Vancomycin – loại thuốc kháng sinh được sử dụng từ thập niên 50 của thế kỷ trước có giá thành thấp, có thể cứu mạng hàng loạt bệnh nhân ung thư nhờ tác động bất ngờ lên cơ chế chống ung thư tự nhiên của cơ thể, khi được kết hợp đúng cách với xạ trị.

Báo Người Lao Động đưa tin, trong nghiên cứu mới của Đại học Pennsylvania (Mỹ), các bác sĩ đã cho bệnh nhân dùng vancomycin sau khi họ được xạ trị. Khi đó, loại kháng sinh cũ kỹ này bỗng có tương tác bất ngờ với hệ vi sinh vật đường ruột, kích thích hệ miễn dịch của bệnh nhân “trỗi dậy” đủ mạnh để tiêu diệt nốt những gì xạ trị còn để lại ở khu vực có khối u và cả các tế bào ung thư còn lang thang ở những vị trí xa trong cơ thể.

Mục đích lí tưởng của việc điều trị là loại bỏ hoàn toàn khối ung thư mà không gây thiệt hại đến phần còn lại của cơ thể (nghĩa là chữa trị thành công với gần như không có tác dụng phụ). Đôi khi, điều này có thể được thực hiện bằng phẫu thuật, nhưng vì tế bào ung thư có xu hướng xâm nhập mô lân cận hoặc di căn đến nội tạng khác nên phương pháp phẫu thuật vẫn còn những hạn chế. Phương pháp hóa và xạ trị thì lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tế bào bình thường.

(Ảnh: Slideshare.net).

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư là xu hướng mới của những năm gần đây, được các nhà khoa học khắp thế giới nghiên cứu. Thế nhưng, tạo nên một liệu pháp miễn dịch kết hợp được với xạ trị, lại dựa trên một loại thuốc có sẵn sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí nghiên cứu. Hơn nữa, sau thử nghiệm lâm sàng thành công nói trên, phương pháp có thể được ứng dụng trong một tương lai gần.

Theo PGS.TS. Andrea Facciabene, Trường Y khoa Perelmann trực thuộc Đại học Pennsylvania, đây còn là một phương pháp bền vững vì tác động đến cơ chế sâu xa điều khiển hệ miễn dịch: các vi khuẩn đường ruột; giúp đào tạo cơ thể tự chống lại căn bệnh thay vì chỉ đơn thuần trị bệnh. Loại thuốc này đặc biệt cải thiện chức năng của các tế bào đuôi gai, dạng tế bào truyền tin giúp các tế bào T (Tế bào T, hoặc tế bào lympho T, là một loại tế bào lympho – một phân lớp của bạch cầu – đóng một vai trò trung tâm trong miễn dịch qua trung gian tế bào) của hệ miễn dịch biết chính xác mình phải tấn công cái gì. Phương pháp được chứng minh là hiệu quả với nhiều loại ung thư khác nhau.

Thuốc Vancomycin (ảnh: Thuốc Dân Tộc).

Vancomycin còn được cấu thành bởi các phân tử lớn, vì vậy nó sẽ được “giam lỏng” trong ruột bệnh nhân nhưng không lưu thông đến phần còn lại của cơ thể như các kháng sinh khác, vì thế giảm thiểu tác dụng phụ của loại thuốc này lên các cơ quan khác.

Sau bài công bố trên tạp chí khoa học Journal of Clinical Investigation, các tác giả cho biết họ đang thúc đẩy để bắt đầu giai đoạn thử nghiệm phương pháp xạ trị kết hợp vancomycin này trực tiếp tại các phòng khám.

Vancomycin nằm trong danh sách các loại thuốc thiết yếu

Vancomycin là một kháng sinh được dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Đây là một loại kháng sinh glycopeptide và hoạt động bằng cách ức chế việc “xây dựng” thành tế bào vi khuẩn.

Thuốc này thường được sử dụng bằng đường tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên, dạng thuốc trong lọ cũng có thể được dùng ở dạng thuốc uống để điều trị bệnh đường ruột nghiêm trọng như tiêu chảy do khuẩn Clostridium difficile. 

Theo Wikipedia, Vancomycin lần đầu tiên được bán vào năm 1954. Nó nằm trong danh sách các loại thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới, hay nhóm các loại thuốc hiệu quả và an toàn nhất cần thiết trong một hệ thống y tế. Vancomycin có sẵn dưới dạng thuốc gốc. 

Tác dụng phụ thường gặp bao gồm đau ở vùng tiêm và phản ứng dị ứng. Thỉnh thoảng, những tác dụng phụ như mất thính lực, huyết áp thấp hoặc ức chế tủy xương cũng có thể xảy ra. Mức độ an toàn của chúng nếu dùng trong thai kỳ thì chưa rõ ràng, nhưng không có ghi nhận về tác hại khi sử dụng thuốc, và có lẽ là an toàn nếu sử dụng khi cho con bú.

Video xem thêm: Người đàn ông phát hiện ung thư vì chấm đen lạ ở gót chân

videoinfo__video3.dkn.tv||c542200df__