Bốn tuần trở lại đây, bệnh tay chân miệng ở các tỉnh thành phía Nam diễn biến phức tạp, số trẻ nhập viện vẫn không ngừng tăng. Đến nay, số ca mắc tay chân miệng trên cả nước đã hơn 42.000, trong đó 6 trường hợp đã tử vong.

Thanh Niên đưa tin, theo báo cáo công tác y tế tháng 9/2018 của Bộ Y tế, trong tháng 9 cả nước có 12.233 ca tay chân miệng, tăng 3.289 ca so với tháng 8.

Từ đầu năm đến nay, số ca mắc tay chân miệng trên cả nước là 42.772, trong đó 21.000 trường hợp phải nhập viện và 6 trường hợp đã tử vong.

Ảnh: laodong.vn

Tại các tỉnh phía Nam, diễn biến bệnh tay chân miệng phức tạp hơn. Trong tháng 8-9, số ca mắc tay chân miệng tăng gần 50% so với các tháng trước và 6 trẻ đã tử vong.

Số bệnh nhi mắc tay chân miệng cấp cứu tại bệnh viện Nhi đồng 1 (Tp.HCM) khoảng 3 tuần trở lại đây đã tăng gấp 5 lần so với trước. Đỉnh điểm ngày 24/9 khoa điều trị đến 222 trẻ.

Bên cạnh đó, bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh viện Nhi đồng thành phố cũng thường xuyên trong tình trạng quá tải do lượng lớn bệnh nhi mắc tay chân miệng nhập viện.

Ở Đồng Nai, từ đầu năm đến nay có hơn 4.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 90% là trẻ dưới 3 tuổi. Gần đây, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 500 ca bệnh tay chân miệng, nhiều trường hợp bệnh trở nặng nguy hiểm.

Tại Bình Dương, trong tháng 8, toàn tỉnh phát hiện 478 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gần 50% so với tháng trước, theo TTXVN.

EV71 nguy hiểm thế nào?

Theo Trung tâm y tế dự phòng Tp.HCM, bệnh tay chân miệng năm nay bùng phát và biến chứng khó lường do sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus 71 – tác nhân gây bệnh tay chân miệng, từng gây ra dịch bệnh lớn trên cả nước năm 2011, làm 145 người tử vong.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 trao đổi với Vnexpress, virus enterovirus 71 (EV71) là loại virus này lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao, dễ bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và gây tử vong.

Khi Enterovirus xâm nhập vào cơ thể, chúng thường khu trú ở niêm mạc má hoặc ở niêm mạc ruột vùng hồi tràng.

Sau khoảng 24 giờ, virus sẽ đi đến các hạch bạch huyết xung quanh, từ đây chúng xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết trong một khoảng thời gian ngắn. Từ nhiễm khuẩn huyết, virus đến niêm mạc miệng và da. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 3-7 ngày.

Triệu chứng bệnh khởi phát là sốt, sau đó xuất hiện các bọng nước ở niêm mạc miệng (ở nướu răng, lưỡi, bên trong má) và ban đỏ ở bàn tay, bàn chân. Bệnh hiện chưa có thuốc đặc trị còn vắc-xin EV71… thì vẫn còn chờ tiếp tục nghiên cứu.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, bế trẻ, sau khi đi vệ sinh…
  • Ăn chín, uống sôi, các vật dụng ăn uống phải rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ.
  • Với trẻ em, phụ huynh không nên cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; tránh cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống chưa được khử trùng.
  • Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  • Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
  • Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất.

(Tổng hợp)