Các bệnh lây truyền nguy hiểm do muỗi đốt gây ra như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, nhiễm virus Zika.

Thời tiết nắng nóng, khí hậu ẩm ướt là môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển. Dưới đây là một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do muỗi đốt gây ra, mọi người không nên chủ quan:

Sốt rét

Sốt rét là căn bệnh gây ra hơn 600.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. Nguyên nhân gây sốt rét do muỗi cái Anopheles truyền ký sinh trùng Plasmodium vào cơ thể người qua vết cắn. Bệnh thường bùng phát vào mùa mưa, tại những vùng có vệ sinh môi trường kém, nước đọng…

Triệu chứng: Khi mới mắc bệnh, biểu hiện ban đầu có thể thấy như sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, cơ thể nhức mỏi, thường xuyên buồn nôn, ói mửa và tái phát các triệu chứng mỗi 48-72 giờ. Tùy theo cơ địa của từng người, mức độ nhiễm virus sốt rét sẽ khác nhau.

Mọi người có thể phòng ngừa sốt rét bằng cách mắc màn ngủ, thuốc chống côn trùng, mặc áo dài tay…

Sốt xuất huyết

Muỗi vằn Aedes là loài trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết thường đốt người vào ban ngày, nhiều nhất vào 8 -10h. Đây là loại muỗi có khả năng mang virus sốt xuất huyết Dengue truyền từ người này sang người khác thông qua việc đốt và hút máu người.

Triệu chứng: Người bệnh có thể sốt cao, nổi phát ban kèm theo các triệu chứng như nhức đầu, chảy máu răng, dễ bầm tím… Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể đau bụng, tiêu chảy hay xuất huyết dưới da… Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh sớm thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh rất cao.

Virus Zika

Virus Zika thường lây truyền qua vết cắn của những con muỗi mang mầm bệnh, chủ yếu do muỗi vằn (muỗi Aedes aegypti).

Triệu chứng: Sốt, phát ban, đau khớp, đau mắt đỏ và có thể tự khỏi trong vòng một tuần.

Các chuyên gia cảnh báo, virus Zika gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai và thai nhi, gây dị tật bẩm sinh, não bị teo nhỏ. Bệnh đầu nhỏ khiến trẻ không phát triển đầy đủ, bị chậm phát triển trí tuệ và các vấn đề khác. Hiện chưa có thuốc đặc hiệu ngăn chặn virus Zika.

Viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hệ thần kinh trung ương do virus gây nên, trung gian truyền bệnh là muỗi Culex. Ổ chứa virus viêm não Nhật Bản thường từ lợn, dơi, chim hoang dã… Bệnh có xu hướng tăng khi thời tiết nắng nóng, từ tháng 3-8 hằng năm.

Triệu chứng: Sốt cao, lên cơn co giật, hôn mê bất tỉnh, nhức đầu dữ dội, phát ban, nổi mề đay… Nếu không chữa trị kịp thời sẽ để lại các biến chứng nguy hiểm như động kinh, thiểu năng trí tuệ…

Để phòng ngừa bệnh, mọi người chú ý vệ sinh thân thể cho trẻ, rửa tay nhiều lần trong ngày dưới vòi nước bằng xà phòng diệt khuẩn để đảm bảo an toàn. Vệ sinh môi trường sống, diệt bọ gậy, ngủ màn để tránh muỗi.

Ăn chín, uống sôi, thực phẩm tươi, đảm bảo an toàn vệ sinh. Tiêm vắc-xin cho trẻ, mũi đầu tiên lúc trẻ được một tuổi; mũi hai sau mũi một từ 1-2 tuần; mũi ba cách mũi hai 1 năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Phương Nam