Chỉ vì lòng kiêu ngạo và hiếu kỳ mà chàng thanh niên Phaethon đã mang bao nhiêu tai họa đến cho con người thế gian và các vị Thần trên đỉnh Olympus. Vì thế, mặc dù là con trai của Thần Mặt Trời Phoebus, nhưng Phaethon vẫn không tránh khỏi một kết cục bi thảm…

Phaethon luôn được mẹ chàng, nàng Clymene, nhắc nhở rằng mình là con trai của Thần Mặt Trời Phoebus. Tuy nhiên, các bạn của Phaethon không hề nghĩ như vậy.

Họ luôn chê bai chàng vì đã quá ngây thơ tin vào lời mẹ, khiến Phaethon không khỏi cảm thấy tức giận và tổn thương. Vậy nên vào một ngày nọ, Phaethon đã yêu cầu mẹ chàng chứng minh những câu chuyện bà kể là đúng.

(Ảnh: Internet)
Bức “Prometheus Steals Fire from Apollo’s Sun Chariot”, 1814, mô tả cỗ xe của Thần Mặt Trời (Họa sĩ: Giuseppe Collignon, Wikimedia)

Tức giận trước sự nghi ngờ của lũ trẻ, và muốn làm hài lòng con trai, Clymene khuyên Phaethon nên tìm đến cung điện Mặt Trời sau khi thề trước các vị Thần rằng nếu nàng nói sai bất cứ điều gì thì đôi mắt của nàng sẽ không bao giờ còn có thể nhìn thấy ánh sáng.

Vui mừng trước đảm bảo của mẹ, Phaethon lên đường tới thăm cha, chàng vượt qua Ethiopia, Ấn Độ, và những vùng sa mạc cằn cỗi để tới phương Đông, nơi vị Thần Mặt Trời Phoebus ngự trị .

Cung điện Mặt Trời rực sáng với những chiếc cột vàng lấp loáng ánh lửa, những chiếc ngà voi đẹp nhất tô điểm cho mái vòm, và hai cánh cửa được làm từ bạc trắng. Những họa tiết trang trí vô cùng tinh tế miêu tả vũ trụ, với Trái Đất là tâm điểm, cùng nhiều chòm sao nổi tiếng trên bầu trời.

Ở dưới mặt đất, con người đang tiếp tục cuộc sống thường nhật cùng với các bán Thần, và các tinh linh. Trên biển cả, Thần Poseidon đang ngắm nhìn những con dân của mình bơi lội thỏa thích. Và đỉnh Olympus, nơi ở của các vị Thần hiện lên thật nguy nga, hùng vĩ và tráng lệ.

(Ảnh: Internet)
Bức “Helios and Phaeton with Saturn and the Four Seasons”, 1635, mô tả cảnh Phaeton gặp cha bên cạnh các vị thần tượng trưng cho 4 mùa (Họa sĩ: Nicolas Poussin)

Khi Phaethon leo tới đỉnh cao nhất của cung điện, chàng đã ngay lập tức gặp được cha mình, vị Thần Mặt Trời Phoebus.

Bên cạnh ngài ngồi các vị Thần chưởng quản Ngày, Tháng, Năm, và Thế kỷ. Mùa Xuân đội vòng hoa trên đầu, Mùa Hạ cởi trần nằm ngủ, mùa Thu lấm lem với những quả nho, còn Mùa Đông thì có một mái tóc bạc lạnh lùng. Không dám tới gần cha vì luồng sáng quá mạnh mẽ, Phaethon dừng lại kính cẩn thưa: “Thưa ánh sáng của thế gian, vị Thần Phoebus, cha, nếu Ngài cho phép con được sử dụng từ ngữ ấy, nếu mẹ Clymene không hề nói sai điều gì, xin Ngài hãy cho con một bằng chứng, để con tin rằng mình là con của Ngài, để xóa tan những ngờ vực trong tâm trí con!

Nghe được lời thỉnh cầu của Phaethon, Thần Phoebus nhấc chiếc vương miện Mặt Trời nóng bỏng của mình ra để con có thể tiến lại gần. Xoa đầu Phaethon, vị Thần Mặt Trời nói: “Chắc chắn con là con của ta, và Clymene đã không hề nói dối. Hãy ước bất cứ điều gì, để ta có thể trao nó cho con. Hãy để dòng sông Stygian linh thiêng của các vị Thần làm chứng cho lời ta hứa.

Thế là, vừa ngồi xuống bên cạnh cha, Phaethon đã chợt nảy ra ý tưởng hoang đường: chàng muốn được điều khiển cỗ xe Mặt Trời của Thần Phoebus.

Hối hận trước lời thề của mình, vị Thần Mặt Trời lắc đầu, rồi lại lắc đầu, và nói “Những lời của con thật là hấp tấp, ta ước giá ta có thể rút lại lời hứa của mình! Ta phải thừa nhận với con rằng ta sẽ chỉ từ chối con điều này mà thôi, bởi vì điều đó là tốt cho con. Phaethon, con đã ao ước một điều quá lớn, một điều không phù hợp với sức mạnh của con. Số phận của con là làm người: nhưng con đã không ước điều gì phù hợp với con người cả. Con đã ước một điều mà đến cả các vị Thần cũng không muốn chia sẻ. Mặc dù các vị Thần đều có thể làm vừa lòng nhau, trong một chừng mực nào đó, nhưng không ai ngoài ta có quyền năng điều khiển cỗ xe Mặt Trời. Thậm chí ngay cả chúa tể của đỉnh Olympus, Thần Jupiter, với quyền năng sấm sét đáng sợ, cũng không thể điều khiển được nó…

(Ảnh: Internet)
Bức “Phaeton Soliciting Apollo For The Chariot Of The Sun”, thế kỷ 18-19, miêu tả cảnh vị Thần Mặt Trời cho phép Phaethon điều khiển cỗ xe của mình (Họa sĩ: Benjamin West)

Nếu con có thể thấy trái tim ta, thấy trái tim của một người làm cha, thì hãy nhìn quanh khắp thế gian và yêu cầu bất cứ điều gì. Trên trời, dưới biển hay là trên mặt đất, bất cứ điều gì. Ta sẽ không từ chối con. Cưỡi cỗ xe Mặt Trời không phải là một món quà, mà là một sự trừng phạt. Phaethon, con mong muốn nhận được điều đó sao? Tại sao con lại làm khó ta như vậy? Tất nhiên con cũng đừng nghi ngờ gì hết! Ta đã thề trước dòng sông Stygian. Nhưng con hãy khôn ngoan hơn!

Mặc dù được cha hết lòng ngăn cản, Phaethon vẫn khao khát điều khiển cỗ xe Mặt Trời, và vì chàng có quyền yêu cầu điều đó, nên Thần Phoebus đã cho con được toại nguyện.

Cỗ xe bằng vàng rực rỡ được dắt tới, cùng với những con ngựa thần mạnh mẽ và hung tợn. Và khi Phaethon vẫn còn đang mê mẩn trước tác phẩm tuyệt mỹ đó thì nàng Rạng Đông đã thức dậy, vén màn đêm lên để ánh sáng Mặt Trời lan tỏa khắp thế gian. Những ngôi sao tạm thời biến mất để nhường chỗ cho bầu trời xanh biếc.

(Ảnh: Internet)
Bức “Phaéton on the Chariot of Apollo”, thế kỷ 17-18, miêu tả cảnh Phaeton đang lắng nghe lời Thần Mặt Trời chỉ dẫn trước khi lên đường (Họa sĩ: Nicolas Bertin)

Tắm cho con một loại mỡ thần để ngăn cản sức nóng thiêu đốt, Phoebus dặn dò Phaethon những lời cuối: “Nếu con vẫn còn có thể nghe lời cha căn dặn, chàng trai, hãy gò cương thật chặt. Lũ ngựa sẽ chạy theo con đường đã định. Đừng buông lơi. Con phải luôn đảm bảo rằng mình chạy ở giữa trời và đất, đừng để mặt đất nóng quá, cũng đừng đưa ngọn lửa thiêu đốt tới thiên đàng. Ta trao lại tất cả cho nữ Thần May Mắn, và mong rằng nàng sẽ trông coi con.

(Ảnh: Internet)
Bức “The Fall of Phaeton”, 1604-1605, miêu tả cảnh Phaeton không thể điều khiển được cỗ xe Mặt Trời, và phải hứng chịu sự trừng phạt (Họa sĩ: Peter Paul Rubens, Phòng trưng bày tranh quốc gia, Mỹ)

Thế là Phaethon tự hào cầm lấy dây cương cỗ xe Mặt Trời từ tay cha, và điều khiển nó chạy ra khỏi cung điện rực rỡ. Những con ngựa thần lập tức nhận ra rằng cỗ xe chúng kéo đang nhẹ bẫng. Thoát khỏi sức nặng thường nhật của vị Thần Phoebus, lũ ngựa bắt đầu hăng hái một cách kỳ lạ.

Chúng kéo vọt cỗ xe Mặt Trời đi nhanh hơn bao giờ hết. Phaethon bắt đầu cảm thấy sợ hãi, chàng không tài nào điều khiển cỗ xe theo ý mình…

Mặt tái nhợt, Phaethon cố gắng gò cương, nhưng tất cả những gì chàng có thể làm là ước rằng mình đã không quá hấp tấp. Bây giờ chàng chỉ mong được là con của một người thường.

(Ảnh: Internet)
Bức “The Fall of Phaeton”, 1703-1704, miêu tả cảnh Thần Jupiter phóng sét vào cỗ xe Mặt Trời (Họa sĩ: Sebastiano Ricci)

Cỗ xe Mặt Trời hoàn toàn mất kiểm soát, và lũ ngựa đang chạy theo ý thích của mình. Lần đầu tiên chòm sao Gấu Bắc Cực cảm thấy nóng bức đến mức phải chạy trốn. Còn chòm sao Bò Cạp thì hung tợn tấn công kẻ không mời.

Nữ thần Mặt Trăng ngạc nhiên khi cỗ xe của em nàng chạy qua ngay dưới lãnh địa nàng, khiến ngay cả những đám mây cũng chịu sức nóng mà biến mất. Khi cỗ xe Mặt Trời xuống dốc, mặt đất bùng cháy và cây cỏ bị thiêu trụi.

Những thành phố của con người bị phá hủy dưới sức nóng khôn cùng, và các sinh vật trên mặt đất hóa thành tro bụi. Những ngọn núi Athos, Taurus, Tmolus, Oete, và Ida từng được các dòng suối bao quanh thì nay chỉ còn là đồi trọc. Ngay cả đến đỉnh Olympus, nơi cư ngụ của các vị Thần cũng bị tàn phá nghiêm trọng.

(Ảnh: Internet)
Bức “The Gods Mourning Phaeton”, 1645, miêu tả cảnh chư Thần khóc thương cho con trai của Thần Mặt Trời (Họa sĩ: Theodoor van Thulden)

Lúc này, Jupiter, cha của chư Thần trèo lên đỉnh cao nhất của thiên đàng, nơi tạo ra những đám mây trên khắp Trái Đất, nơi tiếng sét rền vang, nơi Ngài kêu gọi tất cả các vị Thần, và đặc biệt là Thần Phoebus, người đã trao cỗ xe Mặt Trời vào tay một kẻ trần tục.

Jupiter phóng ra một tia sét mạnh mẽ vào cỗ xe thần, khiến lũ ngựa choáng váng dừng lại, hủy đi cỗ xe Mặt Trời và cướp đi mạng sống của Phaethon non nớt.

Xác chàng thanh niên xấu số rơi xuống một chốn xa xôi của thế giới, nơi ở của các vị Thần sông Eridanus. Họ đã mai táng cho Phaethon, chàng trai bị sự yếu đuối của trái tim phản bội.

Câu chuyện được trích dẫn từ cuốn Metamorphoses của nhà thơ La Mã cổ Ovid, được dịch giả Anthony S. Kline biên soạn. Tín ngưỡng La Mã cổ đại có rất nhiều điểm tương đồng với Hy Lạp. Trong thần thoại Hy Lạp, người xưa tôn thờ Thần Mặt Trời Helios hoặc Thần Ánh sáng Apollo thay vì Thần Phoebus. Tương tự, cha của chư Thần trong thần thoại Hy Lạp là Thần Zeus thay vì Thần Jupiter trong tín ngưỡng La Mã.

Quang Minh

Xem thêm: