bụng, lạnh chân tay

Người lớn bị đau bung chân tay lạnh giá, môi xanh, mạch hiện lờ mờ cần lấy một nắm hành ta bỏ rễ và lá, lấy củ hơ nóng, ấp lên rốn, lấy chai nước nóng chườm lên trên. Thấy hành đã bị mềm nhũn lại thì thay nắm hành khác.

Một lúc lâu hơi nóng ngấm vào thì chân tay sẽ ấm, ra dâm dấp mồ hôi sau đó sẽ khỏi. Tiếp đó, lấy miếng gừng khô bằng độ 2 ngón tay cái thái nhỏ, đun nước uống.

15. Trị cảm sốt, nhức đầu

Khi bị cảm sốt, đau đầu, nên lấy 20 nhánh hành hoa cắt bỏ đoạn lá xanh, giữ lại dễ. Cho một ít gạo và 5 lát gừng dày nấu thành cháo, ăn nóng.

Khi ăn cháo nên pha thêm chút giấm chua. Sau khi ăn xong, lên giường nằm nghỉ và đắp chăn để ra mồ hôi, bệnh tình sẽ thuyên giảm nhanh chóng.

Lưu ý:

  • Theo Đông y, hành có tính ấm nên tránh dùng cho người có dương thịnh, hỏa bốc. Ăn quá nhiều sẽ gây phản tác dụng như có thể làm mắt mờ, tóc chóng bạc, thậm chí cản trở ra mồ hôi.
  • Phụ nữ có kinh sớm, kinh nhiều nên tránh ăn nhiều hành. Ngoài ra, không được dùng hành chung với mật ong và không dùng cho người huyết áp cao (có thể dùng như gia vị nấu ăn thông thường).

Cao Sơn

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.