Trong hội họa châu Âu đầu thế kỷ 19, các họa sĩ cổ điển hy vọng sử dụng các mô thức điển hình trong thời cổ đại để giải thích về thế giới hiện tại, ví dụ như các chủ đề tôn giáo hoặc chủ đề thần thoại. Trong khi đó, các họa sĩ lãng mạn dần dần bắt đầu ưa thích sự thể hiện cá tính và biểu lộ cảm xúc.

Để hiểu các họa sĩ hiện thực như Jean Francois Millet (1814-1875), cần phải hiểu nền tảng của chủ nghĩa hiện thực vào giữa thế kỷ 19. Cái được gọi là “chủ nghĩa hiện thực” là để mô tả bộ mặt thật của xã hội, nhưng tại sao có một nhóm người lại muốn sử dụng tiểu thuyết hay tranh vẽ để mô tả mặt chân thật của xã hội? Bởi vì lúc ấy toàn xã hội đã phát triển một nền tảng cho xu hướng tư tưởng này.

Trước khi có xu hướng tư tưởng này, nước Pháp đã có 50 năm theo chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa lãng mạn trong nửa đầu thế kỷ 19, một loại thiên về lý tính, loại kia thiên về cảm tính. Sự đối lập này cũng có thể được coi là các khái niệm bổ sung cho nhau, không ngừng ảnh hưởng đến giới trí thức. Vào giữa thế kỷ 19, do có sự phát triển của khoa học và xã hội học, nhiều người cho rằng các vấn đề xã hội và cuộc sống không nên được quyết định bởi quan điểm cổ điển hay lãng mạn. Thay vào đó, nên tìm kiếm sự thật từ thực tế khi quan sát hiện trạng của xã hội, và đưa ra quyết định sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề, đây chính là nền tảng của chủ nghĩa hiện thực trong bối cảnh đương thời.

Francois Millet đã bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật của mình trong bối cảnh này; sau đó ông đã thể hiện rõ quan điểm, rằng những họa sĩ hiện thực không nên tưởng tượng rằng thế giới phải hoàn mỹ như chủ nghĩa cổ điển hay với cảm xúc mạnh mẽ như chủ nghĩa lãng mạn, thay vào đó nên phản ảnh thực tế xã hội, thông qua đó thể hiện quan điểm cá nhân.

Bức “Gleaners” (Những người đi mót lúa). Jean Francois Millet. (Ảnh: painting-planet.com)

Vì vậy, nếu muốn hiểu kỹ hơn về chủ nghĩa hiện thực, hiểu những suy nghĩ của Millet vào giữa thế kỷ 19 và sự nhiệt tình của các họa sĩ lúc bấy giờ đối với thực tế, điều quan trọng trước hết là cần phải hiểu chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa lãng mạn đã ảnh hưởng đến toàn bộ thế hệ đó như thế nào.

Chủ nghĩa tân cổ điển và chủ nghĩa lãng mạn

Trọng tâm phát triển của nghệ thuật phương Tây trong thế kỷ 19 dần dần chuyển từ nước Ý sang nước Pháp trong thời kỳ thống trị của Napoleon, như nhà văn Pháp Théophile Gautier (1811-1872) đã nói: “Bây giờ chúng ta sẽ đến Paris, giống như trước đây chúng ta đã đi đến Rome vậy”. Khi nói đến chủ nghĩa hiện thực, ngay cả nghệ thuật của nước Pháp thế kỷ 19 cũng phải bắt đầu từ hai xu hướng nghệ thuật là tân cổ điển và lãng mạn. Đó là hai loại ý tưởng nghệ thuật, cũng có thể coi là hai tư tưởng đối lập, hoặc các “phe phái” nghệ thuật khác nhau. Về mặt thời gian, chúng có sự chồng chéo lên nhau chứ không phải lần lượt xuất hiện.

Bức “Napoleon Crossing the Alps” của Jacques Louis David (1748-1825). (Ảnh: epochtimes)

Chủ nghĩa tân cổ điển ở nước Pháp khi đó có liên quan đến việc chế độ của Napoleon theo đuổi một hình ảnh quyền lực hoàn hảo, tuyệt đẹp hoặc một hình thức nghệ thuật lý tưởng. Còn chủ nghĩa lãng mạn tựa hồ như sau những năm 1830 mới nổi lên. Nhưng chúng ta phải đặt hai bức tranh đối nghịch này sát lại với nhau, vì hầu như tất cả các họa sĩ có tên tuổi của chủ nghĩa lãng mạn đều xuất thân từ phái cổ điển. Những người được gọi là thuộc phái lãng mạn đều là sinh viên của các bậc thầy theo chủ nghĩa cổ điển.  Họ chẳng qua là đã lựa chọn đi theo quan điểm nghệ thuật mới – quan điểm về chủ nghĩa lãng mạn.

Đại diện của chủ nghĩa tân cổ điển gồm có  Jacques Louis David (1748-1825) với bức “Napoleon Crossing the Alps” và học trò của ông – Jean Auguste Dominique Ingres (1780-1867). Còn đại diện phái theo chủ nghĩa lãng mạn có Theodore Gericault (1791-1824), Ferdinand Victor Eugene Delacroix (1798-1863 ) v.v.

Jacques Louis David (1748-1825) (Ảnh: blog.daum.net)

Bối cảnh thời đại

Sau cuộc đại cách mạng vĩ đại, Pháp dần dần có một quyền lực chính trị ổn định vào đầu thế kỷ 19. Đặc biệt sau khi Napoleon trở thành hoàng đế, đã biến quốc gia này thành một thể chế vô cùng quyền thế, tất cả nhân lực đều dốc sức cho đế quốc này, không còn nguyên nhân vì cách mạng hay bạo loạn để đưa đến trạng thái nào đó. Vào thời điểm này, chế độ của Napoleon cần một lực lượng đầy đủ để thiết lập sức mạnh nghệ thuật cho đế chế, tạo ra một hình tượng anh hùng cao quý gắn liền với hình tượng đế quốc. Đó có thể nói là giá trị thẩm mỹ căn bản của phái “tân cổ điển”.

Chủ nghĩa lãng mạn là một xu hướng nghệ thuật bao trùm toàn bộ châu Âu. Nguồn gốc của nó gắn liền với sự hỗ trợ của chủ nghĩa tân cổ điển. Bắt đầu từ Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832), sáng tác thơ trữ tình ở Đức vào nửa sau của thế kỷ 18, sau đó xu hướng này phát triển ra toàn bộ châu Âu và thậm chí lan đến cả Vương quốc Anh, có ảnh hưởng lớn đến thế giới nghệ thuật. Tác dụng của nó là khiến các nghệ sĩ trẻ bắt đầu có tư thế “đối kháng” với giáo viên của mình. Mặc dù văn học lãng mạn của Pháp không thể vượt qua Anh hay Đức, nhưng trong lĩnh vực hội họa, Pháp đã trở thành tâm điểm của cả châu Âu.

Sự khác biệt về đề tài

Bức “Liberty Leading The People” – Eugène Delacroix (Ảnh: Fine Art America)

Cụ thể, cái gọi là thế “đối kháng” chính là việc các họa sĩ cổ điển hy vọng sử dụng các mô thức điển hình trong thời cổ đại để giải thích về thế giới hiện tại, ví dụ như các chủ đề tôn giáo hoặc chủ đề thần thoại trong kinh điển cổ đại, chủ đề về gia tộc, vương thất, hoàng gia hay những chủ đề lớn của lịch sử vĩ đại về đất nước. Trong khi đó, các họa sĩ lãng mạn dần dần bắt đầu ưa thích sự thể hiện cá tính và biểu lộ cảm xúc cường điệu. Họ thậm chí còn thích miêu tả các sự kiện thời sự hơn và từ bỏ các câu chuyện lịch sử. Ví như cuộc tàn sát khủng khiếp giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả họ đều tích cực đưa lên tranh vẽ để thu hút sự chú ý và trở thành chủ đề thảo luận. Trường phái cổ điển, ở chiều ngược lại, hy vọng rằng tất cả các chủ đề có thể được mở rộng, trở thành một tác phẩm vượt thời gian với cảm giác hài hòa và bầu không khí cao cả.

Lý tính và cảm tính – Mâu thuẫn từ thời cổ đại đến nay

Đầu thế kỷ 19, thực sự là một thời đại trong đó một bộ phận phái tân cổ điển phản đối phong trào lãng mạn.

Hai khái niệm cổ điển và lãng mạn đã tồn tại từ thời cổ đại. Vào thời cổ đại khi chưa có “chủ nghĩa lãng mạn”, một số giá trị dựa trên thơ trữ tình và cảm xúc cá nhân được gọi là tinh thần lãng mạn.

Phái cổ điển có thái độ theo đuổi sự thật, nghiêng về lý tính. Từ khái niệm đất nước lý tưởng của Plato để theo đuổi sự thật và theo đuổi xã hội hoàn hảo, cho đến khi thành lập một đế chế, thực sự có một sự mở rộng và thay đổi các giá trị cổ điển. Tuy nhiên, thế hệ lãng mạn của thế kỷ 19 bắt đầu cho rằng sự thật vĩnh cửu là điều không thể nhận ra được; chỉ có những cảm giác cảm thấy vào hiện tại mới là có thật và phải được phát huy đầy đủ.

Biểu hiện lên tranh vẽ

Năm 1804, trong kiệt tác “Lễ đăng quang của Napoleon”, David đã vẽ một cảnh không hoàn toàn giống như lễ đăng quang của Napoleon vào thời điểm đó, nhưng vì sự hài hòa và sống động của bức tranh, khán giả ngày nay tin rằng đây chắc hẳn là sự thật vì nó có một hình thức trang trọng của các sự kiện lịch sử.

“Lễ đăng quang của Napoleon” – Jacques Louis David (Ảnh: theartist)

Nhưng khi chúng ta xem bức tranh “La Zattera Della Medusa” của Géricault vẽ cảnh bi thảm tả lại vụ đắm tàu vào thời điểm đó, chúng ta sẽ cảm thấy một sự hoài nghi, liệu đây có phải sự thật, sao lại bi kịch đến độ mức như thế, có phải là cường điệu hóa không? Do đó ta nghi ngờ tính xác thực của họa sĩ, nhưng khi chúng ta có thể mở một tờ báo của thời điểm đó, chúng ta sẽ thấy thảm kịch của vụ đắm tàu này đúng là như vậy.

Bức “Lễ đăng quang của Napoleon” – Jacques Louis David. (Ảnh: epochtimes)

Vì vậy, tài năng của các nghệ sĩ thuộc phái lãng mạn không nằm ở cách vẽ chặt chẽ nhằm ghi lại một sự kiện quan trọng, thay vào đó, họ tạo cảm giác biến động của cuộc sống qua sự kiện này, thể hiện những cảm xúc háo hức hay u ám trong đó. Trong cảnh khói mây mờ mịt, họ còn biến nó thành một hiệu ứng mạnh mẽ và mãnh liệt hơn, khiến người xem có thể cảm nhận sự kịch tính. Ví như nếu để mô tả “Lễ đăng quang của Napoleon”, họa sĩ thuộc phái lãng mạn sẽ không thể hiện chính xác sự trang nghiêm hoành tráng của buổi lễ trong thực tế, mà nhấn mạnh vào biểu hiện cảm xúc trên gương mặt của nhân vật, khiến cho bức tranh toát lên được ý nghĩa cần có. Vì thế mà, nguyên ban đầu phái lãng mạn đi cùng phái tân cổ điển, sau đó dần dần mới lộ ra sự “mâu thuẫn”.

Bức “La Zattera Della Medusa” của Théodore Géricault, dựa theo sự kiện vụ đắm tàu vào thời điểm đó, (Ảnh: bergamonews)

Thời đại của sự sáng tạo

Các nghệ sĩ theo đuổi trường phái tân cổ điển và lãng mạn là hai nhóm nghệ sĩ tài năng nhất đương thời. Mặc dù có quan hệ thầy trò, nhưng trên lập trường nghệ thuật, họ lại đối chọi với nhau tương đối gay gắt, hơn nữa đứng trong dòng chảy của nghệ thuật vào khoảng năm 1830, ranh giới của hai phái này đã được phân ra rõ ràng. Ban đầu là sự loại trừ lẫn nhau về hình thức, sau đó mới bổ sung cho nhau để tạo thành một khởi đầu tuyệt vời cho nghệ thuật nước Pháp trong thế kỷ 19.

Dường như trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa hiện thực vào những năm 1850, sự chồng chéo trong tác động của hai thế hệ đối lập trong cùng một thời kỳ đã làm nổi bật lên các họa sĩ kiệt xuất, khiến cả thế kỷ 19 trở thành một gai đoạn tuyệt vời của nghệ thuật tại châu Âu.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch