Sau 2 ngày cấp cứu và điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, trưa 26/9 bà Đinh Thị Nh. (64 tuổi) cùng 2 cháu ngoại là Đặng Thị H. T. (10 tuổi) và Đinh Thị T. (4 tuổi) đã qua khỏi cơn nguy kịch, tỉnh táo trở lại.

Báo Sài Gòn Giải Phóng Online đưa tin, sáng 24/9, chị Đinh Thị D. (con gái bà Nh.) đi làm rẫy thấy nấm đã hái về nhà, đem nấu cháo để ăn bữa tối. Do vợ chồng chị D. có việc phải ra ngoài vào tối hôm đó, nên dặn 3 bà cháu ở nhà ăn cháo nấm đã nấu.

Đến 20 giờ 30, vợ chồng chị D. về phát hiện 3 bà cháu đang nằm hôn mê ở sàn nhà đã lập tức đưa lên Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh cấp cứu.

Ngay trong đêm Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh đã chuyển 3 bệnh nhân đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. 0 giờ ngày 25/9, bà Nh. và 2 cháu nhỏ vẫn hôn mê sâu.

Đến chiều 25/9, tất cả các bệnh nhân được các bác sĩ điều trị và đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ăn uống, đi lại bình thường…

Bác sĩ Phan Văn Dũng, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cho Báo Giao Thông biết, các bệnh nhận bị ngộ độc nấm, có chất ảnh hưởng đến thần kinh, khả năng bệnh sẽ tái phát trở lại rất cao nên cần theo dõi, chăm sóc điều trị.

Các chuyên gia nhận định, loại nấm mà 3 bà cháu ăn phải là nấm Mũ khía nâu xám (tên khoa học là Inocybe Rimosa). Độc tố Muscarin trong loại nấm này có thể làm tổn thương gan, thận và hệ thần kinh. Người dân có thể bị nguy hiểm tính mạng nếu đi cấp cứu muộn.

Cách đây 2 tháng, 7 người ở Vĩnh Thạnh, Bình Định cũng bị ngộ độc sau khi ăn canh nấm ô tán trắng phiến xanh. Đây là loại nấm thuộc nhóm nấm gây rối loạn tiêu hóa, biểu hiện ngộ độc bộc phát nhanh.

Trước đó, 9 người ở bản Po Mậu, Sơn La phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn nấm lạ mọc sau nhà.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc) đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc.

Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ. Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc.

Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu, theo Dân Trí.

(Tổng hợp)