Nhắc đến hội họa Hà Lan, ngoài những cái tên như Anthony van Dyck, Rembrandt… người ta không thể nào bỏ sót “bậc thầy ánh sáng” Johannes Vermeer. Johannes Vermeer (1632 – 1675) cùng với Rembrandt và Frans Hals đã làm nên thời hoàng kim của hội họa Hà Lan thế kỷ 17.

Johannes Vermeer xếp hạng thứ 48 trong danh sách các Họa sĩ nổi tiếng, ông sinh ngày 31-10-1632 tại Thành phố Delft, nước Hà Lan.

Cha của ông là một nhân viên và đại lý lụa nghệ thuật. Ông có 14 người con với người vợ của mình, Catharina Bolenes.

Johannes Vermeer. (Ảnh: Pinterest.cl)

Sau khi qua đời, cái tên Vermeer nhanh chóng rơi vào quên lãng. Mãi cho đến năm 1866, nhà phê bình nghệ thuật người Pháp Thore Burger cho xuất bản tập chuyên luận về các bức tranh của Vermeer mới làm sống lại tên tuổi nghệ thuật của ông.

Và gần đây nhất (năm 1996), một cuộc triển lãm toàn bộ tranh của Vermeer đã diễn ra tại Bảo tàng Mauritshuis ở thành phố Dan Haag, Hà Lan. Đây là một sự kiện văn hóa lớn trong sinh hoạt văn hóa thế giới như công tác tổ chức triển lãm, công tác bảo tồn bảo tàng, vấn đề khoa học và nghệ thuật thương mại… nhưng gây tiếng vang và tranh luận sôi nổi nhất lại là bàn về thuần túy nghệ thuật Vermeer.

Thủ pháp nghệ thuật bậc thầy của Vermeer

Bước vào thế giới nghệ thuật Vermeer ta thấy tỏa ra một thứ ánh sáng hiền dịu, nhẹ nhàng, cảm giác chỉ có trong mơ. Ông tạo ánh sáng ở mọi góc độ: có lúc từ một góc, có lúc nhiều chỗ, có khi thì chan hòa. Và ở bất kỳ góc độ nào, ông cũng đều thành công.

Bức tranh ‘The Milkmaid’

Ở Vermeer, do bắt đầu từ ánh sáng nhiều hướng, thậm chí là ánh sáng contre soleil (ngược sáng) nên ông đã vẽ được khoảng không giao thoa ánh sáng, không có vật mà vẫn vẽ được ánh sáng, điều mà không phải ai cũng làm được kể cả những họa sĩ bậc thầy.

Bởi mỗi một vật chịu ảnh hưởng của nhiều nguồn sáng khác nhau nên không hề đơn giản. Để làm được điều này, đòi hỏi người họa sĩ phải có một kiến thức uyên bác về vật lý quang học, toán học, hóa học… và sự dày công trong quan sát, sự nhạy cảm tinh tế về không gian, chứ không phải chỉ có “tu họa” mà được.

Bức tranh “Quý cô viết thư và người hầu gái”

Qua đó cũng phần nào hé lộ cho chúng ta biết vì sao số lượng tác phẩm Vermeer để lại không nhiều. Cách diễn đạt không gian, ánh sáng, màu sắc trong tranh ông đạt đến độ chính xác tuyệt vời. Sắc độ đậm nhạt hợp lý và đầy chất thơ. Phương pháp khai thác ánh sáng siêu việt của Vermeer đã khiến cho phần phối nhạc, phối màu của bức tranh thêm ngân nga, biểu cảm.

Nhân vật trong tranh Vermeer: tĩnh lặng, nội tâm và riêng tư

Là bậc thầy về cách xử lý và sử dụng điêu luyện ánh sáng và bóng tối như một chất thơ tạo hình và như một phương tiện kỹ thuật để thể hiện tư tưởng, tình cảm, niềm vui, nỗi buồn của nhân vật. Ông chăm chút từng tác phẩm một cách rất kỹ càng. Do đó nhân vật của Vermeer không chỉ đẹp về hình họa mà còn luôn trong một trạng thái tâm lý ổn định. Sự riêng tư là đặc trưng điển hình trong tranh Vermeer.

Vermeer đã tạo nên những ấn tượng đa dạng và tinh tế huyền ảo trong tranh của mình. Vì lẽ đó mà Salvador Dali (1904 – 1989) – họa sĩ siêu thực trứ danh người Tây Ban Nha – đã coi Vermeer là họa sĩ toàn diện nhất, giỏi nhất kể cả về kỹ thuật.

Bảng màu tranh Vermeer đa dạng, phong cách hiện thực nhưng rất tinh tế, sâu sắc, tài hoa bay bổng. Ông có biệt tài vẽ những cảnh sinh họa mà chủ yếu là trong nhà, như các bức: Cô gái viết thư, Cô gái chơi guitar, Cô gái bên cửa sổ, Bài học âm nhạc… gợi một không khí nhớ nhung, luyến tiếc và bí ẩn.

Bức “Lacemaker’ (“Cô gái thêu đăng ten”)
Bức tranh “Cô gái chơi guitar”

Bút pháp của ông tiết kiệm trong miêu tả nhưng lại thể hiện được những tình cảm tinh tế nhất. Ví như trên một gương mặt có đôi mắt nhắm mà lại đầy biểu cảm. Nghệ thuật Vermeer là vang hưởng giữa những mảng màu và ánh sáng nên nhiều họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng sau này rất hâm mộ tài năng của ông.

Đặc biệt bức Quang cảnh thành phố Delf, nhờ xử lý ánh sáng siêu thường, Vermeer đã thu cả phố vào mắt người xem; bố cục thoải mái, tuyệt vời và như thật. Bức tranh gây một hiệu quả thị giác sâu thẳm.

Bức ‘Quang cảnh thành phố Delf’
Bức tranh “Nhà thiên văn”
Bức tranh ‘Cô gái chơi đàn’

Bằng sự quan sát tinh tế, kỹ và trong lúc làm việt lại hết sức tỉ mỉ, chậm rãi, Vermeer luôn đặt nhân vật vào tình huống điển hình, chọn động tác đẹp nhất, và khó nhất để đặc tả. Vì thế mà hình họa Vermeer rất sinh động, đầy sức sống. Ông không những vẽ vẻ đài các thành công mà vẽ sự nghèo kém cũng thành công.

Tuy nhiên người nghèo trong tranh Vermeer không khắc khổ như ta vẫn thường thấy ở các tác phẩm của những họa sĩ khác mà dường như họ biết bằng lòng và thi vị hóa cái nghèo của mình. Thậm chí người xem còn cảm thấy có một sự an vui ở trong đó.

Vermeer không bắt người xem phải thương hại hay mặc cảm về họ, trái lại, như muốn được sống cùng họ. Đó cũng chính là nhân sinh quan của Vermeer. Ông thấy được chất thơ trong sự nghèo khổ; người nghèo trong tranh Vermeer vẫn có được hạnh phúc.

Các nhân vật của ông luôn gần với đời thường: Người đàn bà vắt sữa, Cô thợ may, Người phụ nữ đang cân ngọc trai… làm cho người thưởng ngoạn cảm thấy như gặp được người hàng xóm của mình nên gần gũi, thân thương. Giữa người xem và bức tranh dường như có sự giao cảm. Vì thế mà làm nên linh hồn của tác phẩm.

Bức họa nổi tiếng nhất của Vermeer: Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai

Từ lâu các nhà nghiên cứu đã bị “mê hoặc” với bức tranh (Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai)

Bức tranh “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai”

Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai là một trong số các tác phẩm về phụ nữ của Vermeer. Ông thường miêu tả những người phụ nữ của mình trong khoảnh khắc rất riêng tư với biểu cảm trầm ngâm và tĩnh lặng.

Khả năng xử lý ánh sáng siêu việt và kỹ thuật dùng sơn lót tạo độ phản quang dữ dội cho chủ thể. Nhìn vào bức tranh Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai, người xem bắt gặp ngay ánh mắt của cô gái và có cảm giác cô ấy đang quay đầu lại để nhìn mình, khuôn miệng hé mở như muốn tâm sự nhiều điều.

Bức tranh mô tả chân dung của một cô gái trẻ nhìn nghiêng với trung tâm là chiếc khuyên tai bằng ngọc trai. Bức tranh được tác giả thể hiện hết sức sống động.

Bức tranh hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mauritshuis ở Den Haag, Hà Lan.

Tác phẩm Cô gái với chiếc khuyên tai ngọc trai cũng là nguồn cảm hứng cho tiểu thuyết “Cô gái đeo chiếc khuyên tai ngọc trai” của nhà văn Trauy Chevalier đã được dịch ra tiếng Việt.

Mỗi thiên tài đều biết cách tạo nên không gian cho riêng mình, với Vermeer không gian ấy chính là ánh sáng. Tài năng độc đáo nhất của Vermeer là sự kết hợp giữa độ chính xác về mặt hình thức và cái vang hưởng sắc màu, ánh sáng chứa chan thi vị.

Vermeer rất thích “bắt” những khoảnh khắc hết sức riêng tư và đặc tả nội tâm nhân vật trong luồng ánh sáng mờ ảo. Thật không ngoa khi người ta tôn vinh ông bằng những danh xưng mỹ miều như “bậc thầy ánh sáng”, “chuyên gia quang học” hay “phù thủy ánh sáng”.

Ánh sáng và nội tâm nhân vật trong tranh Vermeer tỏa ra một ánh sáng êm dịu, chan hòa và chính xác ở từng góc độ. Vermeer không chỉ thể hiện ánh sáng trên một đồ vật hay từ một nguồn sáng nhất định, tài năng siêu việt của ông là “tải” ánh sáng khắp không gian, phủ lên mọi thứ và giao thoa nhiều nguồn sáng. Đó là điều cực kỳ khó, kể cả đối với những họa sĩ bậc thầy. Điều đó khiến nội tâm nhân vật của ông cũng lan tỏa ra không gian xung quanh, tạo cho người chiêm ngưỡng một cảm giác êm ái nhưng sâu thẳm, như chính bút pháp ánh sáng tuyệt vời của ông.

Lucas Lương (T/H)