Chuyên mục Nghệ Thuật của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả tiểu thuyết “Nước mắt của những vì sao”, tiểu thuyết giả tưởng mang khuynh hướng thần thoại của tác giả Nam Minh, được đăng đều đặn vào thứ 3, thứ 5, thứ 7 hàng tuần. Kính mời quý độc giả cùng theo dõi.

>> Tiểu thuyết ‘Nước mắt của những vì sao’ (chương 9): Phạm pháp quy, sư phụ không gặp lại, núi Thái Vân lạnh lẽo gió heo may

Chương 10: Chàng ngốc trò chuyện cùng hoa lá, lời nguyền bí hiểm mãi chẳng buông

Tại một miền quê xinh đẹp, giàu có, cách đô thành Mặt Trời không xa có một ngôi làng nhỏ với những ngôi nhà gỗ được sơn trắng tinh nấp sau những rặng cây cổ thụ xanh mát.

Xung quanh nhà và hai bên lề đường, người dân nơi đây thường trồng những cây hoa như hoa mười giờ, hoa cúc,… khiến khung cảnh đồng quê yên bình thêm rực rỡ.

Sống ở nơi đây là những người dân tốt bụng và yêu đời, trong làng luôn vang lên những tiếng ca rộn ràng về cuộc sống thanh bình, yên ả.

Tại một ngôi nhà nhỏ giữa làng, Tiểu Minh ngồi trước một đám hoa cúc trước nhà, vẻ mặt cậu ánh lên những nét rạng rỡ.

(huaban.com)

– Này các bạn, tôi kể các bạn nghe một câu chuyện. Ngày xửa ngày xưa, tại một vùng núi hoang vu, có một người tiều phu đi đốn củi, vào một hôm, chiếc rìu của người tiều phu chợt gãy làm đôi, lo lắng không có củi nuôi năm đứa con khôn lớn, người tiều phu ngồi khóc…

Cậu đang kể chuyện say sưa, chợt những cánh hoa khẽ lay động khiến cậu dừng lại, nhìn bọn chúng với ánh mắt băn khoăn.

– Sao vậy các bạn của tôi? Muốn tôi kể chuyện khác hả, chuyện này tôi mới kể có hai mươi lần thôi mà. Thôi được, để xem nào. Tôi sẽ kể chuyện “Bàn cổ khai thiên tịch địa” nhé,… Từ xưa, rất xưa, tại núi Côn Lôn có một cục đá lớn. Trong nhiều năm hút khí Âm Dương mà trở nên có linh tính. Vào một hôm, đúng giờ Dần, một tiếng nổ vang, khối đá linh ấy nứt ra, sản xuất một vị Chân Linh có tên Bàn Cổ,…

Những bông hoa lại tiếp tục lay động, Tiểu Minh một lần nữa dừng lại, thở dài:

– Ngày nào cũng bắt tôi kể chuyện thì lấy đâu ra chuyện mới chứ,… thôi để tôi nghĩ xem có câu chuyện nào hay không nhé.

Đứng trong nhà nhìn ra, ông Trung không khỏi vang lên một tiếng thở dài. Tiểu Minh lớn lên không như những đứa trẻ khác. Cậu không thích đá cầu, chạy nhảy, nô đùa, không thích thả diều, đánh đáo, mà ngày ngày ngồi trò chuyện với những vật vô tri, vô giác như cỏ cây, hoa lá, thậm chí cả chiếc giường, cánh cửa,… cậu cũng trò chuyện. Cậu luôn đinh ninh rằng những đồ vật đó biết nói chuyện, nhưng ai tin được chứ! Cả làng ai cũng bảo cậu là “chàng Ngốc”. Ấy vậy mà cậu lại rất thích tên đó!

(huaban.com)

Không những vậy, đã bảy năm nay, giấc ngủ của cậu luôn bị hành hạ bởi những cơn ác mộng. Dù cha cậu đã làm đủ mọi cách, từ việc mời những thầy lang tốt nhất đến những vị pháp sư tài giỏi mà nhưng vẫn không thể nào trừ tà ma trong những cơn ác mộng của cậu.

Dạo này bệnh tình của cậu ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Sau mỗi lần nằm mơ thấy ác mộng thì cơ thể cậu lại xuất hiện những vết lằn kì dị trông giống như những nét vẽ rồng rắn ở trong các bùa chú. Lúc đầu chỉ là đôi ba vết ngứa như bị côn trùng cắn, nhưng rồi nó ngày càng lan rộng ra và ngày càng trở nên đáng sợ. Khi những vết lằn đó xuất hiện, toàn thân Tiểu Minh tấy đỏ, đau rát, vô cùng bức bối, thời gian đầu không chịu được cậu còn cào cấu đến rách cả da.

Bây giờ thì cậu không chống lại những vết lằn đó nữa, cậu cứ để kệ nó hoành hành, vì cũng chẳng có cách nào để ngăn được. Tiểu Minh cứ dần yếu đi mặc dù được cha và người đầy tớ trung thành chăm sóc tận tình, uống đủ thứ thuốc bổ và tốt nhất ở trên đời.

Dân làng ở đây ai cũng thương cậu, nhưng họ cũng không giúp gì được, bao nhiêu cách, bao nhiều thầy lang giỏi họ đều đã giới thiệu cho ông Trung, nhưng đều vô hiệu.

Năm nay Tiểu Minh đã mười bảy tuổi, trong khi những đứa trẻ khác lớn lên, trở thành những thiếu nữ xinh đẹp, những chàng trai khôi ngô và tài giỏi thì Tiểu Minh vẫn như một cậu bé, vẫn quanh quẩn trò chuyện với đám hoa cỏ quanh nhà.

(Ảnh: pinterest.com)

– Ông Nam, ông tìm ra người đạo sĩ đó rồi chứ?

Ông Trung quay sang hỏi người đầy tớ. Người đầy tớ tên Nam khẽ cúi:

– Thưa ông, vị đạo sĩ đó hẹn chiều nay sẽ đến.

Ông Trung gật đầu:

– Ông tin bao nhiêu phần vị đạo sĩ này sẽ chữa được cho Tiểu Minh?

Người đầy tớ ánh mắt có vẻ trầm ngâm:

– Vị đạo sĩ này rất nổi tiếng, đã chữa được nhiều người, nhưng với trường hợp của Tiểu Minh thì…

Sau mười mấy năm chữa bệnh cho Tiểu Minh, lúc này ông Trung và người đầy tớ đều không chắc chắn được điều gì từ vị đạo sĩ kia.

Hai người đều im lặng, không khí ảm đạm bao trùm lên ngôi nhà, chỉ có Tiểu Minh vẫn vui vẻ chơi đùa cùng hoa cỏ.

Trời ngả dần về chiều, vị đạo sĩ cuối cùng cũng xuất hiện. Ông ta mặc bộ trang phục đạo gia, tóc bạc trắng, búi tó với một chiếc trâm cài ngang, khuôn mặt hồng hào, rất ít nếp nhăn. Một thanh kiếm dài, với vẻ kiếm đầy hoa văn khó hiểu được đeo chéo lưng. Trên tay phải ông ta cầm cây phất trần . Tay trái của ông thì là tay nải, có lẽ là những vật dụng đi đường.

(Ảnh:vietkiemhiep.blogspot.com)

Người đầy tớ ra đón, thấy người đạo sĩ mặt đầy chính khí, khuôn mặt hồng hào, vẻ thần tiên đạo cốt, trong lòng thêm vài phần tin tưởng, liền cung kính mời vào nhà.

– Đạo sĩ, xin ngài hãy cứu con trai ta, hết bao nhiêu phí tổn ta sẽ cố gắng thu xếp!

Ông Trung nói, giọng cầu thị, vị đạo sĩ lắc đầu:

– Bần đạo lấy cứu người làm trọng, ngoài ra chỉ xin chút lộ phí đi đường, tuyệt không dám lấy hơn, ngài yên tâm, nếu chữa được ta sẽ tận tâm tận lực. Xin hãy đưa ta đến gặp vị thí chủ nhà mình.

Ông Trung đưa vị đạo sĩ đến gặp Tiểu Minh.

Tiểu Minh lúc này đang nằm ngủ, vẻ mặt cậu thư giãn nhẹ nhàng. Vị đạo sĩ đến bên cạnh, đưa tay lên bắt mạch.Sau một lúc, nét mặt của ông từ đăm chiêu rồi nhăn lại, rồi cuối cùng lắc đầu thở dài. Ông nhẹ nhàng đặt tay Tiểu Minh xuống, ra hiệu cho ông Trung và người đầy tớ sang phòng bên cạnh.

– Trong nguyên thần của thí chủ nhà ta bị khắc một lời nguyền vô cùng bí hiểm, ngoài ra còn có một cấm chế rất mạnh bao bọc.

(Ảnh: tinhhoa.net)

Ông Trung nhăn mặt lại:

– Vậy còn cách nào để cứu con ta thưa đạo sĩ?

Vị đạo sĩ lắc đầu:

– Có lẽ chỉ có thần tiên thôi!

Rồi ông cầm lấy tay nải, cây lêu và bước ra cửa:

– Bần đạo sức hèn tài mọn, thật có lỗi!

Ông Trung nhìn theo người đạo sĩ đang đi xa dần, ánh mắt lộ ra vẻ u sầu.

Nam Minh