Sinh thời, vốn coi trò như con, mỗi khi viết xong một truyện ngắn, thầy thường đưa cho tôi đọc trước. Thầy bảo tôi là người sành văn; tuy viết đôi khi còn mắc lỗi về câu, nhưng bù lại, tôi hay có những ý tưởng lạ. Mà văn chương thì luôn cần những ý tưởng như thế… Được thầy khen, tôi thích chí ra mặt. Và, để xứng đáng với sự tin cậy ấy, tôi đọc văn thầy kĩ đến mức thuộc lòng một số truyện…

Một lần kia, khi viết truyện “Nhà văn Xóm Chiếu”, thầy chọn tôi làm nguyên mẫu để xây dựng nhân vật chính. Nghe thầy nói, tôi như bị hút vào từng con chữ. Tình cờ như thế nào đấy, tôi may mắn giúp thầy sửa được một chi tiết. Tôi kể bố tôi nuôi chim bồ câu từ hồi tôi còn bé tí. Thuở học lớp bốn, tôi đã từng bị người mắng cho một trận nên thân vì trong bài văn miêu tả chim mẹ mớm cho con, tôi đã viết chim con được mẹ nó mớm sâu cho. Cứ theo bố tôi thì bồ câu là loài ăn hạt, người chưa từng thấy chúng ăn sâu bọ bao giờ. Thầy mỉm cười, lặng lẽ lấy bút sửa chi tiết “mớm một con sâu” thành ” mớm một hạt thóc”. Tôi còn ngu ngơ hỏi sao thầy viết về tôi mà nhiều điểm thấy chẳng giống một tí nào, nếu không nói là trái ngược hẳn. Ví như ngoài đời chữ tôi vốn xấu như gà bới, trong truyện, tôi lại viết đẹp và nhanh như rồng bay phượng múa. Hoặc như tôi mắc tật nói nhiều – mẹ tôi thường chê là kẻ ruột để ngoài da – khi thành nhân vật của thầy, tôi lại là một người thâm trầm, lặng lẽ. Lạ nhất, mặc dù chỉ có một bài báo nhỏ được dán trên tờ báo tường cơ quan, tôi vẫn được ngòi bút khéo léo của thầy vẽ thành một nhà văn. Nhà văn Xóm Chiếu! Đọc, thấy mặt nóng ran lên vì ngượng. Nhưng mà trong lòng thì thấy thinh thích vì như vừa được ai đó động viên, nâng đỡ.

Ảnh minh họa: Iini

Hôm thằng bạn đang làm báo ở Sài Gòn về thăm nhà, tôi khoe thầy viết được nhiều truyện lắm. Hai đứa rủ nhau đến chơi với thầy. Bạn tôi đọc truyện thầy viết; thích quá, bèn đem gửi cho một tờ báo đang có cuộc thi truyện ngắn. Bặt đi gần một năm, bỗng nhiên trong mấy tuần liền, tờ báo kia đăng rộ các truyện ngắn của thầy tôi. Cuối năm ấy, tay cầm tờ báo, chân cứ như ríu vào nhau, tôi hổn hển chạy đến nhà thầy báo tin vui.

Đọc xong mục báo đăng tin thầy là một trong số những tác giả trúng giải thưởng kì thi truyện ngắn do báo tổ chức, thầy lấy ra một chai rượu, rót đầy hai ly, rồi đẩy một ly về phía tôi:

– Chúc mừng em! Chúc mừng nhà văn Xóm Chiếu!

– Em xin chúc sự thành công của thầy! Tôi vừa chạm ly với thầy vừa vui vẻ nói.

Thầy cười:

– Cái giải hôm nay thực ra là giải cuả em! Đúng không? Nếu em không sửa chi tiết ấy, cái truyện kia không khéo đã nằm ở sọt rác cuả tòa soạn rồi cũng nên!

Rồi, thầy bất ngờ bảo:

– Em có khiếu văn chương, nếu chịu khó học thêm, có thể còn viết hay hơn cả thầy đấy. Cứ thử xem…

Tôi đã nghe lời thầy và thử nhiều lần. Đúng như dự đoán, những truyện tôi viết, thầy sửa đều lần lượt được in trên mặt báo. Và thật lạ lùng, truyện ngắn Cát và bụi – nhân vật chính là thầy tôi – cũng được một tờ báo trao giải thưởng truyện hay trong năm.

Sau buổi đi lĩnh giải về, tôi được thầy gọi đến, khen truyện viết hay lắm. Thầy tỏ ý tiếc: Nếu để cái truyện của thầy làm đoạn đầu, ghép truyện tôi mới viết làm đoạn cuối, hai thầy trò sẽ có một truyện ngắn xứng đáng được để đời. Thầy dặn: Một mai lỡ thầy đi xa, nếu như tôi làm đúng được cái ý tưởng độc đáo kia, thì dù đã ở dưới chín suối, thầy cũng được yên lòng. Nghe giọng thầy buồn buồn, tôi nghĩ là điềm gở, đành ậm ờ cho qua chuyện rồi ra về.

Ảnh minh họa: Đông Tuyền Blog

Thật không ngờ, chỉ qua một trận ốm xoàng, thầy tôi đã đột ngột qua đời. Trong di chúc viết từ khi mới bước sang tuổi thất thập, thầy đã chu đáo sắp đặt mọi việc cho vợ con. Riêng dòng cuối cùng, chữ viết còn mới lắm, thầy dặn mọi trình tự làm đám cho thầy, gia đình cứ thực hiện theo ý tôi để thầy được toại ý nguyện.

Được hỏi ý kiến, tôi không biết trả lời ra sao, bèn kể lại chuyện hôm thầy cho gọi. Tôi nói với mọi người rằng: Thầy vốn thích sự độc đáo, nhất định trong lời dặn dò kia có ẩn ý gì đây…

Suốt đêm ấy tôi không ngủ được vì giận mình không hiểu được ý thầy.

Chợt nhớ lời thầy ước, tôi lấy báo ra, đọc liền một mạch hai cái truyện ngắn. Ghép chúng lại, tôi giật thót người, ngỡ ngàng nhận ra đó chính là câu chuyện về cuộc đời và ước muốn cuối cùng của thầy.

Theo chỉ dẫn cuả truyện mà tôi lĩnh hội được, gia đình đã hoả táng cho thầy ở đài Phục Sinh. Tro cốt được chia làm hai nửa bằng nhau; một nửa đem rắc trên núi Bửu Long; nửa còn lại lấy các tờ giấy in hai truyện ngắn Nhà văn Xóm Chiếu, Cát và bụi, dùng dây chuối gói lại, đem ra giữa cầu Hoá An, ném xuống sông Đồng Nai vào giờ Thìn.

Nguyễn Quốc Văn

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||830fd9b79__