Cả một nền văn hóa Việt Nam 4000 lịch sử hoặc xa hơn là văn hóa 5000 của vùng đất Thần Châu Hoa Hạ Trung Hoa đều rất tin vào Thần, vào Phật, vào Tiên…

Tách nền tảng chung của Văn hóa Thần truyền ở vùng Đông Á ấy thành những đặc sản của từng dân tộc e rằng nhiều lúc chúng ta sẽ bỏ đi những giá trị quý báu.

Thực ra thực thể văn hóa của một vùng rộng lớn này là ‘đại đồng tiểu dị’. Biểu hiện rõ nhất cho văn hóa tôn thờ Thần, nhấn mạnh những giá trị Đạo đức chính là nằm trong ngôn ngữ. Mà đây là ngôn ngữ tượng hình. 

Hầu hết các chữ Thánh Hiền đều như những sinh mệnh trực quan sinh động, đều được mỗi người lý giải để cho ra đời những biểu tượng, hình tượng khác nhau.

Hầu như người nào cũng có thể trở thành “nhà văn, nhà luận lý” để tiếp cận với hệ thống chữ này. Tôi gọi đó là một thứ chữ Động chứ không Tĩnh.

Tùy theo tầng thứ, tùy theo cái Tâm con người thanh khiết ở mức nào, ngộ Đạo đến đâu mà người ta sẽ giảng chữ Thánh Hiền đến đó.

Dù rất chủ quan và không theo logic khoa học hiện đại nhưng ai có nói gì thì cũng phải giải thích chữ, giải thích những khái niệm văn hóa của cha ông trên cái nền Đạo đức.

Hôm nay, hãy cùng bàn về hai chữ THẦN VẬN.

  1. CHỮ THẦN

Chữ Thần có mặt trong từ ghép tiếng Việt như: thần tiên (một người tu theo phái Đạo Gia, có nhiều phép lạ); thần diệu (thần bí và kỳ lạ); thần khí (tinh thần, tư thái hiện ra ngoài). Theo “Từ điển Hán Việt ” thì nó có các nghĩa sau:

  1. (Danh) Trời đất sinh ra muôn vật, đấng chủ tể gọi là “thần”. ◎Như: “san thần” 山神 thần núi, “thiên thần” 天神 thần trời, “hải thần” 海神 thần biển.
  2. (Danh) Bậc thánh, không ai lường biết được gọi là “thần”.
  3. (Danh) Bậc hiền thánh sau khi chết, được người ta sùng bái linh hồn, gọi là “thần”.
  4. (Danh) Sức chú ý, khả năng suy tưởng, tâm trí. ◎Như: “tụ tinh hội thần” 聚精會神 tập trung tinh thần. ◇Tam quốc diễn nghĩa 三國演義: “Bố tri thị Điêu Thuyền, thần hồn phiêu đãng” 布知是貂蟬, 神魂飄蕩 (Đệ bát hồi) (Lã) Bố biết chính là Điêu Thuyền, tâm thần mê mẩn.
  5. (Tính) Kì lạ, huyền diệu, không phải tầm thường, bất phàm. ◎Như: “thần đồng” 神童 đứa trẻ có tài năng vượt trội, “thần cơ diệu toán” 神機妙算 cơ mưu liệu tính lạ thường. § Ghi chú: “thần thông” 神通 nhà Phật nói người ta vốn có tuệ tính thiên nhiên, thông suốt vô ngại, biến hoá bất thường, ai tu chứng được phần đó gọi là “thần thông”. ◎Như: “thiên nhãn thông” 天眼通 con mắt thần thông trông suốt hết mọi nơi, “tha tâm thông” 他心通 có thần thông biết hết lòng người khác.

Hai chữ Shen Yun trong cuốn Từ điển Hán Việt

Chiết tự

Trong cấu hình của chữ thì phần bên trái là chữ THỊ một bộ chữ xuất hiện hầu hết trong các chữ liên quan đến các sinh mệnh cao cấp mà con người luôn kính trọng, thờ phụng. Chẳng hạn chữ Phúc, chữ Lộc, chữ Lễ (lễ bái, lễ phục, lễ nghi…).

Bởi chữ Thị này nghĩa gốc là bàn thờ độc thường đặt ở chính điện hoặc đặt ngoài Trời cúng Thần Linh. Chữ bên trái là chữ THÂN. Trong 12 con giáp thì nó ứng với con khỉ.

Cấu trúc của chữ Thần: Chữ Thị bên trái chữ Thần (hình trái), chữ Thân bên phải chữ Thần (hình giữa); và nguồn gốc của chữ Thân vốn là hiện tượng sấm chớp, là cơn giận của Thần Linh (hình phải)

Thực ra nó là biến thể của chữ ĐIỆN. Những sưu tầm  cổ xưa nhất còn cho ta thấy những tia chớp ngoằn ngoèo đánh xuống đồng không mông quạnh.

Đó là sức mạnh kinh khiếp của Thiên Nhiên. Kèm theo chớp giật là Sấm gầm, là năng lượng làm rừng cháy trong mưa.

Là bão giật, sóng xô… Người xưa cho đó là sự phẫn nộ của Thần. Con người càng tích Nghiệp thì Thần phải cảnh cáo và dùng sức mạnh ghê gớm của mình cảnh báo thậm chí hủy diệt một địa khu nào đó để răn đe, trừng phạt.

Chỉ nội cái ông Thần Sét Thiên Lôi này, khi tôi còn nhỏ, vào mùa mưa bão miền Trung, bà tôi luôn bắt tôi thành kính xin lỗi Ông đừng nổi giận giáng những tai họa khôn lường.

Thời ấy sau một đợt giông bão, ra nhìn những cây chuối đổ gục, nhìn những trái mít xanh lăn lóc và những cành nhãn, những búp măng tre bị bẻ gãy, người ta đã thấy sợ, thấy xót xa lắm rồi!

Cả thế giới cổ đại đều sợ, đều kính Thần. Chỉ nói tới Thần Sét là ta đã nghĩ tới một sức mạnh mà loài người nhỏ bé không thể chống đỡ nổi. Thần có quyền năng sáng tạo và có khả năng hủy diệt.

Kinh Dịch gắn sấm sét với nỗi sợ bởi nó xuất phát từ sự đổ vỡ thế cân bằng Âm và Dương.

Tục truyền khi bạo chúa Tần Thủy Hoàng làm lễ hiến sinh tế Thần Linh trên núi Thái Sơn thì một cơn giông tố mưa như xối và sấm chớp kinh hoàng đã không cho vua thực hiện.

Thần đã chối bỏ triệt để và dứt khoát Đạo đức, tư cách của ông ta. Quẻ Chấn trong Kinh Dịch là tương ứng với sấm sét, là sự rung chuyển vũ trụ báo hiệu mùa Xuân. Cái Vui của Thần cũng khác chúng ta!

Chúng ta cũng biết rằng vị Thần cai quản Olympia là Vị Thần Sấm Sét, chúa tể của các Thần.

Đó là Zeus, quyền năng vô hạn. Dưới Zeus là rất nhiều vị Thần khác chi phối đời sống con người. Và ai cũng phải kính trọng và ngưỡng mộ.

Thực ra, thế giới xưa từ Đông sang Tây đều tin vào những sinh mệnh cao cấp hơn, đầy quyền năng hơn đang chi phối vũ trụ và nhân loại.

Hầu hết các nhà khoa học, nhà văn, nhà hiền triết phương Tây như Newton, như Albert Einstein, như Tonstoi, Huy-go đều tin Chúa, Thần.

Hơn 70% các nhà khoa học được giải Nobel của Mỹ là có Tín ngưỡng. Thực ra, khoa học chân chính và niềm tin vào Thần rất có ý nghĩa cho sự sáng tạo và thúc đẩy văn mình.

Đáng tiếc là khoa học ngày nay bất chấp những giá trị đạo đức đang làm kích hoạt sự vị kỷ và dục vọng hưởng thụ.

Nó đang dẫn chúng ta vào đường cùng. Nó xóa sổ Thần ra khỏi ký ức loài người đáng thương. Để rồi, ngạo mạn coi mình là đứng trên  tất cả.

Nhân loại không tin Thần thực ra là đã bỏ áo cà sa để mặc áo giấy.

Nhà thơ La-mac-tin của Pháp nói đại ý: Chúa và chư Thần có thật, triển hiện cho con người nhưng con người không tin.

Ma quỷ có thật nhưng chúng luôn nói với loài người không hề có chúng tồn tại. Và loài người rất tin. Người xưa tin Thần nên tôn trọng Đạo Đức.

Người nay tin vào Vật Chất và tôn trọng hưởng thụ. Người xưa sống là tự chế ước bản thân. Người nay là phóng túng để giải phóng mọi dục vọng.

Người xưa tin rằng “Trên đầu ba thước có thần linh”; “Phật vô xứ bất tại”; “Thần Phật nhiều như cát sông Hằng”.

Con người phải chịu trách nhiệm với mọi việc làm của mình trong đời, luật nhân quả không hề sai lạc

Do đó, họ tin định lý nhân quả, về Thiện báo và Ác báo. Người xưa cho rằng, mỗi lời nói ra, đặc biệt là thề ước với Thần Linh là rất nghiêm túc, nghiêm trọng.

Khi Kiều được làm Phu nhân của Từ Hải, nàng hành hình những kẻ gây oán cừu với mình. Nàng nói những người ấy vì họ  đã thề độc với Thần Linh thì giờ đây luật nhân quả thực thi với họ.

Đây là Thần trừng trị họ chứ không phải là người. Kiều chỉ là người thực thi ý chỉ của Thần mà thôi:

Thề sao thì lại cứ sao gia hình

Thử nghe Bạc Hạnh lừa Kiều và hắn đã thề thốt, nguyện hứa với Thần ra sao nhé:

“Một nhà dọn dẹp linh đình

Quét sân, đặt trác, rửa bình, thắp nhang.

Bạc Sinh quỳ xuống vội vàng,

Quá lời nguyện hết Thành Hoàng, Thổ Công.

Trước sân, lòng đã giãi lòng,

Trong màn làm lễ tơ hồng kết duyên”

Thông qua Kiều, Nguyễn Du luôn phát biểu quan điểm nhân quả mà ông tin là quy luật vũ trụ, là hành động thực thi công lý “bất vị tư “của Thần. Nào là :

“Nàng rằng lồng lộng trời cao,

Hại nhân, nhân hại sự nào tại ta?”

[TK câu 2381-2382]

Nào là:

“Mấy người bạc ác tinh ma,

Mình làm mình chịu, kêu mà ai thương.”

[TK câu 2393-2394]

Người xưa, cũng thường nói về câu chuyện BỐN BIẾT để nhắc nhở về sự thanh liêm ngay chính, biết kính sợ Thần Linh của con người …

Truyện cổ dân gian Việt Nam có kể chuyện này thông qua một ông quan phiếm chỉ. Thực ra, nó bắt nguồn từ một nhân vật có thật đã để lại tiếng thơm cho sử sách. Chuyện kể rằng:

Dương Chấn sống thời Đông Hán nổi tiếng thanh liêm và đức độ. Trên đường đi nhậm chức, ông gặp  Vương Mật – là người mà mình  đề bạt khi  đang làm Thứ Sử Kinh Châu. Vương Mật  mang theo năm cân bạc trắng, đợi đến nửa đêm lấy ra để báo đáp ân nghĩa xưa. Dương Chấn nói: “Chúng ta là bạn cũ, ta rất hiểu thái độ làm người của ông, ông cũng hiểu biết ta, vì sao lại làm thế?”

Vương Mật nói: “Bây giờ là đêm khuya khoắt vắng người, không có ai biết cả”.

Dương Chấn nói: “Trời biết, Thần biết, ta biết, ngươi biết, sao có thể nói là không ai biết được?”

Vương Mật nghe xong, hổ thẹn mà rời đi. Về sau, Dương Chấn làm Trác Quận Thái Thú, không bao giờ ông nhận lời giúp người vì việc tư. Con cháu của ông và những người dân thường đều được đối xử như nhau. Ông thường ăn rau dưa, đi bộ ra ngoài thành không tiền hô hậu ủng, và cuộc sống vô cùng giản dị, để lại tiếng thơm cho hậu thế.

  1. CHỮ VẬN

Chữ VẬN  ở đây, theo “Hán Việt từ điển” có các nghĩa sau:

  1. (Danh) Vần. § Ghi chú: Trong “thanh vận học” 聲韻學, tiếng gì đọc lên hài hoà với tiếng khác đều gọi là “vận”. ◎Như: “công” 公 với “không” 空 là có vần với nhau, “cương” 鋼 với “khương” 康 là có vần với nhau. Sách ghi chép các vần theo từng mục gọi là “vận thư” 韻書 sách vần.
  2. (Danh) Thanh âm hài hoà. ◎Như: “cầm vận du dương” 琴韻悠揚 tiếng đàn du dương.
  3. (Danh) Thần thái, phong độ. ◎Như: “phong vận do tồn” 風韻猶存 phong độ vẫn còn.
  4. (Tính) Phong nhã. ◎Như: “vận nhân” 韻人 người có cốt cách phong nhã.

Phía bên trái là chữ ÂM. Nghĩa là âm thanh, âm nhạc, giọng điệu. Phía bên phải là chữ VIÊN nói về người chuyên môn làm một nghề gì đó chuyên biệt (giáo viên, viên chức, thành viên).

Ở đây, trong chữ VẬN thì VIÊN là DIỄN VIÊN, là những người chuyên hoạt động nghệ thuật. VIÊN còn có nghĩa là xoay vần một sự vật nào đó trơn tru, nhẹ nhàng.

Theo tôi, thì tách chữ VIÊN này ra sẽ có 3 chữ làm rõ hơn chữ VẬN; đó là: Khẩu, Mục và Nhân. Miệng hát những âm điệu dặt dìu, bổng trầm, có vần; mắt nhìn những cảnh quan, sự vật bài trí theo cái Đẹp, theo nghệ thuật. Và dáng điệu của con người uyển chuyển trong các điệu vũ đẹp mắt…

Cấu trúc của chữ Vận: Chữ Âm bên trái chữ Vận (hình trái), Chữ Viên bên phải chữ Vận (hình giữa) và mục giải nghĩa chữ Vận trong Từ điển Hán Việt hiện đại (hình phải)

VẬN là vần của âm thanh, âm nhạc; là phong thái dáng dấp trang nhã theo quy luật của cái Đẹp. Nhìn vào Vận có thể thấy linh hồn của sự vật: “Người Thơ phong vận như thơ ấy” (Xuân  đầu tiên, Hàn Mặc Tử). Kiều của  Nguyễn Du thấy Đạm Tiên trong mơ cũng là con người phong vận ấy :

“Thoắt đâu thấy một tiểu kiều,

Có chiều phong vận có chiều thanh tân,

Sương in mặt tuyết pha thân,

Sen vàng lãng đãng như gần như xa …”

Chúng ta thử nhìn vào bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du để phát hiện cho ra 2 chữ THẦN VẬN. Biết đâu nhớ lại  bài thơ này ,chúng ta hiểu sâu thêm hai chữ Thần và Vận

讀小青記  

西湖花苑盡成墟,

獨吊窗前一紙書。

脂粉有神憐死後,

文章無命累焚餘。

古今恨事天難問,

風韻奇冤我自居。

不知三百餘年後,

天下何人泣素如。

Độc Tiểu Thanh ký

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.

Chi phấn hữu THẦN  liên tử hậu,

Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

Phong VẬN  kỳ oan ngã tự cư.

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Dịch nghĩa:

“Vườn hoa cạnh Tây Hồ đã thành bãi hoang,

Ta chỉ viếng nàng qua bài ký đọc trước cửa sổ mà thôi.

Son phấn có linh hồn chắc phải xót chuyện xảy ra sau khi chết,

Văn chương không có mệnh mà cũng bị liên luỵ, đốt đi còn sót lại một vài bài.

Mối hận cổ kim, thật khó mà hỏi ông trời.

Ta tự coi như người cùng một hội, một thuyền với nàng là kẻ vì nết phong nhã mà mắc phải nỗi oan lạ lùng.

Chẳng biết ba trăm năm sau,

Thiên hạ có ai khóc Tố Như ta?”

Bản dịch của cụ Lê Thước:

“Hồ Tây cảnh đẹp hoá gò hoang,

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.

Son phấn có hồn chôn vẫn hận,

Văn chương không mệnh đốt còn vương.

Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,

Cái án phong lưu khách tự mang.

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,

Người đời ai khóc Tố Như chăng ?”

Trong cuốn “Từ điển Hán – Việt hiện đại” xuất bản năm 1994 của nxb Thế Giới cũng có mục từ Thần Vận được giải nghĩa rất ngắn gọn: “Ý vị”.

Có lẽ các nhà từ điển theo trường phái Duy Vật không mặn mà với Thần nên giải thích sơ sài vậy. Nhưng dù sao, nó cũng cho ta biết rằng đây là hai chữ rất phổ biến trong ngôn ngữ phổ thông hiện đại.

Nói gọn lại, THẦN VẬN có nghĩa là:

*Âm thanh, âm nhạc; lời ca tiếng hát; giai điệu  của các vị Thần.

*Những điệu vũ, điệu múa của các Thần

* Những bộ trang phục tinh tế mang phong cách, phong thái của các Thần được tái hiện trong không gian, trong những bức tranh toàn cảnh của thế giới Thần Tiên. Chúng ta sẽ lạc vào trong những Thiên Đường kỳ diệu đó

* Tất cả Âm Thanh, Vũ Điệu, Phong Thái này được Thần nhập thân, Vận vào các Diễn Viên xuất sắc khiến họ cho ta gặp Thần Tiên chứ không phải gặp con người nữa!

III. CÓ MỘT ĐOÀN NGHỆ THUẬT NHƯ THẾ!

Hơn 10 năm nay, đoàn Nghệ Thuật Shen Yun có trụ sở ở New York đã lưu diễn khắp thế giới và các nhà hát danh tiếng ở đâu cũng kín chỗ ngồi.

Ở đâu cũng được các nhà chuyên môn, các nghệ sĩ đánh giá là Đỉnh cao. Chẳng hạn, nữ diễn viên đạt giải Oscar Cate Blanchett bày tỏ: “Một trải nghiệm phi thường… Trình độ kỹ thuật và năng lực biểu đạt qua ĐỘNG TÁC và  HÌNH ẢNH thật đáng kinh ngạc”.

Nước Trung Quốc thời hiện đại, thông qua rất nhiều các đợt vận động lớn nhỏ đã làm tổn thương nền văn hóa phương Đông uyên áo.

Đặc biệt thời kỳ Cách mạng Văn hóa, việc “bài Phong” cực đoan đã làm cho nền văn hóa Thần Châu rực rỡ bị tàn phá.

Một số nghệ sĩ có tầm và có tâm đang khôi phục lại những giá trị ấy. Họ lập Đoàn Nghệ thuật Shen Yun để tái hiện con đường ba thầy trò Đường Tăng sang Tây Trúc; họ tái hiện Thần thông của Tế Công cứu chúng sinh; họ dạy người ta tâm Đại Nhẫn của Hàn Tín thông qua tích chui háng gã vô lại giữa chợ; họ cho ta gặp nghĩa khí của Vô Tòng, Văn Thiên Tường; cho ta gặp người anh hùng Trung Quân Ái Quốc Nhạc Phi và Xú danh Tần Cối; họ cùng ta lạc vào những đêm trăng huyền thoại của Lý Bạch, chìm nổi với con thuyền đơn của Đỗ Phủ …

Văn hóa Trung Hoa là tài sản của chúng ta, đặc biệt là dân tộc Việt Nam mình ảnh hưởng rất tích cực.

Chính ông Tập Cận Bình trong phát biểu gần đây đã nhìn nhận lại điều này. Ông hiểu rằng, chối bỏ văn hóa Thần Truyền là từ bỏ bản sắc của một dân tộc.

Hãy đọc lời bình luận về điều này để ta suy ngẫm và hy vọng sự phục hưng văn hóa phương Đông.

“….Ông Tập nhấn mạnh, giới văn nghệ phải có thực học, trọng đức, phẩm cách cao thượng, từ đó mới có thể đưa xã hội hướng đến giá trị cao thượng”.

Trong đó, đoạn phát ngôn đặc biệt nhất, khiến người ta chú ý là: “Dân tộc Trung Hoa không ngừng phát triển, có khi gặp trở ngại nhưng không ngừng làm mới lại được là nhờ sức mạnh bệ đỡ của văn hóa truyền thống Trung Hoa.

THẦN VẬN, phong thái, trí tuệ, quan niệm giá trị độc nhất vô nhị trong văn hóa Trung Hoa giúp tăng thêm niềm tự tin và tự hào trong lòng nhân dân Trung Quốc và dân tộc Trung Hoa”.

Theo nhà bình luận chính trị độc lập Lý Thiên Tiếu (Li Tianxiao), sự thẳng thắn trong lời khen ngợi của ông Tập về văn hóa truyền thống, và một số từ ngữ cụ thể mà ông sử dụng, tỏ ra là “một sự đột phá trong khuôn khổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Trong khi từ trước đến nay ĐCSTQ không tin vào Thần Phật, đã hợp thức hoá một số kỹ thuật như thư pháp hoặc múa dân gian bằng cách “luôn khước từ khía cạnh lấy cảm hứng từ Thần Phật trong văn hóa truyền thống Trung Quốc,” ông Lý nói. “Việc ông Tập thừa nhận “thần vận” trong văn hoá Trung Quốc chính là sự chối bỏ định nghĩa về văn hóa của ĐCSTQ.”

Ông Lý nói thêm rằng sự lựa chọn từ “thần vận” (shen yun) để mô tả văn hoá truyền thống của ông Tập Cận Bình là một chi tiết đáng giá.

Bởi ông ta “không thể nào không biết, hoặc không nghe nói về đoàn nghệ thuật Shen Yun Performing Arts tại Mỹ”, có trụ sở đặt tại New York.

Theo trang web của Shen Yun thì công ty múa cổ điển này của Trung Quốc đã tuyên bố sứ mệnh của họ là hồi sinh nền văn minh 5.000 năm Trung Hoa.

Trong thập kỷ qua, Shen Yun biểu diễn tại hàng trăm thành phố, thường xuyên tại các nhà hát danh tiếng trên khắp thế giới, và đã nhận được vô số khen ngợi từ những người nổi tiếng và có địa vị cao trên toàn thế giới”.

Hy vọng rằng, khi được xem biểu diễn Thần Vận, ta có cơ hội được trải nghiệm những giây phút thăng hoa, mở cho ta những Thiện niệm vốn là niềm tin của cha ông mình, giờ đã mai một….

La Vinh

Xem thêm: