Giữa cái oi nóng mùa hè, chanh dường như là loại quả được sử dụng nhiều nhất để pha chế nước giải khát. Thực ra, theo y học cổ truyền, không chỉ quả chanh mà các bộ phận khác của cây chanh đều có thể trở thành vị thuốc tốt.

Chanh là cây của Đông Nam Á được trồng ở hầu hết những nơi có khí hậu nhiệt đới trên thế giới. Ở Việt Nam, cây chanh được trồng nhiều ở đồng bằng miền Trung và miền Nam để lấy quả dùng khi vẫn còn xanh. Người ta thu hái lá quanh năm, dùng tươi hoặc phơi trong bóng râm. Quả thu hái gần như quanh năm.

Dưới đây là một số bài thuốc dân gian với các phần khác nhau từ cây chanh.

1. Lá và ngọn chanh

Lá chanh có chứa tinh dầu, mùi thơm dễ chịu, vị ngọt, tính ôn có tác dụng tán phong giải nhiệt, hoạt huyết, thông kinh lạc, tiêu đờm, tiêu thực, giảm ho, sơ tiết can khí.

Ảnh: Infonet

Chữa cảm cúm, nhức đầu: lá chanh, lá bưởi, lá tre, cúc tần, hương nhu, mỗi thứ 50g; bạc hà 20g, sả 2 củ, tỏi 3 nhánh. Tất cả dùng tươi cho vào nồi nấu sôi rồi đem xông cho ra mồ hôi.

Chữa bí đái, đầy chướng bụng ở trẻ em: Lá và búp non chanh giã nát đắp lên rốn trẻ

2. Rễ chanh

Rễ chanh thu hái quanh năm, rễ nhỏ dùng cả; rễ to chỉ lấy vỏ. Rễ chanh vị đắng, tính ôn, có tác dụng chỉ khái, bình suyễn, hành khí, chỉ thống, thông kinh hoạt lạc.

Chữa ho, khàn tiếng, mất tiếng

Bài 1: Rễ chanh 10g dùng dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hoặc phối hợp với rễ dâu tằm (tang bạch bì) 10g, lá trắc bá 8g, sắc với 200ml, còn 50ml, uống trong ngày.

Bài 2: Rễ chanh 12g, lá chua me đất hoa vàng 10g, lá hẹ 8g, lá xương sông 8g, hạt mướp đắng 5g, phèn phi 2g. Sắc uống (có thể thêm đường cho dễ uống).

Dân gian dùng một nắm rễ chanh nấu với ba lát gừng đun nước uống có tác dụng tẩy các chất độc trong người. Rễ chanh gừng còn có tác dụng chữa ngộ độc thực phẩm (sau khi ăn thực phẩm bị đau bụng, tiêu chảy).

3. Nước quả chanh

Trong quả chanh, lượng nước chiếm dến khoảng 80%, chứa các axit xitric, axit malic, sacaroza, protid, vitamin C, vitamin B1… Nước chanh có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, chống viêm, cầm máu, chữa cảm sốt, bệnh Scorbut (bệnh thiếu vitamin C).

Ảnh: Khoevadep.vn

Chống nắng, chống nóng, giải khát: Chanh vắt lấy nước, thêm nước sôi để nguội, có thể thêm đường hay muối vừa đủ. Trường hợp sốt nóng, viêm họng, viêm thanh phế quản, đờm đặc, ho khan, khản giọng: Chanh bóc vỏ, bỏ hột, ướp muối khoảng 12 tiếng, ăn hay ngậm tùy ý.

Dùng ngoài, nước chanh (1/2 thìa cà phê) hòa với bột long não 1g và rễ bạch hoa xà thiệt thảo nghiền nhỏ 10g, dùng bôi chữa hắc lào, lở chốc.

4. Vỏ quả chanh

Vỏ chanh được cho là có tác dụng ngăn ngừa và chữa những vấn đề về tim, mụn trứng cá, bệnh còi cọc… Nó bao gồm các enzym thiết yếu, vitamin, và khoáng chất như vitamin C, vitamin P, canxi, kali, chất xơ, limonene, axit citric, flavonoid polyphenol và salvestrol Q40…

Ảnh: Stylenews.vn

Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Úc (CSIRO) cho rằng, một quả chanh cũng có tác dụng phòng chống đến 50% các bệnh ung thư, và khuyên mỗi người nên tiêu thụ ít nhất 150 g vỏ cam hoặc chanh đông lạnh mỗi tuần. Bởi trong một quả chanh có chứa đến 22 chất chống ung thư bao gồm limonene, citrus pectin, flavonol glycoside, vitamin C…

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng khuyên không nên lạm dụng vỏ chanh quá mức, mỗi ngày nên dùng 10-20 g. Cần ngâm rửa sạch trước khi thái và sấy khô vỏ chanh.

5. Hạt chanh

Chữa táo bón: Lấy hạt chanh vừa tách khỏi múi quả 10 – 20g ngâm ngay vào một chén nước nóng trong vài giờ, chất nhầy bao quanh hạt sẽ nở và lan ra cho một dung dịch đặc sánh, thêm đường uống.

Chữa ho lâu ngày: Hạt chanh 10g, hạt quất 10g, lá thạch xương bồ 10g, mật gà đen 1 cái, dùng tươi, giã nhỏ, thêm đường, hấp cơm, uống làm 2-3 lần trong ngày.

Ảnh: Ilirianews

Chữa ho, viêm phế quản, mất tiếng nhất là ở trẻ nhỏ: Lấy hạt chanh 10g, hoa đu đủ đực 15g, lá hẹ 15g, nước 200ml. Các dược liệu được nghiền nát với nước, thêm mật ong hoặc đường kính, uống làm 2-3 lần trong ngày. Dùng vài ngày, bệnh tình sẽ thuyên giảm.

Lưu ý: Người bị loét dạ dày – tá tràng, đa toan không nên dùng nhiều chanh.

Mộc Chi