Vừa qua, Viện sốt rét và kí sinh trùng, côn trùng Trung Ương cho biết đã có 209 trẻ em dương tính với ấu trùng sán lợn. Nhiều phụ huynh đã bật khóc khi nhận được kết quả của con. Vậy, căn bệnh này nguy hiểm tới mức nào và làm thế nào để phòng tránh?

Bệnh sán dây bị gây ra bởi ấu trùng sán dây hoặc sán trưởng thành. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện có 55 tỉnh, thành phố ghi nhận căn bệnh này.

1. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra bệnh chủ yếu là do thói quen ăn thực phẩm sống (như các loại rau thủy sinh (cần, rau muống…) nấu chưa chín, rau sống không rửa kỹ, thịt lợn chưa chín), hoặc tiếp xúc với phân lợn, uống nước bị nhiễm ấu trùng sán dây hoặc trứng sán dây.

Thịt lợn gạo. (Ảnh: baomoi.com)

Thịt lợn gạo cũng là nguyên nhân gây ra bệnh sán dây ở người. Khi ăn thịt lợn chưa được nấu chín kỹ thì nguy cơ bị nhiễm sán rất cao. Ngoài ra, sán lợn cũng phát triển qua ấu trùng như tiếp xúc với phân lợn, hoặc tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.

2. Triệu chứng

Bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt, thường có biểu hiện buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, đang bụng, tiêu chảy… Người bệnh có biểu hiện sụt cân, ăn không hấp thu.

Nếu ấu trùng sán dây di cư khỏi ruột có thể gây tổn thương nội tạng ở các mô và cơ quan khác. Bệnh nhân có thể có những biểu hiện khác:

  • Nếu di chuyển đến da thì sẽ xuất hiện các nang nhỏ, bằng hạt đỗ hoặc hạt dẻ, tròn, chắc, không đau, di động trên nền sâu và lăn dưới da, màu da ở trên bình thường. U nang sán thường nổi ở mặt trong cánh tay nhưng có thể nổi ở bất kỳ vị trí nào và có tính cách đối xứng. U nang sán sau nhiều năm sẽ bị vôi hoá và có thể phát hiện được bằng X quang.
  • Di chuyển đến não có thể gây nên nhiều triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như tăng áp lực sọ não, cơn động kinh, suy nhược trí năng, rối loạn tâm thần, giảm trí nhớ…
  • Tại mắt thì nang ấu trùng có thể nằm trong hốc mắt, mi mắt, trong kết mạc, thuỷ tinh thể, tiền phòng gây giảm thị lực hoặc bị mù.
  • Xuất hiện ở cơ tim có thể làm tim đập nhanh, rối loạn nhịp tim, tổn thương van tim, suy tim, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi nhiều, thậm chí ngất xỉu.

Những trường hợp nhiều sán, có thể nhìn thấy đốt sán ra theo phân hoặc tự bò ra ngoài hậu môn (thường nhìn thấy trong quần lót khi thay ra); xuất hiện đốt sán theo phân (những đốt nhỏ, dẹt, trắng ngà như sơ mít, đầu sán bằng phẳng).

3. Điều trị và phòng ngừa

Hiện nay, Bộ Y tế đã có phác đồ điều trị sán rất hiệu quả. Sán trưởng thành chỉ cần uống thuốc 1 ngày là khỏi. Với ấu trùng sán sẽ cần điều trị dài ngày hơn, thường 2 tuần nhưng có thể kéo dài 4 – 5 đợt, mỗi đợt 21 ngày. Phác đồ điều trị sán lợn chỉ áp dụng từ bệnh viện tuyến huyện trở lên. Do đó, một khi có nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân nên đến cơ sở y tế có đủ điều kiện để khám và điều trị.

Vì những hậu quả nguy hiểm mà ấu trùng và sán dây trưởng thành gây ra cho cơ thể người. Vậy nên, mỗi người nên trang bị cho mình những kiếm thức phòng tránh tốt nhất có thể.

  • Thay đổi thói quen ăn uống. Không ăn các thực phẩm sống như tiết canh lợn, nem chua, thịt lợn tái, không ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh, không uống nước lã.
  • Khi mua thịt lợn chú ý miếng thịt không có nhưng hạt tròn màu trắng, hình bầu dục như hạt gạo, nằm lẫn trong các thớ thịt.
  • Nếu phát hiện thịt lợn gạo cần báo cáo để tiêu hủy đúng quy định.
  • Những hộ gia đình chăn nuôi nên có kết hoạch xử lý nguồn phân tươi tốt. Không nuôi thả rông lợn.
  • Xây dựng nhà cầu hợp vệ sinh.

Duy Anh