Âm cao trong trẻo, âm trung nhẹ nhàng còn âm trầm thì dày, dải âm của nó rất rộng vì thế mà thanh âm phong phú, thể hiện được rất nhiều đề tài và cung bậc cảm xúc, mệnh danh là nữ hoàng của các nhạc cụ dân gian – đó chính là đàn Tỳ bà.

Cấu trúc đàn tỳ bà thể hiện tam tài, tứ quý và ngũ hành
Đàn tỳ bà có chiều dài 3 thước 5 tấc (khoảng 11,6cm), 3 thước tượng trưng cho tam tài (Thiên, Địa, Nhân), 5 tấc thể hiện ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), 4 sợi dây thể hiện cho tứ quý (bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông).

Nghe âm điệu và xem kỹ thuật khảy đàn Tỳ bà:

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Lý mười thương, Trống cơm – Dân ca Việt Nam hòa tấu đàn Tỳ bà:

Đàn Tỳ Bà được chế tác bằng gỗ ngô đồng ở mặt trước, mặt sau là gỗ gụ hay đàn hương. Cần đàn và thùng đàn liền nhau có dáng như hình quả lê bổ đôi. Mặt đàn bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Phía mặt cuối thân đàn có một bộ phận để mắc dây gọi là ngựa đàn. Đầu đàn (hoặc thủ đàn) cong có chạm khắc rất cầu kỳ, khi là hình chữ thọ, khi là hình con dơi. Nơi đầu đàn gắn bốn trục gỗ để lên dây.

Phần cần đàn có gắn 4 miếng ngà voi cong vòm lên gọi là Tứ Thiên Vương. Tám phím chính làm bằng tre hoặc gỗ gắn ở phần mặt đàn cho các cao độ khác nhau. Thuở xưa dây đàn se bằng tơ tằm rồi đem vuốt sáp ong cho mịn, hoặc sử dụng gân bò, ngày nay người ta thay dây tơ bằng dây nilon hoặc thép.

Thiếu nữ bên đàn Tỳ bà

Đàn tỳ bà xuất hiện từ bao giờ? 
Tỳ bà đã xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc với tên gọi PiPa (琵琶),theo một số ghi chép là khoảng hơn 2000 năm lịch sử, qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa khác nhau tuỳ theo từng vùng hoặc từng quốc gia: Nhật Bản với tên gọi Biwa, ở Triều Tiên là Bipa,…
Cái tên “pipa/tỳ bà” trong tiếng Trung Quốc quả thực do hai chữ “tỳ” (Pi/琵) và “bà” (Pa/琶) tạo thành. Hai chữ này là các phương pháp đánh đàn của người Trung Quốc cổ—“pi” là dùng tay phải gẩy dây đàn về phía trước, và “pa” là gẩy ngược lại. Và vì vậy mà thuật ngữ “pipa” thường được dùng trong tiếng Trung để miêu tả hai phương pháp gẩy đàn khác nhau.

Đàn tỳ bà, vua của các nhạc cụ dân gian

Nếu như bạn có thể tưởng tượng về một cảnh giới cao hơn, một nơi mà những tiên nữ sống tự do tự tại…có thể bạn sẽ khám phá ra nguyên lai của đàn tỳ bà hay đàn luýt của Trung Quốc. Người ta tin rằng đàn tỳ bà là một nhạc cụ thần thánh mà các vị thần dùng để truyền cấp cho nhân loại tính thiên chân và thuần khiết.
Quan niệm truyền thống của Trung Quốc về “văn hóa thần truyền” cho rằng nền văn minh phong phú của Trung Quốc là do thần truyền xuống. Văn tự tiếng Trung, y dược, nông nghiệp, tơ lụa, và nhạc khí đều được coi là do các vị thần truyền cấp cho.

3. Đàn Tỳ bà du nhập sang Việt Nam từ trước thời nhà Trần
Tỳ Bà đã du nhập sang nước Việt từ rất sớm. Bằng chứng là hình chạm các nhạc công trên tảng đá vuông dùng làm chân cột chùa Phật Tích, Bắc Ninh, có chạm hình đàn Tỳ Bà giữa hai nhạc công dùng ống Sênh, và ống Tiêu thổi dọc. Trong khi đàn tranh có vóc dáng mà không thấy những con nhạn căng dây, đứng giữa hai nhạc công thổi ống Sênh và ống Sáo ngang.

Chạm khắc dàn nhạc tại chân cột chùa Vạn Phúc, Phật Tích – Bắc Ninh

Tỳ bà lần đầu tiên được nêu danh trong lịch sử Việt Nam, khi Lê Tắc ghi trong An Nam chí lược tên dàn tiểu nhạc dùng ngoài cung đình nhà Trần. Đàn tỳ bà của Việt Nam là dạng rất cổ xưa của đàn PiPa, vốn từ Ba Tư dưới dạng đàn Barbat theo con đường tơ lụa vào Trung Quốc

Nhạc công đờn Tỳ Bà (bên trái) chạm ở chân cột chùa Phật Tích

Nguyễn Ánh tức vị Hoàng Đế năm 1802 lấy niên hiệu là Gia Long, đặt quốc hiệu là Việt Nam, từ năm 1802 người Trung Hoa đổi tên An Nam Quốc Nhạc lại thành Việt Nam Quốc Nhạc.

Nhà Nguyễn chấn chỉnh nhạc cung đình. Lập Dàn Đại Nhạc gồm Kèn, Trống là chính. Và Dàn Nhã Nhạc cũng gọi là Tiểu Nhạc hay Ti Trúc Tế Nhạc, vì dàn nhạc gồm những nhạc khí mắc dây tơ và cây sáo trúc. Tỳ Bà có mặt trong dàn nhạc cung đình. Đàn Tranh, đàn Nguyệt, đàn Nhị, đàn Tam và đàn Tỳ Bà trở thành ban Ngũ Tuyệt của ca nhạc thính phòng Huế (tiền thân của Ca Huế), đồng thời lưu truyền trong nhạc dân gian và tồn tại cho đến nay.

Nhớ Huế – Độc tấu đàn Tỳ bà:

Các kỹ thuật diễn tấu biểu đạt nhiều cung bậc cảm xúc

Kỹ thuật gảy đàn tỳ bà có độ khó khá cao, là một trong những loại nhạc cụ dân gian có sức biểu cảm phong phú nhất, lịch thiệp và hàm chứa thông điệp không thể diễn tả bằng lời.
Tư thế đàn: Ngồi thấp: xếp chân trên chiếu. Ngồi cao: thẳng trên ghế, đàn được đặt gần như thẳng đứng.

Nhạc sư Bửu Lộc đờn tỳ bà
Phạm Thúy Hoan đờn tỳ bà

Kỹ thuật tay phải: Tay phải gảy đàn, cách sử dụng móng tay để đàn có nhiều kỹ thuật phức tạp nhưng sinh động.
Kỹ thuật tay trái: Kỹ thuật tay trái của đàn tỳ bà có các ngón nhấn, ngón vuốt, ngón mổ, bấm hợp âm, đặc biệt đàn tỳ bà có lối đánh song thinh (song thanh): 2 đồng âm ở hai dây khác nhau.
Các kỹ thuật ngón đàn chính: Ngón phi, ngón nhấn, ngón vuốt, ngón chụp, ngón mổ, ngón vỗ, và kỹ thuật chồng âm hợp âm.

Nghệ sĩ đờn tỳ bà Phạm Thị Huệ

Vị trí độc tấu hoặc lĩnh tấu trong các Dàn nhạc dân tộc Việt Nam
Màu âm đàn Tỳ Bà trong sáng, vui tươi, thể hiện tính chất tươi sáng và trữ tình. Màu âm hơi giống đàn Nguyệt nhưng có phần hơi đanh và khô hơn, nhất là ở những khoảng âm cao.

Đàn tỳ bà trong nhã nhạc cung đình huế

Vì thế, đàn Tỳ Bà thường để độc tấu các bản nhạc cổ truyền Dân tộc, khả năng độc tấu rất phong phú hay sử dụng trong các Ban nhạc Tài tử, Phường Bát âm, Dàn nhạc Cung đình Huế, Dàn nhạc Cải lương, đặc biệt gần đây được đưa vào Dàn nhạc Dân tộc Tổng hợp hòa tấu và Dàn nhạc Giao hưởng Dân tộc.

Đàn tỳ bà trong Dàn nhạc tổng hợp dân tộc

Mặc dù đàn tỳ bà có xuất xứ từ các nước khác, nhưng qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa và trở thành cây đàn của Việt Nam, thể hiện sâu sắc, đậm đà những bản nhạc mang phong cách của dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực khí nhạc. Ngày nay số người biết sử dụng tỳ bà theo phong cách truyền thống Việt Nam chỉ có số ít, bạn có muốn tham gia bảo tồn lưu giữ những thanh âm chứa đựng đầy cung bậc cảm xúc này?

Suy tư – Nguyễn Thùy Chi độc tấu tỳ bà

 Làn điệu việt – Tỳ bà VN

Hái nụ tầm xuân – Nguyễn Thùy Chi độc tấu tỳ bà

Độc tấu đàn tỳ bà – NSTQ

Kỳ Văn