Quay ngược thời gian về triều đại nhà Đường, Trung Hoa, hoàng đế Đường Huyền Tông triệu kiến Lý Tư Huấn – một bậc thầy trong vẽ tranh thanh lục sơn thủy, yêu cầu ông vẽ một bức bích họa và bình phong cho đại điện của mình. Khoảng một tháng sau Lý Tư Huấn đã hoàn thành bức đại bích họa tuyệt đẹp. Sau khi bức bích họa hoàn thành, trong một ngày thiết triều, Huyền Tông nói với Lý Tư Huấn rằng: “Vào ban đêm, trẫm nghe được tiếng nước chảy từ bức trướng sơn thủy mà ngươi vẽ.” Câu chuyện này được ghi chép lại trong “Đường triều danh họa lục”, liễu giải cho đôi bàn tay “thần thông” của họa gia Lý Tư Huấn không phải là hư danh.

Đôi bàn tay “thần thông” của Lý Tư Huấn trong tranh thanh lục sơn thủy

Tranh sơn thủy của Lý Tư Huấn có bút pháp mạnh mẽ, ý cảnh cao siêu, phong cách kỳ lạ, những tác phẩm của ông được coi là “thần phẩm”. Thành tựu cao nhất của ông là ở hai loại tranh “thanh lục sơn thủy” (tranh sơn thủy có màu xanh dương và xanh lam) và “kim bích sơn thủy” (tranh sơn thủy màu vàng và xanh biếc), có thể đại biểu cho cả một thời đại, khai sơn phá thạch cho các thế hệ sau. Trong cuốn lý luận hội họa “Triều đại danh họa ký”, các nhà văn và thư họa khi bàn về tranh sơn thủy và cây cảnh có nhắc đến: “Sơn thủy chi biến, thủy vu Ngô, thành vu nhị Lý” (Trong biến hóa của sơn thủy, lúc đầu có Ngô, về sau có hai người họ Lý), hai người họ Lý ở đây ám chỉ Lý Tư Huấn cùng con trai ông là Lý Chiêu Đạo.

Các tác phẩm “Thanh lục sơn thủy” tuyệt diệu cùng “Kim bích sơn thủy” tỏa ánh hào quang của Lý Tư Huấn có ảnh hưởng sâu sắc tới các thế hệ đời sau, thậm chí nó còn được đưa vào việc giáo dục hội họa trong thời nhà Tống. Trong “Tuyên Hòa họa phổ – cuốn 10” thời Bắc Tống có bình luận về tranh của Lý Tư Huấn:

Họa giai siêu tuyệt, vưu công sơn thạch lâm tuyền

(Các bức họa đều là tuyệt sắc, đặc biệt giỏi về vẽ tranh núi, đá, rừng, suối)

Chân dung Lý Tư Huấn (Ảnh: jianshu)

Mặc dù sau này rất nhiều họa gia học theo lối vẽ cũng như thường sao chép lại những tác phẩm của ông, nhưng tuyệt nhiên không ai có thể thể hiện được ý cảnh sinh động đến như vậy. Vậy nên nhiều nhà lý luận hội họa đã nói rằng: “Nhân phẩm của ông cao đến mức không thể đụng”, cũng tức là nhân phẩm cao mới thể hiện được thành tựu nghệ thuật cao siêu.

Tranh thanh lục sơn thủy tới kim bích sơn thủy

“Huyền phố xuân thâm đồ” – Lý Tư Huấn (Ảnh: epochtimes)

Tranh “thanh lục sơn thủy” và “kim bích sơn thủy” đều miêu tả phong cảnh núi non sông nước truyền thống phương Đông. Các ngọn núi màu xanh và những con sông xanh là hình ảnh được lưu hành phổ biến trong cung đình thời nhà Đường và nhà Tống. Rất nhiều các tài liệu lịch sử đã ghi chép lại, rằng tranh phong cảnh hoàn chỉnh và nguyên vẹn đầu tiên là bức “Du xuân đồ” từ thời nhà Tùy, cho đến thời Đường có Lý Tư Huấn tạo nên “thanh lục sơn thủy” đưa tranh phong cảnh lên đến thời kỳ đỉnh cao.

Đặc điểm nổi bật của “thanh lục sơn thủy” là: lối vẽ chi tiết cùng màu sắc nồng đậm. Cái gọi là lối vẽ chi tiết ở đây chính là sử dụng kỹ thuật phác thảo tổng thể, sau đó lấy ra từng phần và khắc họa tỉ mỉ, sau đó tô màu từng lớp, sao cho bức tranh càng giống với thực tế càng tốt. Sắc tố xanh lục được lấy từ mỏ quặng, azurite, thạch xanh v.v. Sắc tố này có màu sắc tươi sáng, cộng với tỷ lệ che phủ cao, trải qua nhiều năm mà không bị đổi màu.

Trên những bức tranh sơn thủy của Lý Tư Huấn, phía trên lớp màu xanh còn được rắc thêm bột phấn vàng hay kim tuyến, tạo hiệu ứng “vàng lấp lánh” rất hút mắt. Hơn nữa điểm nhấn này cũng tạo nên một phong cách mới, nên được gọi là “Thanh lục vi chất, kim bích vi văn” (màu xanh làm chất, vàng kim làm hoa văn) – cũng là khởi nguyên cho tranh “kim bích sơn thủy”.

Các danh gia tranh thanh lục sơn thủy

Tranh “Thanh lục sơn thủy” đã phát triển rất tốt trong thời kỳ Lý Tư Huấn và con trai của ông, Lý Tư Huấn được vinh danh là tổ tiên của thể loại tranh phong cảnh phía Bắc.

Ngoài cha con Lý Tư Huấn, còn có Diêm Lập Đức thời Đường, đến cả Vương Duy nổi tiếng về vẽ tranh thủy mặc cũng có thời gian chuyển qua vẽ tranh “thanh lục sơn thủy”. Tranh của Vương Duy chủ yếu lấy phong cảnh tự nhiên làm chủ, trong khi Lý Tư Huấn chỉ yêu thích các bối cảnh lầu các cung điện. Đến thời Tống, Vương Hi Mạnh cũng là một danh họa nổi tiếng, dưới sự hướng dẫn của Tống Huy Tông mà Hi Mạnh đã vẽ được bức “Thiên lý giang sơn đồ” lừng lẫy một thời.

“Thiên lý giang sơn đồ” – Vương Hi Mạnh (Ảnh: epochtimes)

Thời Nam Tống cũng có hai anh em Triệu Bá Câu và Triệu Bá Túc chuộng vẽ tranh “thanh lục sơn thủy”; hai ông bắt đầu đưa vào các kỹ thuật của văn nhân thủy mặc, được mọi người tán thưởng là “Tinh công chi cực, hựu hữu sĩ khí” (công lực đạt cực điểm, lại có tinh thần).

Nhìn cận cảnh bức “Giang phàm lâu các đồ” của Lý Tư Huấn

Trong “Tuyên Hòa họa phổ” có ghi chép về mười mấy bức tranh của Lý Tư Huấn mà hiện nay những nhà sưu tầm không thể tìm lại được. Tại Bảo tàng Cố cung Đài Loan chỉ lưu giữ duy nhất một bức “Giang phàm lâu các đồ”. Cấu đồ của bức “Giang phàm lâu các đồ” về cây cối cùng đá núi cũng tương tự như bức “Du xuân đồ”, trên bản vẽ còn có ấn của nội phủ Nam Tống.

An Kỳ thời nhà Thanh có bình về bức phú này rằng: “Đây đích xác là bức vẽ thời nhà Đường, vừa vẹn đúng dấu tích chân chính”. An kỳ còn nhận xét: “Màu sắc cổ kính diễm lệ, mực bút an dật, tuy đã trải qua nhiều đời nhưng mực xanh và đen hòa quyện vẫn không hề phai nhạt, đó thật sự là những dấu ấn không thể nghi ngờ”.

“Giang phàm lâu các đồ” (Ảnh: epochtimes)

“Giang phàm lâu các đồ” của Lý Tư Huấn mô tả một phong cảnh tuyệt đẹp trên bờ sông, bao gồm cả cảnh sắc của một phần con sông. Cận cảnh là một ngọn đồi xanh tươi với những ngọn cây nhấp nhô um tùm trên gò đất. Ở giữa là một đám cây tùng cổ thụ cao lớn; rải rác trong rừng là những lầu gác mái xanh cột đỏ ẩn hiện sau cành lá. Người du hành và khách thăm viếng tô điểm thêm cho đình viên; một ngọn núi nhỏ phía sau. Nửa hình ảnh còn lại là phần sông nổi lên những gợn sóng nước cùng cánh buồm trôi nổi, thể hiện một cảm giác cởi mở vô hạn. Toàn cảnh bức tranh hiện lên một sự đa dạng sinh thái, có núi có sông, có nhà có người, tạo một khí tiết trùng điệp và mạnh mẽ.

Thanh lục sơn thủy nguy nga lộng lẫy

Những kiến trúc nhà lầu, cánh buồm và những đường viền thế núi phần lớn đều được dùng kim tuyến để miêu tả; có số ít là lấy bùn kim phủ nhuộm. Đây là một kỹ thuật phổ biến thời Bắc Tống khi vẽ tranh “thanh lục sơn thủy”. Các dòng nước trên sông Mãn đều được đánh dấu bằng những đường kim tuyến mỏng, đều đặn từng vòng cung đối xứng nhau lấp đầy con sông, như những con sóng vàng hiện lên nguy nga lộng lẫy.

Cận cảnh “Giang phàm lâu các đồ” (Ảnh: epochtimes)

“Giang phàm lâu các đồ” với sự phối hợp xảo diệu của bùn kim và kim tuyến, có thể nói là ngắm núi nhìn sông cùng lầu điện hoàn mỹ, vừa có ý trang trí vừa nêu ra được khí thế bất phàm.

Năng lượng tiềm tàng làm cho bức tranh như biết cử động

Giang phàm lâu các đồ” có một nét đặc biệt, chính là toàn bộ bức họa tựa như ẩn giấu năng lượng, những sự vật trong bức họa tựa hồ đều là sống, có thể động đậy.

Nhìn về xa xa mênh mông sông nước, những cánh buồm như lướt trên sông; gần bên bờ sông đan xen tùng trúc, theo gió mà lay động. Những khóm cây đang sinh sôi trên những kẽ đá cũng vậy, khi gió đến liền lay động. Đặc biệt là những cây tùng cổ thụ chiếm vị trí lớn trong khu rừng, chùm chùm trùng điệp giống như vỗ cánh muốn bay, dường như đang tạo ra sức sống cho cả bức họa.

Cận cảnh “Giang phàm lâu các đồ” (Ảnh: epochtimes)

Cách Lý Tư Huấn khắc họa những mỏm đá là tạo ra kết cấu từng tầng chồng xếp, xuất phát từ các đường cong khi vẽ phác thảo. Cách vẽ này đã tạo sự hoàn thiện cho không gian của những phiến nham thạch, yên lặng mà chậm rãi lay động, tựa như đang động nhưng lại không phải động.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Clip ý nghĩa: Alexandre Yersin – ân nhân vĩ đại của người Việt

videoinfo__video3.dkn.tv||6786853be__