“Tôi nói với Nguyễn Thanh rằng, tới đây rồi tôi mới thấy bản đồ nước ta giống hình một cây đước quá! Chùm rễ là đồng bằng Bắc bộ. Thân đước là dải đất miền Trung dằng dặc. Và tán đước là đồng bằng sông Cửu Long mênh mông. Mũi Cà Mau chính là ngọn của cây đước ấy, nó cứ lớn lên từng ngày, từng ngày…”

Trong chuyến tôi đi tìm tư liệu để viết văn ở Cà Mau, nhà văn Nguyễn Thanh, Tổng thư kí Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh, thân mật hỏi tôi đã biết nhiều về cây đước chưa. Tôi khiêm tốn trả lời, nhờ chữ nghĩa trong những trang văn Nguyễn Tuân, Đoàn Giỏi, Sơn Nam, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Thi, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo trước đây tôi đã hình dung ra được phần nào về dáng dấp và một vài đặc tính của loài cây đặc trưng cho vùng đất cực nam này. Nhưng cảnh trí trong tâm nhuốm màu sắc chủ quan, lại biến đổi tùy theo sở thích tưởng tượng của từng người nên thường đẹp đến mê hồn. Cái đẹp do yêu quý vùng đất xa xôi của Tổ quốc mà thấy cái gì gắn với đất, với người cũng mộng cũng mơ chăng?

Hôm sau, trên con xuồng gắn máy xuôi về Mũi Cà Mau, tôi đã tận mắt được thấy đước. Lúc lên bờ, ngồi nghỉ dưới vòm tán đước, tôi đưa tay, run run sờ vào từng thân thân đước sù sì, mốc trắng. Trước mắt tôi, điệp điệp trùng trùng, xanh ngút ngàn đước Thới Bình, Năm Căn, Viên An, Đất Mũi. Đước hai bên bờ kinh Tắc, sông Cửa Lớn, kinh Mũi loà xòa; đước ở mũi đất Cà Mau chùm rễ một nửa vươn về phía biển Đông, một nửa kia bám chặt trên nền phù sa vịnh Thái Lan…

Cây đước. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau

Ngắm nhìn rừng đước, tôi ngỡ mình đã nghe được tiếng đước nói. Rì rầm khi gió nhè nhẹ thổi. Ào ào khi gió giật, sóng xô. Lúc tâm tình khi triết lí, dân giã và thẳm sâu. Tiếng đước mang những thang âm riêng của một vùng sông nước; song hình như còn ẩn chứa cả những thanh âm chung của những lũy tre làng quê Bắc bộ, những đồi xà nu Tây Nguyên bất tận. Âm thanh của tiếng Việt, bổng trầm và thiết tha…

Đước ở Cà Mau bao giờ cũng mọc thành rừng, thành vệt. Một rừng đước thường có nhiều tầng. Thấp nhất là những cây đước non. Nếu mọc xa đước mẹ, đước non thường bị ngả nghiêng vì xoáy nước hoặc bị sóng cuốn trôi đi xa. Tuy nhiên, chỉ cần chạm chân được xuống nền phù sa còn sền sệt lúc nước ròng, cây đước non chớp ngay lấy thời cơ và bám chặt xuống đất. Cũng trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, đước đem hết mọi sinh lực có thể có của mình để bật xòe chùm rễ ra bốn phía; rễ đước y như một cái nơm chụp lún nan sâu vào lòng đất. Đước non, nhờ lớp phù sa mỡ màng nuôi nấng, chẳng mấy chốc đã hóa thân thành những cây đước lực lưỡng, sum sê. Mới nhìn qua, ai cũng tưởng tán lá đước hầu như xanh cả hai mùa mưa nắng, lúc nước nổi cũng như nước ròng. Nhưng quan sát kĩ, người ta mới biết trên những tán đước có tới bốn thế hệ lá. Búp đước nhọn hoắt như búp đa, bụ bẫm, căng ứa nhựa. Lá non xanh mướt. Lá trưởng thành xanh đen, sau vài tháng bỗng chuyển sang màu vàng rồi lặng lẽ rời cành. Sự kế tiếp của những lớp lá diễn ra theo quy luật màu xanh luôn lấn át màu vàng. Điều này khiến cho hình hài cây đước phát triển khá nhanh, vẻ đẹp của đước lúc nào cũng là vẻ đẹp mơn mởn của tuổi trẻ. Bây giờ thì gió có thể quất cành cây tơi tả, gãy gục, bứt sạch trơn lá đước; sóng có thể vít cong, bẻ quặt thân cây nhưng một khi rễ đước đã bám sâu vào đất, khi gió lặng, sóng tan, thân đước kia lại tự gượng đứng lên thẳng vút. Nếu gộp tất cả số rễ lẻ lại thành một bó, vòng tròn bó rễ đước ngập trong nước mặn kia sẽ lớn gấp 30 lần thân đước hướng lên trời xanh lộng gió, chan hòa ánh nắng mặt trời…

Tôi đã say mê, đăm đắm ngắm cây đước trưởng thành và nhận ra không ít điều lạ. Ví như tất cả các nhánh đước hướng thiên đều phát triển thành cành lá chi chít những trái đước; riêng những nhánh vì lí do nào đó mà phải quặp xuống đất đều phát triển thành rễ, trông giống như những cánh tay người vồng ra ôm lấy đất. Có thể do vươn lên tới một độ cao nào đó, đước vẫn chưa thật sự yên tâm về bộ rễ vững chắc của mình nên khi thấy thân càng to, đước càng phải cố lo tạo cho bộ rễ vững vàng hơn mới mong chống được sóng gió. Hay chỉ vì nỗi nhớ phù sa và nước mặn đã hằn sâu trong tâm linh mà nhánh đước có thể tự biến hóa thành rễ đước tùy theo chiều không gian mà nó hướng tới chăng?

Cây ĐƯớc
Cây đước. Ảnh: Camautourism

Tôi đã tận mắt thấy sau một lần nước ròng, ngay trong lòng bộ rễ chằng chịt kia, một lớp phù sa nâu sẫm mịn màng đã được rễ đước giữ lại. Tôi hiểu rằng, theo tháng năm, cứ hết cơn nước nổi này đến cơn ròng nọ, phù sa dưới những chân những rừng đước nước mặn điệp trùng đất phương Nam kia đã hình thành nên những miền đất bồi trù phú, nổi bồng bềnh trên chằng chịt kinh rạch đồng bằng. Ai đã từng đọc thơ Nguyễn Bá hẳn chưa quên vùng đất Viên An, một địa danh nổi tiếng của vùng đất mũi Cà Mau. Nhưng ít ai biết từ khi vùng đất này vào thơ, hơn nửa thế kỉ qua, từ Viên An, đất mũi đã vươn ra biển Đông tới hàng chục cây số. Ở Cà Mau, đất và nước sinh ra đất nước; nhưng giữ phù sa cho đất nước mỗi ngày một dài, một rộng, loài cây có công nhất chính chính là cây đước. Nói đúng hơn, chính những chùm rễ đước đã có công rất lớn trong việc cản dòng chảy, giữ lại dưới gốc mình những hạt phù sa bé nhỏ. Đương nhiên, đước vươn tới đâu, dù do trời hay do con người trồng, người đều theo sát cây ngay tới đó để giữ gìn và chăm bẵm đất. Công việc mở đất diễn ra lặng thầm, bền bỉ, thật vất vả song cũng thật thiêng liêng; đước và người khi thức, khi ngủ, khi ăn, khi chơi, thậm chí cả khi yêu nhau, chân vẫn còn lấm ướt đất phù sa kinh rạch…

Tới Năm Căn, tôi nhận ra cách xây cất những ngôi nhà ven sông Cửa Lớn được con người mô phỏng theo dáng của cây đước. Cọc sàn nhà được người dân sông nước đóng xuống đất trông y như một bộ rễ đước. Gió bão có thể làm bay mái, tốc phên lá dừa nước nhưng không thể nào nhổ được những cây cọc đước đã mút chặt lấy đất phù sa sông rạch, không bẻ gãy nổi sàn nhà ken dày bằng thân đước khô chắc như một tấm bè. Ngày xưa, cách nay hàng thế kỉ, nghe nhà văn Nguyễn Thanh nói thế, vùng này có năm căn nhà của người Việt. Nhà năm gian, hai chái, thường được cất ở những chỗ đất cao. Kèo, cột, rui, mè của chúng, tất cả đều làm bằng thân cây đước. Dấu vết những ngôi nhà xưa như thế còn lưu giữ đến bây giờ…

Người Cà Mau, từ người đóng đáy trên sông Cửa Lớn đến người làm nghề đánh bắt cá ở Hòn Khoai, từ người trồng rừng ở nông lâm trường 184 đến những người vỡ ruộng ở Thới Bình vốn cần cù, kiên cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo, yêu ghét rạch ròi. Họ là những người hiếu khách, tính tình phóng khoáng như biển Cà Mau lắm tôm nhiều cá vốn rất mặn mòi. Khi chúng tôi ghé thăm ông Nguyễn Hôn, một lão ngư kì cựu, ông kêu người nhà đi đổ đáy (một dụng cụ bắt cá – BT) ngay lập tức. Được bao nhiêu tôm cá, ông bảo các con đem luộc hết đãi cả đoàn. Nhìn thân hình đen như đồng hun, cánh tay còn săn chắc của ông, khi nói cứ chém phầm phập vào khoảng không trước mặt, nghe giọng nói ồm ồm vang vọng khi ông hồn nhiên kể chuyện năm xưa, chuyện đổi đời ở một vùng sông nước, tôi rất xúc động. Tiếng ông làm rung cả sàn đước, tưởng như có thể làm cho mặt sông Cửa Lớn bất ngờ nổi những con sóng xô bờ ì oạp…

Ở nông trường 184, lúc chúng tôi xuống xuồng bơi tiếp cuộc hành trình, anh giám đốc trẻ tuổi, dáng vạm vỡ, da đen sạm mới đi họp trên tỉnh về. Tiếc nuối vì không được tiếp đón các nhà văn, anh cho ca nô chạy bám theo xuồng chúng tôi. Can rượu anh mua dành để nhậu lai rai cùng anh em trong nông trường bộ vào những đêm mùa mưa rừng lạnh lẽo được rót ra từng chung lớn, chuyền qua tay từng người. Rượu nồng như hương đất, đục như nước sông rạch Cà Mau bao đời nay chưa bao giờ có lấy một lần trong vắt… Anh nhiệt tình cùng cả đoàn uống hết cả can rượu rồi say nghiêng ngả; và cũng chỉ tới khi đó, anh mới chịu tạm biệt chúng tôi.

Tại mũi Cà Mau, ngồi trên nhà thủy tạ giữa hai mũi đất bồi ra biển, tôi có cảm giác như đang được ngồi giữa hai ngón chân của hai bàn chân nước Việt đang tiến ra biển Đông. Trong âm vang sóng biển vỗ ầm ầm, tung lên trời những con sóng đục ngầu, chúng tôi được nghe sáu câu vọng cổ ngợi ca những người đi mở đất. Tiếng ca trầm hùng, buồn thương, da diết lạ:

Con thương Năm Căn, má ơi, con thương cây đước
Con thương má, đước ơi, má đi ngủ rồi chân còn dầm trong nước
Thương Cà Mau, thương con xuồng một đời tròng trành sóng nước
Thương đất bồng bềnh mặt lấm ướt phù sa…

Tôi nói với Nguyễn Thanh rằng, tới đây rồi tôi mới thấy bản đồ nước ta giống hình một cây đước quá! Chùm rễ là đồng bằng Bắc bộ. Thân đước là dải đất miền Trung dằng dặc. Và tán đước là đồng bằng sông Cửu Long mênh mông. Mũi Cà Mau chính là ngọn của cây đước ấy, nó cứ lớn lên từng ngày, từng ngày. Nhà văn miệt đất mũi gật gật đầu tán thưởng rồi vỗ vai tôi, khẽ khàng nói qua hơi men: “Cậu thấy đó, cây đước miệt này gốc có vững, cây mới bền được. Cũng như tụi tôi, cây phải sống được trong môi trường khắc nghiệt đã, rồi mới nghĩ đến chuyện phát triển”. Ờ nhỉ, chuyện cây sao giống chuyện một cộng đồng dân tộc; dân có giàu nước mới mạnh? Chuyện cây sao giống chuyện người cầm bút phải sống thật rồi hãy nghĩ đến chuyện viết, viết vì cuộc sống, viết để xứng đáng với cuộc sống mà mình và dân tộc mình phải gian lao, đổ mồ hôi, thậm chí phải đổ rất nhiều xương máu mới có được?

Trên đường về, ngồi thu lu tránh cơn mưa đầu mùa mà đã dữ dội trong lòng con xuồng nhỏ, đưa tay chỉ lên một cành đước sà ra phía mặt sông tua tủa những trái đước tượng hình những cây bút, sắp lao thẳng xuống nước, Nguyễn Thanh khàn khàn tâm sự với tôi: “Tôi và các bạn tôi ở đây hầu hết là những cây bút đước mộc mạc, trời cho mọc lên để viết về vùng đất này đấy. Các cậu có ai muốn thành đước thì hãy mau về với Cà Mau đi. Ở xứ nước nổi này, các cậu biết đấy, ngay cả rượu cũng có vị mặn của nước biển. Còn người thì, khỏi phải nói, mặn mà hơn bất cứ nơi đâu”…

Clip ý nghĩa:

videoinfo__video3.dkn.tv||cee7b4cf7__

Từ Khóa: