Sáng sớm mỗi ngày khi dạ dày trống rỗng ăn một tô cháo nhẹ hỗ trợ cho đường ruột và bao tử là rất tốt. Ăn cháo vừa có thể tẩm bổ lại không làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa, không gây béo phì. Buổi tối ăn cháo có thể hỗ trợ giấc ngủ, hiệu quả tương tự so với việc uống sữa bò. Đêm lạnh dùng cháo nóng, vị ấm của cháo từ miệng tràn xuống bụng khiến cơ thể cảm thấy khoan khoái dễ chịu. Cháo còn có tác dụng hỗ trợ trị liệu các loại bệnh tật, là cách dưỡng sinh bảo vệ sức khỏe, giúp tăng tuổi thọ. Vậy thì mùa thu nên dùng cháo gì tốt nhất? Dưới đây xin giới thiệu về một số vị cháo thuốc dưỡng sinh, vừa chữa bệnh vừa tăng cường sức khỏe.

Cháo mía

Dùng mía còn tươi ép lấy khoảng 100-150 ml, pha nước vừa phải rồi cho gạo tẻ vào hầm. Loại cháo này có chức năng thanh nhiệt sinh nước bọt, dưỡng âm, hợp với người nhiệt nóng, thiếu nước bọt khiến miệng khô khó chịu, ho khan, đại tiện khô.

Cháo hoàng tinh (củ dong) (polygonatum sibiricum)

Dùng 10-30 gam Hoàng tinh, rửa sạch, thái mỏng, sắc lấy nước cốt, bỏ bã, nấu với gạo tẻ, khi cháo chín có thể cho thêm chút đường trắng vào. Loại cháo này giúp bổ tì vị, nhuận tim phổi. Thích hợp với người tì vị hư yếu, người mệt mỏi, ăn ít, phế hư ho khan, ho lao ra máu.

Cây hoàng tinh (củ dong)
Cây hoàng tinh (củ dong)

Cháo ngọc trúc

Rửa sạch 50 gam ngọc trúc còn tươi, bỏ rễ, cắt nhỏ, sắc lấy nước cốt, hoặc dùng 20 gam ngọc trúc khô sắc nước bỏ bã, nấu với gạo tẻ, thêm nước vừa phải, nấu cháo loãng, khi nấu xong cho thêm đường phèn rồi đun cho sôi một chút là được.

Đây là cháo thuốc tư âm nhuận phế, sinh bọt ngăn khát, thích hợp cho người phế âm bị tổn thương, ho khan, sốt cao, miệng lưỡi khô, âm hư sốt nhẹ, ngoài ra có thể hỗ trợ điều trị cho người bị bệnh tim mạch.

Cây ngọc trúc (Ảnh: internet)
Cây ngọc trúc (Ảnh: internet)

Cháo Sa sâm

Dùng 15-30 gam Sa sâm sắc lấy nước cốt, bỏ bã, nấu với gạo tẻ, khi thấy dùng được thì cho thêm đường thỏi, nấu hơi loãng; hoặc dùng 30 – 60 gam Sa sâm tươi rồi rửa sạch thái nhỏ, sắc lấy nước cốt rồi nấu với gạo tẻ.

Công dụng: Nhuận phế, dưỡng vị, khứ đàm, chỉ khái. Thích hợp với người phế nhiệt phế táo, ho khan ít đờm hoặc phế khí bất túc, phế vị âm hư sinh ra ho lâu ngày không có đờm, họng khô khát sau khi sốt.

Chú ý: Không nên dùng cho người thương phong cảm mạo, ho nhiều, những bệnh nhân đang bị tiêu chảy tạm thời không nên dùng cháo này.

Sa sâm (Ảnh: internet)
Sa sâm (Ảnh: internet)

Cháo châu ngọc nhị bảo

Dùng 60 gam hạt bobo ninh đến khi nhừ hẳn rồi cho thêm 60 gam củ từ thái mỏng, 30 gam hồng khô cắt miếng nhỏ, cùng ninh chung thành cháo. Đây là cháo thuốc bổ phổi, kiện tì, dưỡng vị, hợp cho người âm hư, nóng trong người, ho khan, tiêu chảy, tì khí hư.

Cháo sinh địa

Dùng 25 gam sinh địa thái mỏng, cho nước vừa đủ rồi sắc khoảng 30 phút, lọc lấy nước rồi tiếp tục sắc thêm một lần nữa; dùng 75 gam gạo tẻ hầm thành cháo trắng, khi cháo còn nóng hãy cho nước sinh địa vào khuấy đều, khi ăn có thể thêm đường trắng và gia vị. Đây là cháo thuốc giúp tăng âm ích vị, mát máu sinh bọt, hợp với người âm hư thấp nhiệt, mồ hôi trộm, ho lâu, khạc ra máu, ăn ít, cơ thể gầy ốm, chứng nhiệt nóng làm họng khô và ngủ dậy mắt đỏ.

Cách hầm cháo

Hiện nay dụng cụ hầm cháo càng ngày càng nhiều, trong nhà có nồi áp suất, nồi cơm điện đều có thể dùng để hầm cháo, dù cách làm thì vẫn thường theo phương pháp truyền thống là nấu và om. Ban đầu dùng lửa to nấu cho đến khi sôi lên sùng sục, sau đó nhỏ lửa liu riu cho đến khi cháo hơi sệt là được. Nấu cháo không được để mất lửa, cần đun lửa nhỏ liên tục cho đến khi cháo nhừ.

Khi pha chế nước cần chú ý cho nước một lần đủ luôn và hầm liền một mạch cho đến khi xong, nhờ vậy nước và gạo sẽ hòa quyện vào nhau thành một thể. Gạo trước khi nấu cháo có thể ngâm trước trong nước trong từ 5-6 tiếng, sau đó cho vào nồi. Có thể pha chế khẩu vị tùy theo sở thích để ăn thêm ngon miệng, bổ sung lượng nước mà cơ thể cần. Khi cháo có mùi vị ngon thì cơ thể dễ hấp thu, nguồn dinh dưỡng có thể phong phú nhưng vẫn dễ tiêu hóa, thực sự là cách ăn dưỡng sinh để bảo đảm sức khỏe.

Sự tuyệt vời của món cháo là nó là sự giao thoa giữa ba món ăn là cơm, rau, và canh. Có thể no bụng như cơm, có vị ngon của rau, cũng không thiếu dinh dưỡng khai vị của canh. Cháo hợp với làm điểm tâm sáng, cũng hợp với ăn khuya, bởi vì tinh bột trong cháo có đủ sự kết hợp giữa đất và nước, vừa cung cấp nhiệt lượng lại dồi dào phần nước, rất dễ tiêu hóa.

Theo secretchina

Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm: