Bệnh nhân 62 tuổi ở Sóc Trăng bị nhồi máu cơ tim cấp được cấp cứu kịp thời đã qua cơn nguy kịch.

VnExpress đưa tin, sáng 18/11, bác sĩ Trương Tú Trạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng có lịch học ở TP. HCM. Khi xe đã lăn bánh được 15 phút, anh quyết định quay lại bệnh viện để cấp cứu cho một bệnh nhân.

Kịp lúc bệnh nhân được đẩy vào phòng thông tim can thiệp, bác sĩ Trạch cùng ê kíp đặt stent mạch vành tái thông đường chảy bị tắc nghẽn do cục máu đông.

Bác sĩ Trạch nói: “May mắn bệnh nhân vào viện trong thời gian vàng những giờ đầu, can thiệp kịp thời nên vùng cơ tim không bị ảnh hưởng nhiều”. Sau can thiệp, bệnh nhân qua nguy kịch, bác sĩ Trạch lại tiếp tục hành trình lên TP. HCM cách Sóc Trăng hơn 200 km.

Theo Careplusvn, tim mạch là bệnh lý xuất hiện âm thầm nhưng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng. Trong những năm trở lại đây, tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch ngày một tăng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, trung bình cứ 4 người lớn ở Việt Nam, có ít nhất 1 – 2 người đã mang nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới (ảnh minh hoạ: Vinmec).

Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, nhiều hơn cả bệnh lý ung thư, dù là ở các nước đã hay đang phát triển. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong.

Theo thống kê của Viện Tim Mạch năm 2015, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành trong độ tuổi 18- 65 chiếm 25%, vậy cứ 4 người trưởng thành thì có một người tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.

Bệnh lý tim mạch thường được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi. Song trên thực tế, tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên cao hơn chúng ta nghĩ, nó có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào và tuổi mới bị mắc cũng ngày càng trẻ hoá.

Đối với các bệnh tim mạch nói riêng, việc chuyển tuyến mà không được can thiệp tại chỗ khiến bệnh nhân khó bảo toàn được tính mạng hoặc để lại hậu quả xấu. Chính vì vậy một năm qua, bệnh viện Sóc Trăng đã cử nhiều bác sĩ đến Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM để học hỏi kỹ thuật. 

Từ đó, bệnh viện Sóc Trăng đã thực hiện hơn 500 ca can thiệp tim mạch thành công, cấp cứu kịp thời các ca bệnh lý phức tạp, giảm tỷ lệ tử vong, chuyển tuyến. Người bệnh tim ở Sóc Trăng và các tỉnh lân cận được điều trị bằng kỹ thuật cao tại địa phương mà không cần tới TP. HCM chữa trị.