Nuôi dưỡng một thói quen ăn uống lành mạnh giúp trẻ có ý thức bảo vệ sức khoẻ của mình. Để làm được điều này, cha mẹ nên bắt đầu dạy cho trẻ từ khi còn nhỏ. Cần sử dụng những cách thú vị và hấp dẫn để giúp trẻ tiếp cận với đồ ăn, từ đó phát triển ‘mối quan hệ tốt đẹp’ với thực phẩm. Sau đây là một số gợi ý bạn có thể thực hành với trẻ để tạo thành thói quen tốt sẽ theo trẻ suốt cả cuộc đời.

1. Cho trẻ tham gia vào nấu ăn

Để trẻ giúp bạn công việc bếp trong giới hạn của trẻ. (Ảnh: www.kiddy-world.fr)

Một trong những cách tốt nhất để khiến con bạn yêu thích đồ ăn là cho chúng tham gia vào nấu ăn. Giúp trẻ chọn các công thức món ăn đơn giản và nấu cùng con. Các trẻ nhỏ có thể giúp đỡ các công việc như trộn đều nguyên liệu, trong khi trẻ lớn hơn có thể chịu trách nhiệm đo lường số lượng thực phẩm, nặn bánh, nhặt rau… sử dụng các thiết bị như máy ép tỏi hoặc máy xay sinh tố (tất nhiên có sự hỗ trợ từ các bậc phụ huynh).

2. Đưa con đi mua nguyên liệu nấu ăn ở chợ nông sản

Đưa con đến chợ nông sản thường xuyên. (Ảnh: FeedYeti.com)

Để tìm hiểu về sản phẩm theo mùa và các thực phẩm hay dùng như trứng, thịt… bạn hãy đưa con bạn đến chợ nông sản thường xuyên. Chỉ cho con thấy có những gì trong mùa này và thảo luận cùng con cách để nấu những thứ đó. Bạn cũng có thể nói chuyện với người bán hàng, những người có thể cung cấp cho bạn và đứa trẻ rất nhiều thông tin hữu ích về những gì bạn đang mua.

3. Lên kế hoạch ăn vặt cùng trẻ

Lên kế hoạch làm đồ ăn vặt cùng trẻ. (Ảnh: Sassy Mama Dubai)

Trẻ em cần phải hiểu rằng thời điểm ăn nhẹ không phải là lúc ăn đồ ăn nhanh như snack, kẹo, xúc xích… Ngồi với con bạn và cùng lên kế hoạch làm một vài món ăn nhẹ từ các loại thực phẩm tươi mát như pho mát và nho, bánh quy ngũ cốc được phủ đầy bơ hạt, hay salad hoa quả…

4. Loại bỏ thiết bị điện tử ra khỏi giờ ăn của trẻ

Thiết bị điện tử làm sao nhãng việc ăn của trẻ. (Ảnh: foodnetwork.com)

Các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh hay máy tính bảng là kẻ thù của việc ăn uống. Thiết kế một chiếc hộp để đồ điện tử –  nơi mà gia đình bạn có thể để tất cả các thiết bị điện tử cầm tay vào trước khi bắt đầu bữa ăn. Bằng cách này, mọi người có thể ngồi xuống, thư giãn và thưởng thức bữa ăn với nhau cùng với những cuộc trò chuyện thân mật.

5. Luôn ủng hộ trẻ thưởng thức món ăn và chỉ nói những điều tích cực

Khuyến khích trẻ ăn một cách tích cực. (Ảnh: Corriere Nazionale)

Đừng ép buộc trẻ ăn thứ gì đó mà chúng không thích hoặc sử dụng thức ăn như một phần thưởng, điều này ‘đặt thức ăn’ vào thế tiêu cực. Thay vào đó, nên thể hiện những điều tích cực. Cứ để con bạn thử các loại thực phẩm mới nếu chúng muốn. Hay đơn giản chỉ là ngửi và chạm vào thức ăn mà không ăn. Thông thường, đứa trẻ cần được tiếp xúc với một loại thực phẩm mới 20 hoặc 30 lần trước khi chúng chấp nhận nó. Và tất nhiên, một vài câu khuyến khích con của bạn dùng món ăn luôn luôn tác động hữu ích với trẻ.

6. Hãy là người mẫu mực

Gương mẫu trong cách ăn uống, bởi trẻ sẽ quan sát bạn và làm theo. (Ảnh: PichiO.vn)

Trẻ em học bằng cách xem những gì người lớn làm. Nếu bạn cho trẻ thấy bạn đang cố gắng có chế độ ăn uống lành mạnh và đưa ra những lựa chọn tốt về thực phẩm và bữa ăn, chúng sẽ có ý thức về sức khỏe hơn khi nói đến vấn đề này.

7. Tạo những bữa ăn đầy màu sắc

Bữa ăn đầy màu sắc, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. (Ảnh: youtube.com)

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một nửa đĩa ăn của bạn nên được phủ đầy với các loại trái cây và rau củ đầy màu sắc. Khuyến khích con bạn làm như vậy trong mỗi bữa ăn. Tạo một hình thù và hỏi trẻ đó là hình gì hoặc để trẻ gọi ra các màu sắc trên đĩa của mình. Cách làm này, nhanh chóng giúp trẻ thuộc các nguyên liệu làm bếp, và giúp trẻ thấy ngon miệng hơn.

8. Đến thăm một nông trại

Đưa trẻ đến thăm nông trại để chúng có những trải nghiệm. (Ảnh: Le stelle di Sant’Orsola)

Cách tốt nhất để tìm hiểu về nguồn gốc của những thực phẩm mà gia đình tiêu thụ hàng ngày chính là trực tiếp đến thăm một trang trại. Nhiều nông dân địa phương có thời gian, họ sẽ chỉ cho bạn mọi thứ của nông trại khi bạn đến thăm. Trẻ chắc chắn sẽ có được những trải nghiệm mới về cách làm ra lương thực và quý trọng đồ ăn hơn.

9. Bữa cơm gia đình

Bữa cơm gia đình nên có trong danh sách thói quen ăn uống tốt đẹp. (Ảnh: post.naver.com)

Một phần của thói quen ăn uống tốt đẹp là tạo ra một môi trường tuyệt vời để cả gia đình ăn cùng nhau. Những cuộc trò chuyện gia đình được thêm vào trong bữa ăn tạo bầu không khí dễ chịu và thưởng thức thực phẩm ngon hơn là một lợi ích của thói quen ăn uống lành mạnh.

10. Khuyến khích hoạt động thể chất

Ảnh: noticiasacapulconews.com

Tập thể dục và ăn uống lành mạnh đi đôi với nhau. Khuyến khích con bạn tham gia các hoạt động mà chúng yêu thích từ bóng chày đến bơi lội, múa ba lê hay đạp xe… Bạn cũng có thể đi đến công viên hoặc sân sau để chơi các trò chơi bóng đá hoặc bóng rổ gia đình hoặc cho trẻ đi bộ cùng gia đình sau bữa tối. Nếu trẻ học cách tập thể dục khi còn bé, thì chúng có thể giữ thói quen này khi lớn lên. Thêm nữa, việc rèn luyện thân thể thường xuyên cũng giúp trẻ tiêu hoá thức ăn tốt hơn.

Theo Foodnetwork
Yến Dương