Người ta nói: Nếu muốn sống lại thời Ai Cập cổ đại, hãy xem Aida. Aida là vở opera nổi tiếng của Giuseppe Verdi viết bằng tiếng Italia, là thiên tình sử đẫm nước mắt giữa tướng trẻ Ai Cập Radames và thị tỳ của công chúa Ai Cập Amrenis là Aida, vốn là công chúa Ethiopia bị bắt. Vở opera được công diễn lần đầu tiên ở Cairo ngày 24.12.1871 và vĩnh viễn ghi danh là một siêu tác phẩm hoành tráng vĩ đại ghi lại tinh thần Ai Cập…

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Đoàn quân Ai Cập chiến thắng trở về trong Aida – Triumph march

Để khánh thành kênh đào Suez, đồng thời khánh thành nhà hát mới xây ở Cairo, phó vương Ai Cập Ismail đặt Verdi viết một tác phẩm thanh xướng kịch.

Ismail muốn có một tác phẩm truyền tải được tinh thần Ai Cập. Verdi tìm đến nhà nghiên cứu về Ai Cập Ghislazoni – một người hiểu biết khá sâu sắc về văn hóa lịch sử Ai Cập. Sự hợp tác giữa hai người cho ra đời vở opera Aida.

Opera Aida gồm 4 cảnh, diễn trong 135 phút.

Cảnh 1: Đế chế Ai Cập hùng mạnh đánh Ethiopia, bắt công chúa Ethiopia là Aida về Ai Cập, bắt làm thị tỳ cho công chúa Ai Cập Amrenis.

Công chúa Ai Cập Amrenis có tình cảm đơn phương với viên tướng Ai Cập Radames, nhưng giữa tướng trẻ này và Aida đã nảy sinh tình yêu.

Trong lúc quân Ethiopia phản công lại quân Ai Cập, Radames được cử làm tướng tiên phong, viên tướng trẻ này hy vọng chiến thắng trở về vua Ai Cập sẽ ban Aida cho mình mà không hay biết vua Ethiopia Amonaros chính là cha đẻ của Aida.

Trong lúc đó Aida đau đầu với những suy nghĩ về tổ quốc và mối tình với Radames.

Cảnh 2: Quân Ai Cập thắng, nhưng công chúa Ai Cập Amneris lại bảo Aida, tướng Radames đã tử trận và ra lệnh thị tỳ Aida đi cùng tới dự lễ mừng chiến thắng.

Vua Ai Cập ra tận cổng thành Theben đón tướng Radames cùng quân chiến thắng trở về. Nhà vua ra lệnh dẫn tù binh ra trước hàng quân. Trong số tù binh có vua Ethiopie Amonasro.

Tù binh Amonasro và tướng Radames cùng xin lãnh tụ tinh thần Ramphis và nhà vua thả tù binh và được chấp thuận. Tưởng thưởng cho chiến thắng là việc vua Ai Cập gả con gái là Amneris cho tướng Radames và Radames sẽ là người được truyền ngôi nếu nhà vua băng hà.

Cảnh 3: Đêm khuya, bên bờ sông Nil, công chúa Amneris được lãnh tụ tinh thần Ramphis làm lễ chứng giám cho cuộc hôn nhân của nàng.

Aida được cha đẻ dặn hỏi Radames có biết con đường hành quân từ Ai Cập sang Ethiopie. Aida chờ Radames trước cổng đền, gặp được Radames liền dò hỏi.

Không thể từ chối, Radames đã tiết lộ. Vua Ethiopie Amonasro xuất hiện, định giết công chúa Ai Cập, nàng hô lớn “Quân phản bội!”. Radames rút kiếm ngăn.

Chuyện vỡ lở, Radames từ chối trốn chạy với Aida, nộp kiếm cho lãnh tụ tinh thần Ramphis để bị bắt làm tù nhân. Nhân lúc mọi người bối rối, cha con vua Ethiopie trốn thoát.

Cảnh 4: Tướng Radames bị dẫn ra trước tòa án. Công chúa Ai Cập Amneris bị giằng xé giữa tình yêu, giận dữ, đau đớn.

Nàng nghĩ mình sẽ cứu Radames trước tòa, nhưng Radames không sao quên được mối tình với Aida, nghĩ, Amneris sẽ giết mình. Radames ba lần im lặng thú tội.

Tướng trẻ Radames bị kết án tử hình, bị chôn sống trong tầng hầm.

Trước lúc viên gạch cuối cùng được xây, Radames thấy bóng hình Aida, còn nghe thấy tiếng thở dài của công chúa Ai Cập Amneris, nghe thấy lời cầu nguyện của các tu sĩ mong: “Radames yên nghỉ nơi suối vàng!”

Bi kịch giữa dân tộc và tình yêu, sự sống và cái chết

Toàn bộ vở diễn tập trung vào những đau đớn, giằng xé nội tâm của nhân vật Aida. Ở màn 1, đó là mâu thuẫn trong mong muốn của Aida khi đoàn quân Ai Cập xuất trận (aria “Ritorna Vincitor”). Nếu quân Ethiopia chiến thắng, nàng sẽ được giải thoát, được trở về quê hương, nhưng khi đó nàng sẽ mất Radames, người yêu và là nguồn an ủi khi phải lưu lạc nơi đất khách.

Bất lực trước số phận, Aida chỉ còn biết trông đợi một cái gì đó mà nàng cũng chẳng thể biết và cầu nguyện những thiên thần giúp nàng vượt qua đau khổ. Ở màn 3 đó là lời tạm biệt với mảnh đất Ethiopia yêu dấu, nơi mà nàng không bao giờ có thể quay về nữa…

Đan xen trong bi kịch của Aida còn là bi kịch của Radames khi phải lựa chọn giữa dân tộc và tình yêu, giữa sự sống và cái chết.

Sự hối hận muộn màng của công chúa Amneris khi để những tham vọng ích kỉ và lòng đố kị lấn át lí trí và hại chết người mình yêu.

Trong bức tranh âm nhạc đồ sộ ấy, người ta còn nghe được âm vang kiêu hãnh của một đế chế Ai Cập hùng mạnh, tiếng nói của những Pharaon và những âm thanh sâu kín của Isis và Osiris.

Một bức tranh quá khứ hoành tráng bằng âm nhạc

Những âm thanh kêu gào tuyệt vọng của những người nô lệ mất nước mà chắc chắn đã được Verdi lấy cảm hứng từ quá khứ của dân tộc mình. Hơn cả mong đợi của những người đặt hàng, vở opera đã tái hiện được bức tranh quá khứ hoành tráng bằng tất cả vẻ đẹp của âm nhạc.

Aida được đón chào nồng nhiệt cũng vì đây là vở opera có vị trí quan trọng trong bút pháp sáng tác của Verdi. Đấy là nơi Verdi đã từ bỏ chính những thủ pháp nghệ thuật trước đó của mình để khám phá những màu sắc và khía cạnh mới của giọng hát.

Các aria và duo, trio có cấu trúc phức tạp hơn, sử dụng các chuỗi giai điệu liên hoàn mang màu sắc âm nhạc phương Đông. Tuy vẫn lấy cốt truyện lịch sử theo truyền thống nhưng âm nhạc có những bứt phá quan trọng, tạo tiền đề cho opera verrismo.

Chính Puccini năm 18 tuổi khi nghe xong vở Aida đã quyết định sẽ trở thành một nhà soạn nhạc chỉ sáng tác opera. Và không thể phủ nhận việc Aida và Otello có sức ảnh hưởng to lớn sản sinh trào lưu sáng tác Hiện thực từ Mascagni đến Puccini.

Các vai diễn chính trong Aida đều là những vai diễn khó, đặc biệt là nhân vật Aida. Cũng như Violetta trong La Traviata, Aida đòi hỏi người ca sĩ phải đi hết chiều sâu của âm nhạc cũng như nội tâm nhân vật, nó là thách thức với những soprano lớn của thế giới.

Aida nằm trong danh sách 20 vở opera được trình diễn nhiều nhất ở Bắc Mỹ

Leontyne Price là ca sĩ da màu đầu tiên thể hiện Aida, và cũng với vai diễn này, bà đã trở thành soprano đầu tiên thành công ở nhà hát La Scala danh giá cũng như được cả châu Âu đón nhận. Với chất giọng đặc trưng, mộc mạc, bà đã thể hiện được trọn vẹn một Aida với tâm trạng phức tạp và được ca tụng là Aida lớn nhất của thế kỉ 20.

Leontyne Price là ca sĩ da màu đầu tiên thể hiện Aida, bà được ca tụng là Aida lớn nhất của thế kỷ 20

Aida nằm trong danh sách 20 vở opera được trình diễn nhiều nhất ở Bắc Mĩ, đây cũng là một niềm tự hào và trở thành thương hiệu của Nhà hát La Scala, Millan, nơi mà lần đầu tiên Aida được trình diễn ở châu Âu.

Năm 1917, nhà thiên văn học người Đức Max Worf đã lấy tên Aida và Amneris để đặt tên cho hai tiểu hành tinh số 861 và 871 của vành tiểu hành tinh trong hệ mặt trời. Cũng như kênh Suez nối liền hai đại dương, Aida là vở opera nối liền trường phái âm nhạc của Ý với âm nhạc phương Đông, góp phần làm cho tên tuổi của Verdi luôn toả sáng trên bầu trời âm nhạc.

Kim Cương – Hà Phương