Sau khi ăn nấm mọc trong vườn nhà, 3 bố con nhà anh Đoàn Văn Sang (Hà Nam) có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, chóng mặt…

Dân Trí đưa tin, trước đó anh Đoàn Văn Sang bố của 2 bệnh nhi đã hái nấm mọc tự nhiên trong vườn về nấu bữa trưa. Khoảng 1 giờ sau bữa trưa, cháu Đoàn Thành Lợi (14 tuổi) có biểu hiện nôn, đau bụng…

Đến tầm 3 giờ chiều, cháu Đoàn Nhật Anh (10 tuổi) cũng có biểu hiện tương tự. Gia đình đã đưa 2 cháu đến bệnh viện tuyến huyện để sơ cứu sau đó chuyển lên bệnh viện Sản nhi Hà Nam.

Kết quả kiểm tra cho thấy, 2 bệnh nhi đã bị ngộ độc do ăn nấm. Các bác sĩ đã nhanh chóng truyền dịch, rửa dạ dày…

Theo người nhà 2 bệnh nhi, anh Đoàn Văn Sang cũng đã phải vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam cấp cứu vì ngộ độc nấm.

Sau một thời gian điều trị tích cực, hiện cả 2 bệnh nhi và anh Sang đã ổn định, huyết áp ổn, bụng đỡ đau, da hồng, tinh thần tỉnh táo, không còn buồn nôn và có thể tự thở.

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc do thức ăn, do uống nhầm thuốc, nhầm dầu hỏa, nhưng trường hợp ngộ độc do nấm thì đây là lần đầu tiên.

Trước đó, khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã cứu sống 3 mẹ con trong cùng một gia đình ở huyện Cao Lộc bị ngộ độc do ăn nấm.

Chị L. (48 tuổi) cùng 2 con là Vi Thị P. (22 tuổi) và Vi Văn N. (15 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, nôn, đi ngoài. Trước đó, chị L. lên rừng và phát hiện nhiều nấm màu trắng xám, có hình dạng giống nấm thường nên hái về ăn. Khoảng 10 phút sau khi ăn, 3 mẹ con có biểu hiện ngộ độc, theo VnExpress.

Bác sĩ Phan Thanh Huy, Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn trao đổi với VTC, khi có các biểu nôn nao, đi ngoài sau khi ăn nấm, người nhà cần sơ cứu theo các bước sau:

– Cho nạn nhân uống nhiều nước và liên tục gây nôn càng sớm càng tốt để đẩy bớt độc tố ra ngoài. Có thể uống than hoạt tính với liều 1g/kg cân nặng.

– Đặt người bệnh nằm nghiêng nếu có biểu hiện hôn mê, co giật.

– Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở: Hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ.

– Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Khi điều trị tại cơ sở y tế, người dân không được tự ý về nhà mà phải chờ kết luận của bác sĩ.

Dấu hiệu nhận biết nấm độc – Nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ, có đốm màu trắng, đen, đỏ nổi trên mũ nấm. Khi hái sẽ có nhựa chảy ra, phần gốc phình to, có mùi cay, hắc xộc lên. Một số loại nấm độc có màu sắc và hình dạng giống với nấm thường nên rất dễ gây nhầm lẫn. – Không chỉ các loại nấm độc mới có thể gây ra ngộ độc. Một số loại nấm không độc thường dùng làm thực phẩm cũng có thể sản sinh ra chất độc nếu để quá lâu hay làm dập, nát. Vì thế, người dân cần thận trọng khi dùng nấm làm thực phẩm.

(Tổng hợp)