Sự phát triển không ngừng của Y học hiện đại góp phần không nhỏ vào công cuộc nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên có một thực tế đáng ngạc nhiên là “Khoa học tiến nhanh thật nhưng bệnh tật còn tiến nhanh hơn”. Vậy đâu là nguyên nhân? Theo ‘Hoàng đế nội kinh’, nguồn gốc mọi loại bệnh tật của đời người đều từ 5 điều này mà ra.

Với mong muốn càng có thêm nhiều người hiểu rõ nguồn gốc của bệnh tật từ đâu mà sinh ra và cần có một thái độ sống đúng nghĩa mới có thể làm chủ được sức khỏe của chính mình. Có thân khỏe thì mới có thể làm được nhiều điều ý nghĩa với cuộc đời này.

Trong chương Linh cữu của Hoàng đế nội kinh có đoạn viết về nguyên nhân gây bệnh như sau: Điều đầu tiên sinh ra mọi loại bệnh, tất bắt đầu ở táo (khô), thấp (ẩm ướt), hàn (lạnh), thử (nóng), phong (mưa), vũ (gió), âm dương bất hòa, vui buồn tức giận và nơi sinh sống (Nguyên văn:”Phù bách bệnh chi thủy sinh giả, tất khởi vu táo thấp, hàn thử, phong vũ, âm dương, hỉ nộ, ẩm thực, cư xử”)

Lại có câu: Bách bệnh của con người đều sinh ra bởi khí, phẫn nộ thì khí mạnh, vui thì khí chậm, đau buồn thì khí tiêu tan, sợ thì khí hạ thấp, kinh hãi thì khí loạn. Vậy nguyên nhân gây ra mọi loại bệnh hiện nay là gì? (Nguyên văn: “Bách bệnh sinh vu khí, nộ tắc khí thượng, hỉ tắc khí hoãn, bi tắc khí tiêu, khủng tắc khí hạ, kinh tắc khí loạn, tư tắc khí kết”).

Hoàng Đế nội kinh là tác phẩm kinh điển của nền y học Đông phương và là quyển sách gối đầu giường của các bậc danh y từ cổ chí kim. (Ảnh: mbook.kongfz.com)

1. Bệnh sinh từ khí hậu: Cẩn thận với quạt và điều hòa

“Sinh vũ, phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa” chính là chỉ những yếu tố khí hậu ngoại lại cũng có thể sinh bệnh. Trong xã hội cổ đại, phong hàn thử thấp táo hỏa tức gió, mưa, nóng, lạnh là thuần chính và hoàn toàn tự nhiên. Các yếu tố hiện đại thêm nhân tố nhân tạo như gió từ máy lạnh, quạt, điều hòa không khí, nóng lửa từ lò sưởi… những nhân tố này đều ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi thời tiết nóng, là lúc dương khí phát tán, và chỉ có mượn sức mạnh của trời và đất mới tán được âm hàn bên trong cơ thể.

Vào mùa hè, lỗ chân lông của cơ thể mở ra, thời tiết lại rất nóng, nên vận động cho đổ mồ hôi mới có thể loại bỏ độc tố tiềm ẩn bên trong. Trong Hoàng đế nội kinh có đề cập, không nên căm ghét ánh nắng mặt trời tháng năm mà nên tiếp nhận theo tự nhiên. Lỗ chân lông của cơ thể vào mùa hè đều mở, để có thể thải bỏ độc tố bên trong qua mồ hôi cần vận động và làm việc mức độ phù hợp. Không nên căm ghét thời tiết nóng bức, cũng không nên ngồi phòng điều hòa nhiệt độ quá thấp sẽ làm dương khí bị ẩn vào bên trong không thể thoát ra, gây hại cho sức khỏe.

2. Bệnh sinh từ âm dương: Quan hệ vợ chồng cần hài hòa

Quan điểm Đông y nhìn nhận, nam giới là dương, nữ giới là âm. Tại sao Hoàng đế nội kinh giảng: Bệnh sinh từ âm dương?, lớn nhất chính là âm dương của nam nữ, chính là quan hệ vợ chồng không hòa ái. Theo y học cổ truyền, Âm lặng dương kín, tinh thần còn tồn tại, Âm dương tách rời nhau thì sinh khí cũng hết (“Âm bình dương bí, tinh thần nãi trì; âm dương ly tuyệt, tinh khí nãi tuyệt”). Đó là cách nói của các tiên triết Trung Quốc về sự sống của nhân thế. Nó là biểu hiện tập trung của âm dương hài hòa. Nếu sự hài hòa đó mất đi, cơ thể sẽ sinh ra bệnh tật. Hiện nay có lẽ rất hiếm gặp những cặp vợ chồng không mâu thuẫn, cãi cọ, rất nhiều người là thường xuyên oán giận, cãi vã, đố kị soi xét lẫn nhau… Tất cả những điều này sẽ làm âm dương không thể hài hòa, từ đó sinh ra nhiều loại bệnh tật.

Quan hệ vợ chồng cần hòa ái, từ bi, bao dung lẫn nhau mới không sinh bệnh. (Ảnh: sohu.com)

Quan hệ vợ chồng không tốt, dẫn đến âm dương không cân bằng, con cái sinh ra trong gia đình không hài hòa âm dương cũng hay bị bệnh, thường xuyên phải đi khám Tây y rồi Đông y. Dù có trị khỏi lại cũng dễ mắc lại bởi căn nguyên nguồn gốc chính ở trên thân cha mẹ. Đông y giảng “Âm bình dương bí”, tức Khí âm và khí dương giữ được sự cân bằng, điều hoà lẫn nhau, là điều kiện cơ bản của hoạt động sống, chỉ khi đó tinh thần mới được ổn định vui vẻ. Y học cổ truyền nhìn nhận, con người bị bệnh do ‘bảy phần tinh thần, ba phần bệnh’, chỉ khi tính tình thoải mái vui vẻ, hình thần mới có thể khỏe mạnh, nếu không cho dù có dùng bao nhiêu thuốc bổ cũng vô dụng.

3. Bệnh sinh từ hỷ nộ: Tình chí là chìa khóa cho sức khỏe

Theo Đông y, ‘thất tình’ hay 7 loại ‘tình chí’ (tình cảm, tinh thần) có liên quan mật thiết đến sức khỏe và bệnh tật. Quan điểm “Hình thần hợp nhất” của Đông y nhìn nhận, hệ thống Tạng phủ trong nhân thể không chỉ đảm nhiệm các chức năng sinh lý, mà còn chi phối các hoạt động tình chí. Mỗi loại tình chí thông ứng với một tạng nhất định: “Kinh” và “hỷ” thông ứng với tạng Tâm; “nộ” ứng với tạng Can, “tư” ứng với tạng Tỳ; “bi” và “ưu” ứng với tạng Phế; “khủng” ứng với tạng Thận. Nói cách khác, tình chí là biểu hiện bên ngoài của hoạt động tạng phủ; tựa như là chiếc “phong vũ biểu”, phản ánh tình trạng hoạt động của tạng phủ bên trong cơ thể.

Tạng phủ kiện toàn thì tinh thần sáng suốt, tâm trạng thoải mái. Và ngược lại, tình chí điều hòa, tâm trạng ổn định thì nội tạng cũng sẽ kiện toàn. “Thất tình” là phản ứng tâm lý có tính bản năng, nói chung không có hại đối với sức khỏe. Nhưng khi thất tình biến động quá kịch liệt hoặc kéo dài quá lâu, thì có thể gây nên bệnh tật. Thất tình gây bệnh, ngoài cường độ và thời gian tác động, còn phụ thuộc vào tính chất của từng loại tình chí. “Hỷ” là loại tình chí ít gây bệnh nhất, “nộ” gây bệnh tương đối nặng, “kinh” và “khủng” gây bệnh nhanh nhất, “ưu” và “tư” gây bệnh tương đối chậm nhưng khó chữa.

Ngoài ra, thất tình còn có xu hướng gây tổn thương đối với Tạng thông ứng với nó, như sách “Nội kinh” đã nhận định: “Kinh, Hỷ thương Tâm; Nộ thương Can; Tư thương Tỳ; Bi, Ưu thương Phế; Khủng thương Thận”. Có nghĩa là, kinh hãi và quá vui dễ gây tổn thương đối với tạng Tâm; tức giận dễ gây tổn thương đối với tạng Can; tư lự, suy nghĩ quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Tỳ; bi thương, âu sầu quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Phế; sợ hãi quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Thận.

4. Bệnh sinh từ ăn uống: Đồ uống lạnh sẽ tổn thương dương khí

Như chúng ta đã biết, chế độ ăn uống hàng ngày có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Thực phẩm ta hấp thụ vào dạ dày thường được biểu hiện ra ngoài. Cụ thể bao gồm chủng loại, số lượng, định lượng, thời gian cũng như nhiều vấn đề khác. Đặc biệt, uống rượu là hoàn toàn không tốt. Việc ăn uống quá lượng sẽ làm suy yếu Tỳ tạng, dạ dày, và dẫn đến sự đình trệ quá trình tiêu hóa từ đó biểu hiện ra các chứng: Đầy hơi, khó tiêu, ợ chua, nôn mửa.

Việc ăn uống một cách đều đặn những thực phẩm lạnh, đồ đông lạnh thái quá cũng có hại cho sức khỏe. Những thực phẩm đông lạnh, kem có thể gây tổn hại tới dương khí của Tỳ, và làm chức năng chuyển hóa của Tỳ bị suy yếu. Ngoài ra, điều rất quan trọng nên hạn chế ăn mặn, tập ăn chay nhiều hơn, đồng thời thường xuyên bổ sung các loại trái cây và rau quả.

Hoàng Đế nội kinh nhận định, ngủ là cách dưỡng mệnh tốt nhất. (Ảnh: kknew.cc)

5. Bệnh sinh từ nơi cư trú: Ngủ chính là dưỡng mệnh

Nơi cư trú cũng có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, và môi trường sống thực sự là phong thủy. Phong thủy và Đông y chính là giảng cùng một đạo lý, tất cả đều nói về ngũ hành. Làm thế nào để thu khí tại nơi cư trú, hướng cửa sổ nạp loại khí gì, chính là cần tuân thủ theo luật âm dương ngũ hành, ngũ hành hòa hợp hay không, tương sinh hay tương khắc, đều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Có nhiều điều sẽ làm tiêu tan âm dương. Hành động, suy nghĩ của chúng ta đều có thể làm hao tổn dương khí, nhưng có rất ít cách để bổ sung lại gần như chỉ dựa vào giấc ngủ. Có thể nói, đây gần như là cách duy nhất để bổ sung dương khí, là cách duy nhất để tăng cường sức khỏe. Vì vậy, giấc ngủ quá quan trọng.

Giấc ngủ là một phần quan trọng của sức khỏe, nuôi dưỡng chính là dùng lượng lớn các tế bào khỏe mạnh thay thế các tế bào yếu kém, nếu như cả đêm không ngủ thì tế bào mới không thay thế được cho các tế bào cũ. Nếu như ban ngày tiêu hao 1 triệu tế bào, buổi tối chỉ bù lại được 500 nghìn tế bào, lúc này cơ thể bạn sẽ xuất hiện tình trạng thiếu hụt, lâu dần, sức khỏe con người sẽ bị thiếu hụt bị rỗng giống như củ cải bị xốp. Tại sao trên thế giới có những người sống đến cả 100 tuổi? Đó là bởi vì họ đều đi ngủ đúng giờ vào đúng 21h tối.

Theo thuật dưỡng sinh cổ đại: “Giấc ngủ là quan trọng nhất trong dưỡng sinh, một đêm không ngủ, trăm ngày không bù hết”. Ngủ trước giờ Tý (từ 11g tối đến 1g sáng) hiệu quả tăng gấp đôi, mỗi tiếng đồng hồ ngủ trước giờ Tý tương đương với 2 tiếng đồng hồ ngủ sau giờ Tý. Vào giờ Tý là lúc kinh Can mạnh nhất, thời gian này mà không ngủ thì không những khí Can không dưỡng được mà còn hao tổn, rất bất lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó, thời gian ngủ tốt nhất là giờ Hợi (buổi tối từ 9 giờ – 11 giờ) đến giờ Dần (từ 3 – 5 giờ sáng). Vì giờ Hợi kinh Tam tiêu hoạt động mạnh, kinh Tam tiêu thông nối với vô số mạch, lúc này cơ thể trong trạng thái ngủ thì các mạnh được dưỡng khí, cơ thể nhờ đó khỏe mạnh.

Kiên Định
Theo Secretchina