Vào những ngày qua, các y bác sĩ trên toàn thế giới dường như phải gồng mình cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 và các bác sĩ ở Mỹ cũng vậy. Với gần 200.000 người nhiễm bệnh, hơn 4.000 người qua đời vì COVID-19 thì dường như nước Mỹ đã bước vào giai đoạn khốc liệt nhất.

Là một bác sĩ gây mê, Michelle Au chịu trách nhiệm công đoạn nguy hiểm nhất khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm nCov – đặt nội khí quản cho bệnh nhân không thể tự thở. Công việc đòi hỏi tiếp xúc gần miệng bệnh nhân. Rủi ro tăng cao nếu chẳng may người bệnh ho khi ống được đưa vào. Gần đây chị đã đặt nội khí quản cho hai bệnh nhân mắc COVID-19.

Virus còn có thể lẩn khuất dưới móng tay hoặc trên một sợi tóc khiến chị gặp ác mộng, lo cho sức khoẻ của mình, đồng nghiệp và hơn hết là chồng và ba đứa con.

‘Một số bệnh nhân thở hắt ra hoặc ho khi tôi đưa ống vào’, bác sĩ Au cho biết.

Bác sĩ Au là một bác sĩ gây mê tại Bệnh viện Emory St. Joseph ở Atlanta (ảnh: The New York Times)

Chồng của Au cũng là một bác sĩ, cách đây không lâu, vợ chồng bác sĩ Au đã nghiêm túc ngồi lại thảo luận về di chúc của mình. Theo đó, trong trường hợp cả hai vợ chồng cô cùng qua đời vì COVID-19 thì họ sẽ có 4 lựa chọn ủy thác quyền nuôi con.

“Hai lựa chọn đầu tiên sẽ là ông bà nội ngoại hai bên; người thứ ba sẽ là một bác sĩ. Chúng tôi đang tìm người thứ tư có rủi ro thấp hơn”, Au chia sẻ.

Bác sĩ cấp cứu John Marshall khuyên đồng nghiệp viết sẵn di chúc.

Bác sĩ John Marshall, Trưởng khoa cấp cứu tại Trung tâm Y tế Maimonides, Brooklyn, New York lại chọn cách vẫn về nhà để được nhìn thấy các con từ xa. Tuy nhiên, suốt một tháng qua ông không ngủ chung với vợ một lần nào.

“Chúng tôi biết cách chữa trị một vết thương do đạn bắn, biết phải làm gì khi ai đó bị nhiễm trùng huyết hay lên cơn đau tim. Nhưng COVID-19 là một chủng virus mạnh và hoàn toàn mới. Không có cách nào chắc chắn để chúng tôi tự bảo vệ mình và gia đình”, bác sĩ Marshall thừa nhận. Không ít đồng nghiệp của ông đã gửi vợ con đến nơi an toàn hơn hoặc thuê nhà ở một mình.

Ông cũng khuyến khích cấp dưới viết sẵn di chúc đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra.

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 chắc hẳn phải nói đến những vị y bác sĩ đã hy sinh cả sức khỏe, tính mạng của bản thân để chữa trị cho bệnh nhân mặc cho nguy cơ lây nhiễm luôn kề sát bên. Nhưng đáng buồn hơn khi nhắc chuyện một bác sĩ ở Vũ Hán (nơi đầu tiên xuất hiện virus corona mới), anh không chỉ chết vì mắc bệnh mà còn bị dán nhãn là: ‘Kẻ bịa đặt’.

BS Lý Văn Lượng (ảnh: Weibo).

Bác sĩ Lý Văn Lượng – bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện trung tâm Vũ Hán, Trung Quốc – là một trong 8 người đầu tiên phát cảnh báo trước khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (nCoV) lây lan nghiêm trọng ở Vũ Hán.

Chiều 30/12/2019, trên WeChat, BS Lượng gửi tin nhắn cho một nhóm bạn học cũ, cảnh báo về 7 ca nhiễm virus đến từ một chợ hải sản địa phương mà theo anh là bệnh giống hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002-2003.

Tin nhắn của BS Lượng sau đó rò rỉ lên mạng. Có 7 người khác cũng chia sẻ thông tin tương tự. Ngay lập tức BS Lượng bị triệu tập tới đồn công an, bị buộc ký biên bản với nội dung “phát tán thông tin sai lệch trên mạng” dẫn tới “làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội”.

Đến ngày 8/1/2020, BS Lượng chữa trị cho một người bị bệnh tăng nhãn áp. Người này sau đó có triệu chứng sốt, hình chụp CT cũng cho thấy bà bị viêm phổi do virus.

Tuy nhiên, bệnh viện không có dụng cụ thử nCoV vào thời điểm đó, BS Lượng cũng không mặc đồ bảo hộ do chỉ là khám thông thường. Sau đó vài ngày, BS Lượng bị ho, sốt và có các biểu hiện không bình thường, buộc phải nhập viện. Sau nhiều ngày chẩn đoán, BS Lượng đã bị nhiễm bệnh, dương tính với nCoV.

Khi mọi thứ dần dần sáng tỏ, dịch bệnh đã lây lan nhanh tại Trung Quốc…