Bé L.T.C. (3 tuổi, Long An) có biểu hiện ho sặc sụa, tím tái, khó thở… nên gia đình đã đưa bé vào bệnh viện Nhi đồng TP. HCM cấp cứu.

Tại bệnh viện, bé C. có dấu hiệu ngừng tim, ngừng thở, tràn khí màng phổi, da bông tím, tiên lượng rất xấu.

Ê-kíp cấp cứu đã nhanh chóng cho bé C. thở máu thông số cao, chọc hút khí màng phổi, ổn định hô hấp, huyết động và dùng thuốc vận mạch, theo VTC.

Bác sĩ thực hiện soi ống mềm đường mũi của bệnh nhi và phát hiện dị vật chèn sát ngay phế quản gốc bên phải.

Dị vật được gắp ra hạt màu đen cứng, hình elip tựa hạt mãng cầu. Để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn dị vật, các bác sĩ tiếp tục soi lại kiểm tra 2 bên phế quản, hút sạch đàm nhớt, bơm rửa lấy dịch phế quản soi cấy tìm vi trùng.

Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Hoàng Nhật Mai – Phó Khoa Hô Hấp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trao đổi với Thanh Niên, sau nội soi gắp dị vật, tình trạng tràn khí màng phổi của bệnh nhi được cải thiện rõ, áp lực phổi, thông số máy thở hỗ trợ giảm đáng ghi nhận, phổi nở bung tốt trên phim chụp kiểm tra, bé đáp ứng kháng sinh điều trị viêm phổi tốt.

Trước đó, ngày 2/12, các bác sĩ bệnh viện Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt tỉnh An Giang đã kịp thời cấp cứu bé gái bị hạt sapoche (hồng xiêm) chui vào khí quản. Lúc bé nhập viện mặt tím tái, khó thở. Bác sĩ nội soi phát hiện hạt sapoche nằm trong khí quản nên gắp khẩn cấp.

Các chuyên gia cảnh báo, cha mẹ cần thận trọng với những thức ăn có thể làm cho trẻ mắc dị vật như hạt đậu lạc, hạt trái cây to, ngô – bắp, vỏ tôm, cua… tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra.

(Tổng hợp)