Chân vòng kiềng hay còn gọi là chân chữ O là biến dạng lành tính phổ biến ở trẻ em với đặc điểm đối xứng, không đau, không cứng khớp. Khi đứng thẳng với hai mắt cá chạm nhau nhưng hai thì đầu gối lại cách xa nhau. Biến dạng này sẽ hoàn toàn biến mất sau 3 tuổi. Tuy nhiên, bố mẹ cần theo dõi sát sao để đưa con đến bác sĩ can thiệp trong những trường hợp bệnh lý.

Nhiều trường hợp trẻ lớn nhưng chân vẫn hình chữ O do một số nguyên nhân khác, nếu bố mẹ không biết cách chăm sóc, kết quả là chân mang tật vòng kiềng làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ, dáng đi và vẻ đẹp hình thể. Trong các trường hợp nặng còn có thể khiến trẻ bị thoái hóa khớp.

Chân vòng kiềng là một biến thể bình thường ở chân thường gặp ở trẻ.

Ảnh: camnangtrithuc.com

Trẻ bị vòng kiềng khi đi, người lắc lư, chân quàng sang hai bên khiến cho dáng đi rất xấu. Đặc biệt, các bé gái bị vòng kiềng, khi lớn sẽ thiệt thòi hơn các bạn vì chân vòng kiềng hạn chế vẻ đẹp hình thể của người con gái.

Một số bà mẹ thường lo con sẽ bị chân vòng kiềng khi có ai đó bế con mình dưới dạng “cắp nách”. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa thì cách bế trẻ như vậy không phải là nguyên nhân dẫn đến chân bị vòng kiềng mà thực tế là liên quan đến nhiều yếu tố khác.

Nguyên nhân dẫn đến chân vòng kiềng

Theo các chuyên gia, chân vòng kiềng có một vài nguyên nhân phổ biến:

  • Chân vòng kiềng bẩm sinh
  • Trẻ sinh non thiếu tháng, nhẹ cân.
  • Trẻ bị béo phì cũng khiến đôi cẳng chân bị biến dạng xấu xí.
  • Trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D. Trong trường hợp nặng, ngoài tật chân vòng kiềng, trẻ còn có khả năng bị vẹo cột sống.
  • Trẻ tập đứng, tập đi quá sớm. Không ít những bố mẹ thấy trẻ cùng lứa tuổi với con mình đã biết đi, nhưng bé nhà mình lại chưa đứng vững nên đã cố gắng cho bé tập đi sớm. Đây là quan niệm sai làm, vì mỗi bé có cấu trúc xương, sự phát triển khác nhau cho nên tuổi đi cũng khác nhau. Khi hệ xương chưa đủ vững đã phải chịu một áp lực lớn để chống đỡ toàn bộ cơ thể, nó sẽ bị biến dạng.

Mặt khác, khi tập đi sớm, các bé phải phải cố gắng di chuyển bàn chân theo hướng của trục đi, bé sẽ ráng sức sử dụng bàn chân quá mức. Hậu quả là xương ống chân phần chịu tác động nhiều và sẽ xuất hiện vòng kiềng.

Trẻ tập đi quá sớm có thể dẫn đến tật chân vòng kiềng. Ảnh: slipstoprussia.ru)

Nếu là chân vòng kiềng sinh lý, bạn sẽ nhận thấy những đặc điểm sau:

  • Trẻ dưới 2 tuổi thường có chân vòng kiềng dạng vòng cung nhưng khá cân đối và thường tự hết sau 3 tuổi.
  • Không đau, không cứng khớp
  • Không có bệnh lý xương khớp đi kèm

Cần đưa trẻ đi khám nếu có một trong những triệu chứng sau:

  • Biến dạng vẫn còn sau 3 tuổi
  • Biến dạng không cân đối giữa 2 chân
  • Đau
  • Cứng khớp.
  • Biến dạng nặng lên hay không cải thiện sau mỗi 6 tháng.

Phòng ngừa chân vòng kiềng cho trẻ

Ảnh: marrybaby.vn
  • Mẹ ăn đủ chất khi mang thai.
  • Cho con bú bằng sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu
  • Từ 5 đến 6 tháng, cho trẻ ăn dặm thêm các thức ăn khác ngoài sữa mẹ bao gồm đủ 4 nhóm dưỡng chất: đạm, béo, vitamin và tinh bột.
  • Tắm nắng cho trẻ giúp sản sinh ra một lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể.
  • Không tập đi cho trẻ bằng phương pháp đỡ 2 nách trẻ.
  • Không tập đi quá sớm cho trẻ, thời điểm thích hợp để tập đi là ngoài 9 tháng.

Phương pháp tập đi giúp trẻ tránh bị chân vòng kiềng:

Ảnh: Kyna.vn

Phương pháp 1: Cho bé tập đi theo đường thẳng, trên đầu có quyển sách, bé đi sao cho sách không rơi xuống sàn. Mẹ có thể bật nhạc vui tươi cho bé bước theo nhịp. Mục đích giữ cho sách không rơi là để bé tập trung vào giữ thẳng hông, lưng và khớp gối nhằm gián tiếp điều chỉnh chân vòng kiềng.

Phương pháp 2: Cho bé thực hiện những động tác thể dục đơn giản như vươn vai, chống tay lên hông nhảy theo nhạc để tập cho đôi chân chắc khỏe và khả năng giữ thăng bằng.

Trường hợp bé bị vòng kiềng bẩm sinh, các chuyên gia chấn thương chỉnh hình sẽ khám và chỉ định phương pháp điều trị, ví dụ như:

  • Sử dụng dụng cụ chỉnh hình: Mục đích nhằm cân bằng chiều cao, giúp nắn chỉnh bàn chân vẹo ngoài, ngăn ngừa biến dạng khớp gối. Quá trình điều trị cần có sự phối hợp thực hiện của trẻ với sự động viên khích lệ về tinh thần của gia đình do trẻ phải đeo dụng cụ chỉnh hình >23h mỗi ngày.
  • Phẫu thuật: Khi điều trị bảo tồn bằng dụng cụ chỉnh hình thất bại hoặc trẻ đến khám muộn, lúc đã có biến chứng. Sau khi phẫu thuật có thể kết hợp với tập vật lý trị liệu.
  • Nhân viên y tế tiến hành bó chân cho trẻ bị vòng kiềng.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ, cho các bé bú sữa mẹ đầy đủ, cần có khẩu phần cân bằng cung cấp đồng thời tinh bột, rau xanh, đạm, béo… chứ không được quá chú trọng vào canxi và đạm như tâm lý của nhiều người.

Trọng Đức t/h