Vải bông xanh lam phiên bản truyền thống được in hoa trắng trên nền vải xanh lam, còn được gọi là “vải dược ban”. Bắt đầu từ thời Tần Hán, hưng thịnh trong thời Đường Tống và thông dụng trong thời Minh Thanh. Mặt hàng này có lịch sử cách đây hơn 1.300 năm.

Nhật xuất giang hoa hồng thắng hỏa, xuân lai giang thủy lục như lam.
Chức vi vân ngoại thu nhạn hành, nhiễm tác Giang Nam xuân thủy sắc.

Dịch nghĩa:

Mặt trời mọc trên sông đỏ thắm màu lửa; xuân tới nước sông xanh như bầu trời
Dệt may như nhạn bay thành hàng trên mây, nhuộm màu làm Giang Nam thêm sắc.

Trong bài thơ trên, Bạch Cư Dị đã miêu tả cảnh sắc dòng sông vào mùa xuân ở Giang Nam, ngay cả việc dệt vải cũng như thành “chim nhạn bay thành hàng“, lại nhuộm trong xuân sắc của Giang Nam. Có thể thấy “Lục như lam” là màu sắc đã đi sâu vào lòng người xưa như thế nào.

Trước thời nhà Hán, tơ lụa tinh xảo hoa mỹ, đắt đỏ chỉ thuộc về hoàng cung quý tộc. Sau đến triều Tống, triều Nguyên, tơ lụa cẩm tú mới bắt đầu đi tới cuộc sống của người dân, nhưng cũng chỉ được nhìn thấy ở lễ tết hay việc cưới gả. Còn chân chính đi vào cuộc sống hàng ngày của người dân chính là loại vải bông xanh lam in hoa ở Giang Nam.

Trong cuốn “Cổ kim đồ thư tập thành” có ghi lại: “Vải Dược Ban – nhuộm bằng thuốc màu xanh tối, sau đó phơi khô, lại nhuộm thuốc màu xám, có thể in họa tiết nhân vật, hoa điểu, thơ từ, thường dùng để làm màn che hoặc chăn“.

Vải bông xanh lam in hoa (Ảnh: shutterstock)

Các chủng màu xanh

Xanh lam cũng phân chia thành xanh ngó sen, xanh nhạt nguyệt bạch, xanh đen, xanh hoa thục quỳ, xanh thạch lựu v.v.. Những thứ này đều mang sắc tố rất tự nhiên, tạo nên một ký hiệu độc đáo của Trung Hoa cổ đại. Kỹ nghệ nhuộm theo màu của thực vật đã từng sáng lập ra một con đường tơ lụa huy hoàng nối Trung Hoa với các lãnh thổ phía Tây.

Nhuộm màu thực vật là công nghệ chủ lưu về nhuộm màu ở Trung Hoa, không chỉ có nhiều màu sắc, mà ánh màu cũng diễm lệ hơn. Hơn thế nữa, sắc của thực vật rất tốt, không dễ bị bạc màu. “Tuyết hoạn tú phổ” thời Thanh đã ghi chép lại tổng cộng 704 loại sắc thái. Ngoài ra có một loại thảo lam, tức là chỉ dùng các loại cây như cây tùng, cây chàm, cây mã lam, cây rau dền để làm thuốc nhuộm.

Thảo lam được coi là một ân sủng từ thiên đàng. Từ gốc rễ, thân cây, lá cây, họ đều thấy có công hiệu trong việc thanh nhiệt giải độc, hạ sốt. Vì thế mà ứng dụng của thực vật vào công nghệ nhuộm càng ngày càng được phát triển hơn.

Vải bông xanh lam in hoa (Ảnh: shutterstock)

Một số màu thuốc nhuộm rất khan hiếm và khó nhuộm, chẳng hạn như màu đỏ, ví như cỏ xuyến, có màu đỏ, khi nhuộm lên thành màu vô cùng bắt mắt, nhưng công việc nhuộm màu rất khó khăn, vì thế rất đắt đỏ và cũng không được sản xuất với số lượng lớn.

Còn nguyên liệu làm ra màu xanh lại rất phong phú, được trồng rộng rãi và có thể phát triển bình thường trong lưu vực sông Dương Tử và các khu vực phía bắc rộng lớn. Cũng rất thuận tiện để tìm vật liệu tại địa phương.

Trong số các thuốc nhuộm thực vật, cây chàm là một trong những thực vật được sử dụng sớm nhất, cũng được sử dụng rộng rãi nhất ở Trung Quốc cổ đại. Về việc trồng cây chàm và các hồ sơ kỹ thuật của quy trình được ghi lại đầy đủ trong cuốn “Tề dân yêu thuật” của Cổ Tư Hiệp thời Tống và cuốn “Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân thời Minh.

Sắc thái bình dân

Màu sắc của trang phục cổ đại được chia thành các cấp bậc địa vị; ví như “màu vàng” tượng trưng cho hoàng đế; “màu tím” trở thành màu sắc quý phái cho các quý tộc sau triều đại nhà Tùy và nhà Đường; “màu đỏ” được sử dụng cho các dịp lễ hội như đám cưới, thanh minh, tết; “màu xanh lá cây” từng thuộc về những người có tầng lớp thấp trong xã hội, tham gia vào những ngành nghề thấp kém”; còn “màu xanh lam” là màu trung tính của người Trung Hoa, an toàn và không phạm vào điều kiêng kỵ.

Đặc biệt, vải bông xanh lam rất phổ biến trong dân chúng người Hán và được sử dụng rộng rãi nhất. Mặc trên người một chiếc áo vải bông xanh lam, thoải mái và thanh lịch, khó bị sờn và dính bẩn, chất lượng tốt, giá thành thấp, vô cùng bình dân hóa. Các vật dụng hàng ngày như màn, mền, túi xách, khăn trùm đầu và rèm cửa xanh lam cũng rất được ưa chuộng.

Xưởng nhuộm vải trong bức “Thanh viện bản thanh minh thượng hà đồ” (Ảnh: epochtimes)

Bằng cách kiểm soát sắc xanh của màu chàm, theo giải thích của Tống Ưng Tinh, sẽ tạo được bốn màu, gồm xanh ngọc lục bảo, xanh da trời, trắng ngà và trắng xanh sau khi nhuộm. Những thay đổi tinh tế ở các cấp độ khác nhau của màu xanh, kết hợp với các hoa văn tương ứng, tạo nên sự đa dạng đầy quyến rũ. Tại Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, Hồ Nam, Sơn Đông, Giang Tô và các khu vực khác có nhiều cây chàm, tất cả các bản nhuộm màu xanh tốt nhất đã được lưu truyền.

Ở các vùng nông thôn rộng lớn của Trung Quốc cổ đại, nghề nhuộm đã trở thành ngành nghề địa phương. Vải bông xanh lam của Tường Hương phía bắc tỉnh Chiết Giang có một danh tiếng lâu đời. Lịch sử của nhà Tống và nhà Nguyên đã hình thành nên một khung cảnh ngoạn mục của khung dệt có ở khắp mọi nơi; với các xưởng dệt bên bờ sông tạo nên một cảnh tượng nguy nga.

Từ Giang Nam đến Giang Bắc, hầu hết mọi gia đình đều có một phụ nữ tham gia nghề dệt, hầu như mọi hộ gia đình đều có thể tự nhuộm vải.

“Ngự đề miên hoa đồ luyện nhiễm” (Ảnh: catalog.digitalarchives)

Kỹ nghệ và truyền thừa

Các bước nhuộm vải chi tiết gồm: lựa chọn vải mộc (vải chưa in hoa), tẩy nhờn, bồi giấy, vẽ hoa văn, trổ hoa, tra dầu, cạo hồ, phơi gió, nhuộm màu, gạt bớt màu, cố định màu, giặt sạch, phơi nắng. Ước chừng có khoảng hơn 10 bước trong quy trình, yêu cầu đối với nhiệt độ, độ ẩm không khí và thời gian phơi là rất cao.

Mỗi bước đều là một quá trình tương tác với tự nhiên. Vải mới nhuộm có màu xanh lá cây, sau đó chuyển thành màu vàng, cuối cùng chuyển sang màu xanh lam. Sau mỗi một công đoạn, màu xanh cho ra là khác nhau.

Triệu Hưng, Quý Châu sử dụng cây chàm để nhuộm màu xanh cho vải (Ảnh: gitane/Wikimedia Commons)

Các gia tộc truyền thừa kỹ nghệ nhuộm đều sở hữu một xưởng vải bông in hoa trong một quãng thời gian dài. Việc nắm bắt những bí mật, kỹ năng đều phụ thuộc vào cách cha truyền con nối, thầy trò tương truyền, lĩnh hội trên thực tế.

Trong 100 năm qua, với những thay đổi chính trị và xã hội biến động kịch liệt, ngành công nghiệp in và nhuộm được cơ giới hóa cao, mảng vải sợi hóa học đã tác động rất lớn đến việc nhuộm, in vải thủ công. Kể từ những năm 1950, các xưởng in và nhuộm thủ công đã giảm dần. Sau cuộc cách mạng văn hóa, các nhà xưởng nhuộm vải đã bị phá vỡ hoặc buộc phải chuyển sang nhuộm cờ đỏ, in khẩu hiệu. Màu xanh lam truyền thống đã cơ bản bị thay thế bằng màu đỏ máu.

Vào khoảng những năm 1980, các kỹ thuật nhuộm truyền thống có nguy cơ bị mất, các xưởng nhuộm và dệt thủ cộng không thấy ở đâu nữa. Khi thế hệ thợ thủ công cũ đã qua đời, nhiều kỹ thuật và hoa văn tuyệt vời cũng theo đó biến mất. Những viên đá quý đã ngưng tụ trong hàng ngàn năm lịch sử gần như đã mất dấu chỉ trong một vài thập kỷ.

Chiếc ô của dân tộc Bố Y cũng được nhuộm màu xanh lam (Ảnh: Wikipedia Commons)
(Ảnh: shougongke)

May mắn là các dân tộc thiểu số như Miêu, Dao, Bạch, Đồng, Bố Y ở biên giới phía tây nam vẫn giữ được các kỹ thuật nhuộm màu chàm cổ xưa; trang phục và nghề nhuộm màu thủ công của họ trở thành độc nhất. Những người dân tộc thiểu số này sống ở sâu trong rừng núi nơi quanh năm nóng ẩm. Quần áo nhuộm màu chàm có thể là trang phục tốt nhất để chăm sóc sức khỏe và bảo vệ họ khỏi bệnh tật. Tuy nhiên, sau khi cải cách mở cửa, với sự phát triển mạnh của du lịch, kinh tế hàng hóa đã biến sản phẩm truyền thống thành những bản sao chép rẻ tiền.

Bạch tộc ở Đại Lý, Vân Nam, chế thuốc nhuộm từ các loại thực vật tự nhiên như chàm, rễ bản lam (vị thuộc Bắc dùng để giải nhiệt) và lá ngải được trồng trên núi Thương Sơn. Loại được sử dụng nhiều nhất là rễ bản lam, màu sắc gần giống với màu xanh phỉ thúy (lông chim trả), trang nghiêm và thanh lịch, càng giặt màu lại càng đẹp, mang theo mùi thơm của thảo dược. Tuy nhiên, chu kỳ sản xuất của loại vải này khá dài, sản lượng thấp và chi phí cao.

Vải bông xanh lam in hoa (Ảnh: Gisling/Wikimedia Commons)

Việc bảo vệ và kế thừa nghệ thuật thủ công truyền thống như nhuộm vải bông xanh lam có ý nghĩa hết sức quan trọng. May mắn thay, trong thời đại thành công nhanh chóng và lợi ích tức thời này, vẫn còn có một nhóm người dám đi ngược dòng, tìm kiếm các kỹ năng truyền thống của ngày xưa và bỏ ra công sức để bảo vệ chúng.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Clip hay:

videoinfo__video2.dkn.tv||596807828__

Xem thêm: