Năm mươi hai năm về trước, lần đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến cảnh nước lụt sông Đà. Giữa non xanh núi thẳm, Đà giang đỏ rực một màu son đậm, tung bọt trắng xóa, réo lên ồ ồ như hàng ngàn, hàng vạn cái cối xay đang xay lúa. Trên mặt sóng, ngổn ngang những cành củi khô, những cây gỗ lớn từ rừng thượng nguồn bị lũ quét cuốn vào dòng nước dữ, lao vun vút như tên bắn…

Sau hơn 30 năm trời có lẻ, trong chuyến lên Tây bắc công tác, tôi có được dịp may để trở lại với sông Đà. Các anh chị họ tôi như anh Củng, anh Nguyên, anh Trường, chị Hồng, chị Tiến, chị Khuyên, chị Hiền… tóc đều đã lốm đốm bạc. Các cháu tôi, đứa thành công nhân sông Đà, đứa đi học đại học, bây giờ đều đang ở rất xa. Đứa đang xây dựng nhà máy thủy điện Yaly, đứa công tác ở Hà Nội, ở Tp Hồ Chí Minh. Xóm nhỏ ven sông Đà này xưa kia hầu hết là nhà sàn, nay nhờ các dịch vụ phục vụ công trình sông Đà mà đã bê tông hóa hoàn toàn. Riêng cái nhà sàn trong vườn nhà bác tôi thì vẫn còn nguyên vẹn, vách gỗ bạc phếch cùng thời gian. Các anh chị tôi thấy tôi về ai cũng mừng mừng tủi tủi vì tôi về muộn quá! Nghe anh Trường kể, lòng tôi cứ ngùi ngùi khi hay rằng, lúc sắp mất, bác tôi còn thều thào nhắc tên tôi mãi…

Mang nặng những kỉ niệm về dòng sông một thuở, tôi đã đi thăm khắp lượt từng người trong xóm nhỏ, trở lại tất cả những nơi chốn mình đã từng đi qua. Trong dịp này, tôi còn may mắn được các nhà văn, nhà thơ của báo Văn nghệ Hòa Bình đưa đi thăm Nhà máy thủy điện.

Nhà máy thủy điện Hoà Bình. Ảnh: icon.

Người giới thiệu là anh Hoàng Tâm, một nghệ sĩ chụp ảnh, đồng thời cũng là người chuyên lo về việc làm đẹp cho các vách đường hầm, gian máy, phòng tiếp khách trong nhà máy thủy điện Hòa Bình. Tôi rất thích hình những cái tua bin tượng trưng cho sức trẻ và sự phát triển của nhà máy, hình những cái tua bin năm cánh trên nền nốt son (nhạc) được phối trong một vòng tròn, gợi liên tưởng tới những tiếng reo vui của người thợ khi thấy dòng điện do mình làm ra thắp sáng khắp mọi miền đất nước. Tâm là người tạo mẫu và tự tay vẽ lên vách các đường hầm, chỉ đạo việc khắc hình và gắn kết, trang trí chúng trên các bộ cửa ra vào, các rào chắn. Tôi cũng rất thích bộ bưu ảnh mà Tâm đã chụp các hạng mục công trình của nhà máy. Ban đầu, bộ bưu ảnh này chỉ là một bộ ảnh tư liệu. Về sau, do thấy có tính nghệ thuật cao, Sở Văn hóa Thông tin Hòa Bình đã cùng anh chọn ra khoảng hai chục tấm rồi in ra hàng chục ngàn bản để phục vụ du khách tới thăm sông Đà. Riêng bức “Toàn cảnh thuỷ điện sông Đà”, anh Bùi Chỉ và nhiều anh chị em khác trong Hội văn nghệ Hòa Bình cứ tự hào khoe với tôi rằng, đây là bức ảnh có một không hai vì những hình ảnh ấy chỉ xuất hiện một lần trong những thời điểm không bao giờ lặp lại nữa. Hoàng Tâm kể, để chụp được bức ảnh nói trên, anh đã phải bỏ ra khá nhiều công sức và tiền bạc. Làm thế nào để mây trời liền một khối? Để những khuôn hình đồng sắc chồng khít lên nhau? Khi mà bức toàn cảnh phải ghép từ bốn tấm ảnh khác nhau, chụp trong những ngày khác nhau? Có bức chụp ngang từ dãy núi đối diện, có bức phải chụp hất từ giữa lòng sông lên? Lúc ghi tặng tôi một bức tranh, Tâm cứ than, so với vẻ đẹp rồng bay phượng múa của sông núi Hòa Bình hùng vĩ, những bức hình mà anh đã chụp được, có thể còn nhỏ hơn một cái vảy của con cá anh vũ!

Công trình thủy điện Hoà Bình công suất lớn nhất Đông Nam Á thế kỷ 20. Ảnh: icon

Trong khoảng thời gian xe chạy chầm chậm trên mặt đập chắn ngang sông Đà cao hơn một trăm mét, dài gần một cây số, anh Bùi Chỉ đã tranh thủ giới thiệu cho tôi một vài nét về những nơi chúng tôi sắp tới thăm quan. Anh bảo, bên dưới con đập có lõi bằng đất sét này còn có một màng chống thấm được con người tạo ra bằng khoan phun dày tới ba chục thước. Giữa đập là công trình xả nước cao hơn bảy chục mét, rộng hơn một trăm mét, có khả năng xả nước tới hơn ba mươi lăm ngàn mét khối trong một giây. Để tới được gian máy, người ta sẽ phải đi qua một đường dài nửa cây số. “Còn gian máy?”, tôi hỏi. Anh Chỉ bảo: “Gian máy có tám tổ máy, công xuất mỗi máy khoảng 240MW. Tất cả đều được đặt ngầm trong núi đá. Vĩ đại lắm anh ơi! Đầu óc lãng đãng như đám văn nghệ sĩ chúng ta không thể tưởng tượng ra nổi đâu! Nên cứ đi cho hết đã! Rồi anh khắc biết!”.

Anh Chỉ đã nói đúng. Tôi chỉ thực sự cảm nhận được tầm lớn lao của sông Đà khi tận mắt được chứng kiến những công trình vĩ đại, tai được nghe kể về quá trình xây dựng chúng. Tôi nghĩ, công trình thế kỉ này quả là một chiến công kì diệu của dân tộc ta trong các cuộc chinh phục thủy thần đã diễn ra từ hàng ngàn năm trước, biến sức mạnh siêu nhiên của nước thành sức mạnh của con người. Cũng như nhiều người, tôi biết rõ dòng điện sông Đà đã lan tỏa, thắp sáng mọi vùng đất, đã làm chuyển động tất cả các cỗ máy lớn nhỏ trong các nhà máy trên cả nước. Nhưng chỉ tới hôm nay, tôi mới hay, trong những ngày nắng như đổ lửa ở Tp Hồ Chí Minh, nhờ đường dây 500 kV tôi đã từng được ngâm mình trong dòng nước lạnh, được thưởng cả ngọn gió sông Đà mát rượi cách nhà mình gần hai ngàn cây số!

Chúng tôi đã xuống xe và đứng rất lâu trước Đài tưởng niệm 157 cán bộ, công nhân viên Việt Nam và 11 chuyên gia Liên Xô hy sinh trong khi làm nhiệm vụ xây dựng Nhà máy thủy điện sông Đà. Cách đấy không xa là Bức thư thế kỉ của những người thợ gửi thế hệ mai sau. Thư được đặt trong một khối bê tông lớn. Nó sẽ được bóc vào đúng ngày 01 tháng 01 năm 2100. Xa xa, công trình xả nước ầm ầm réo gào, trông y như một con thác đang đổ từ trời xuống hạ lưu sông Đà. Nắng mặt trời chiếu xiên qua những làn bọt nước trắng xóa, tạo thành một chiếc cầu vồng ngũ sắc khổng lồ vắt ngang sông. Hình ảnh huyền ảo này khiến tôi lại nhớ tơi bác Lưu. Không biết bác có hay, nhờ có những người dám cả gan lấp sông Đà, dòng sông Đà hung bạo nay đã được thay dòng, đổi tính? Và bây giờ, trên lòng hồ sông Đà mênh mông, ngay cả loài cá anh vũ cũng được thư nhàn bơi lội, chúng không còn phải ráng sức, bám chặt miệng vào đá mới ngược được lên phía thượng lưu nữa!

Bức thư tuyệt mật của các nhà lãnh đạo công trường trong đó có chữ ký của Tổng Chuyên viên Liên Xô gửi thế hệ Việt Nam 100 năm sau, được chôn chặt trong khối bê tông đặt ở nhà quan sát bờ trái. Lá thư viết bằng tiếng Việt và tiếng Nga, sẽ được mở vào ngày đầu tiên của năm 2100. Ảnh: icon

Tạm biệt sông Đà trong một ngày nắng đẹp, trên đường về TP Hồ Chí Minh, bên tai tôi cứ văng vẳng mãi những lời tâm sự gan ruột của anh Trường: “Em ạ, các anh chị ai cũng đã có nhà mái bằng. Nhưng cái nhà sàn gia đình ta ở ngày xưa trong vườn kia nhất định sẽ được tu bổ thường xuyên và giữ lại mãi mãi. Bởi nó không chỉ là nơi thờ cúng, nơi lưu dấu những hình ảnh đẹp của hai bác mà còn là chứng nhân của sông Đà một thời nước lũ”.

Clip ý nghĩa:

videoinfo__video3.dkn.tv||8d12f6814__