Trong Nam Hoa kinh thì thiên về tề vật luận là một thiên được cho là quan trọng nhất, chứa nhiều triết lí và luận điểm uyên thâm. Trang tử đưa ra nhìn nhận về Đạo, mối tương quan giữa vạn vật từ đó mà nhìn nhận về thị phi và đối nhân xử thế…

Vạn vật đều nằm trong Đạo

Trong luận thuyết của Trang tử ông luôn cho rằng, vũ trụ là bao la mênh mông rộng lớn, vạn vật trong vũ trụ cũng là nhiều vô cùng vô tận. Vũ trụ cũng có các tầng khác nhau và vật cũng có những đặc tính khác nhau nhưng chúng đều theo một nguyên lí vận hành.

Ông viết: “Cổ nhân, người nào trí tuệ đạt tới tuyệt đỉnh, cho rằng vũ trụ mới đầu không có gì cả”. Nhưng ở tiểu thiên thứ 2, ông lại bảo: “Không ai biết chủ tể của vũ trụ là gì. Ví thử có một chủ thể đi thì chúng ta cũng không thấy cái dấu hiệu, vết tích gì của nó. Thấy tác dụng mà không thấy hình thể của nó”.

Điều này cho thấy ngay cả bản thân Trang tử đã đạt tới trí tuệ uyên thâm nhưng cũng không thể biết được chân lí tối hậu của vũ trụ, càng không nhìn thấy được biên duyên của vũ trụ. Ông không biết được vũ trụ do cái gì sinh ra, và ai đang vận hành quy luật của vũ trụ.

Ngay cả những người trí tuệ đạt tới tuyệt đỉnh cũng cho rằng vũ trụ ban đầu là không có gì cả. Vậy thì vô lượng vô số sinh mệnh trong vũ trụ từ đâu mà sinh ra và chịu sự ước chế và câu thúc bởi ai? Phải chăng còn có một tầng thứ mà ngay cả Trang tử cũng chưa đạt tới để nhìn nhận.

(Ảnh: Neufor.com)

Nhưng ông đã sớm nhận định rằng, vạn vận đều nằm trong Đạo. Nếu như theo ông vạn vật đều có biến hóa thì sự biến hóa đó đều nằm trong Đạo. Trang tử viết: Như khi gió thổi, cả vạn hang, lỗ đều vang động lên, phát ra những tiếng khác nhau, “có khi như tiếng nước chảy ào ào, có khi như tiếng tên bay vút vút; có khi như tiếng thú gầm, như tiếng thở nhẹ; có khi như tiếng người mắng mỏ, khóc lóc, than thở; có khi như tiếng chim ríu rít…”

Nếu như Lão Tử giảng: Đạo khả Đạo phi thường Đạo. Thì Trang Tử cũng cho rằng: Đạo đó không có tên gọi và khi Đạo mà đã minh thị ra rồi thì không phải là Đạo. Vì Đạo gồm vạn vật, vạn vật hợp nhất vào Đạo (tiểu thiên 4), chúng ta chỉ là một phần tử của Đạo, không thể biết được Đạo (một phần tử làm sao biết được toàn thể), không thể chỉ rõ, giảng nó là cái gì. Cho rằng mình biết được Đạo, là nói bậy, nhận rằng mình không biết được nó, mới là sáng suốt. (Biết rằng có những điều mình không thể biết được, đó là đạt được cực điểm của “trí” – tiểu thiên 8).

Trong vũ trụ tồn tại hai gia lớn: Đạo gia và Phật gia. Nếu như nói Phật pháp vô biên thì Đạo ra cũng là những điều rộng lớn mà khó có thể nói rằng ta biết hết về Đạo.

Một người đã hiểu được Đạo, đạt được đại trí thì đều biết rằng vạn vật tuy khác nhau nhưng đều hợp nhất trong Đạo, nên vật là bình đẳng không có phân biệt: “Vật nào cũng là vật khác mà cũng là chính nó. Phân biệt vật và mình thì không thấy được lẽ đó, hoà đồng với vật thì thấy được. Cho nên mới bảo cái kia là tự cái này mà ra, mà cái này cũng tự cái kia mà có (…) Mình là người khác, người khác cũng là mình (tiểu thiên 3).

Vứt bỏ phân biệt chấp trước giữa ta với người chính là cách dẹp bỏ thị phi nhân ngã khổ đau trong cuộc sống

Nếu Mặc Tử giảng: phải yêu mọi người như mình, nghĩa là còn phân biệt người và mình. Nhưng với Trang Tử thì tư tưởng của ông đã vượt xuất khỏi lí luận của Mặc Tử. Ông cho rằng: người là mình, mình là người. Yêu hay ghét không thành vấn đề nữa: cứ theo tự nhiên, thì cũng như yêu mọi người, mọi vật rồi.

Tới đây hiểu rõ hơn luận điểm:

Tiếp xúc với người khác thì tự nhiên dụng tâm mưu mô. Do đó mà sinh ra do dự, giả dối, ẩn ý.

Hơi lo sợ thì sinh ra xao xuyến, ưu tư; quá lo sợ thì sinh ra trì độn, mất hồn.

(Ảnh: Wikipedia)

Khi ta hành động thì nhắm người khác như bắn con mồi, rồi thì bất động để nhận định thắng lợi của mình. Do đó khí lực mỗi ngày suy đi như sinh vật vào mùa thu, mùa đông; chìm đắm trong thói xấu, ngột ngạt, càng già càng tệ; hậu quả là tinh thần như chết lần, không sao lấy lại được sinh khí nữa.

Mừng giận, vui buồn, lo lắng, ân hận, phản phúc, sợ sệt, phóng túng, biếng nhác, khinh cuồng, ngạo mạn, tất cả những cái đó tự chúng phát sinh ra như âm nhạc phát từ một ống rỗng (ống sáo) hoặc như nấm từ hơi đất (ẩm ướt) mà ra. Ngày, đêm nối tiếp nhau, ai biết được từ đâu mà có? Hỡi ơi, hỡi ơi; bao giờ chúng ta mới hiểu được lẽ sinh hoá trong vũ trụ?

Và khi ta đã nhận được cái hình hài của ta rồi thì ta giữ nó cho tới khi chết. Nó với những vật khác đâm nhau, mài cọ vào nhau, cùng bôn tẩu như những con ngựa, mà không có gì làm cho ngừng được. Buồn thay! Suốt đời khó nhọc mà không thành công gì cả; tâm khổ, mệt mỏi mà không biết để đi tới đâu. Đáng thương thay! Như vậy mà bảo là sống, thử hỏi có ích gì không? Hình hài mà biến hoá thì tinh thần cũng biến hoá. Đó chẳng phải là điều rất thương tâm ư? Người đời mê muội như vậy ư? Chỉ riêng tôi mê muội, còn người khác không mê muội chăng?

Luận điểm này nói lên được rằng nếu như bản thân không có sự phân biệt với người khác, thì sẽ không có khó khăn khi một người vì người khác mà làm, vì người khác mà sống. Về căn bản là đã vứt bỏ bản ngã tự thân. Một người như vậy tự bản thân đã trở lên tốt đẹp phi thường. Bước đầu trở về với bản tính lương thiện nguyên sơ ban đầu.

Và khi một con người không có sự phân biệt giữa người và ta thì tự nhiên thị phi kia chẳng đụng được tới họ, đau khổ thế gian cũng chẳng động tới tâm họ. Một cảnh giới thực sự siêu việt.

Vạn vật là khác nhau nhưng chúng lại tồn tại trên một chỉnh thể to lớn, là một bộ phận trong cỗ máy của vũ trụ vĩ đại, giống như vạn vật ngang nhau. Thân thể con người gồm một trăm cái xương, chín cái lỗ và sáu “tạng”, có cái nào đáng quý hơn cái nào đâu? Chúng đều là bộ phận của thân thể, đều phục dịch cho ta. Một cái bị bệnh thì những cái khác cũng bị ảnh hưởng lây, mà thân thể của ta mất sự quân bình. Đây chính là cái lí của việc.

“Cho nên một cọng cỏ nhỏ với một cây cột lớn, một người đàn bà xấu với nàng Tây Thi, với tất cả các cái bậy bạ, dối trá, quái dị đều hợp nhất ở trong Đạo. Cái nhất đó phân chia ra thành vạn vật” (tiểu thiên 4).

Khi hiểu được cái lí tương sinh tương khắc thì con người cũng ước chế được thị phi

(Ảnh: Vnwriter)

Trang Tử cho rằng, trong vũ trụ này là có sự tồn tại tương sinh tương khắc, có tốt thì có xấu, có chính thì có tà, có Đạo thì có ma… do vậy mà khi sự vật sự việc biến hóa đều tự mang trong mình cái tốt và cái xấu. Nhưng tiêu chuẩn đo lường tốt xấu ấy lại có sự khác nhau ở các tầng thứ khác nhau:

Có phải là thánh nhân theo mặt trời mặt trăng, ôm vũ trụ, hợp nhất với vạn vật, bỏ hết cả mọi sự hỗn độn, u ám, coi các sự tôn ti, quý tiện là một không? Người phàm lao khổ vì sự thị phi, tranh luận, thì thánh nhân thì có vẻ như ngu muội vô tri, đạt được cái thuần khiết của cái “nhất” nó bao quát mọi biến hoá của mọi thời và mọi vật.

Hay loài người ăn thịt dê thịt bò cho là ngon, mà loài dê loài bò lại cho lá cây, cỏ mới ngon; loài người cho Mao Tường, Lệ Cơ là đẹp, nhưng loài chim loài cá thấy hai nàng đó thì hoảng sợ mà trốn; vậy là không có “chính vị”, “chính sắc”, nghĩa là không có gì làm tiêu chuẩn bất biến cho vạn sự vạn vật nhưng lại có chung một tiêu chuẩn đo lường tốt xấu duy nhất chính là cái chân lý tối hậu của vũ trụ mà không phải ai cũng nhận thức được.

Tịnh Tâm

Clip hay: Hiếu thuận với cha mẹ, ông Trời ắt để dành phúc phận cho

videoinfo__video3.dkn.tv||164c40544__