Họa sĩ Tô Ngọc Vân được đánh giá là một trong những người sử dụng chất liệu sơn dầu đầu tiên ở Việt Nam. Ông còn được xem là một trong những họa sĩ lớn của hội họa Việt Nam, nằm trong “bộ tứ” nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn). Ngay từ những năm học trong trường Mỹ thuật, ông đã sớm nghiên cứu kỹ lưỡng kỹ thuật sử dụng chất liệu sơn dầu. Ông đã viết những dòng tự sự .. ‘tôi đã mơ xây dựng một nền hội họa Việt Nam có tính chất dân tộc’. Và “thiếu nữ bên hoa huệ” của ông đã làm được điều ấy.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân. (Ảnh: Media.designs.vn)

Tô Ngọc Vân là một cậu bé con nhà nghèo, quá tuổi mới được đến trường học chữ. Đang học trung học năm thứ 3, ông bỏ học để đi theo con đường nghệ thuật. Năm 1926, ông thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thuộc thế hệ đầu tiên của trường, tốt nghiệp khóa 2 năm 1931. 

Họa sĩ Tô Ngọc Vân học cùng thời với Họa sĩ Trần Văn Cẩn 1926-1931. Họa sĩ còn được coi là một trong những nghệ sĩ xuất sắc của hội họa Việt Nam trước 1945.

Sau khi ra trường, Tô Ngọc Vân đã có tác phẩm xuất sắc, được giải thưởng cao ở Pháp. Ông thường đi vẽ nhiều nơi như Phnôm Pênh, Băng Cốc, Huế… Ông cũng là một người viết về mỹ thuật, phê bình nghệ thuật trên báo chí. Ông cũng từng hợp tác với một số báo nổi tiếng thời xưa.

Từ 1935 đến 1939 ông dạy học ở trường trung học Phnom Penh, sau đó ông về dạy ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tới 1945. Thời gian đó ông vừa giảng dạy vừa sáng tác. Sau cách mạng Tháng Tám, Tô Ngọc Vân tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1950 ông phụ trách Trường Mỹ thuật Việt Bắc. Thời gian này ông đã vẽ rất nhiều ký họa.

BứcTranh ‘Thiếu nữ bên hoa huệ’. (Ảnh: Wikimedia.org)

BứcTranh thiếu nữ bên hoa huệ được coi là tác phẩm gắn liền với tên tuổi của họa sĩ Tô Ngọc Vân cũng như là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của nền Mỹ Thuật Việt Nam thế kỷ 20. Đây cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của kho tàng mỹ thuật Việt Nam. Tranh miêu tả về thiếu nữ mặc áo dài trắng nghiêng mình về phía bình huệ tây trắng (hoa loa kèn). Hình dáng cô gái cùng gam màu trong tranh toát ra tâm sự điểm chút cô đơn, buồn vương nhẹ nhàng. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, cái hồn của tác phẩm cũng thể hiện ra phong thái tao nhã của người Hà Nội thời điểm đó.

Thông qua kỹ thuật, ông đã cố gắng lột tả được vẻ đẹp của dịu dàng duyên dáng người phụ nữ Việt Nam vào thời điểm đó, mà tiêu biểu là bức họa chân dung thiếu nữ bên hoa huệ.

Người mẫu của bức tranh là cô Sáu, cháu gái của họa sĩ, Cô còn là người mẫu cho nhiều tác phẩm khác trong đó có bức Thiếu Nữ Bên Hoa sen. Bên cạnh Tô Ngọc Vân, cô Sáu còn là người mẫu tranh cho nhiều họa sĩ nổi tiếng đương thời như Tần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị.

Thiếu nữ bên hoa huệ Sau này được bán cho nhà sưu tập tranh nổi tiếng Đức Minh (tên thật là Bùi Đình Thản). Sau khi ông Đức Minh qua đời, tác phẩm này được các con của ông bán cho một người sưu tầm tên là Hà Thúc Cần với giá 15.000 USD và ông Cần đã bán tác phẩm nổi tiếng này ra nước ngoài.

“Thiếu nữ bên hoa huệ” quả là có số phận của một “hồng nhan đa truân”. Theo GS-TS Tô Ngọc Thanh, trưởng nam của họa sĩ Tô Ngọc Vân kể lại rằng “Khi gia đình đi kháng chiến, bức tranh được để lại trong nhà chúng tôi ở ngõ Trại Khách, phố Khâm Thiên, nay là ngõ Thổ Quan. Đến khi hòa bình trở về Hà Nội thì nó đã trở thành sở hữu của nhà sưu tập nổi tiếng Đức Minh. Ông Đức Minh nói là ông mua lại bức tranh từ một người khác”.

Bốn năm sau ngày tác giả bức vẽ hy sinh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mượn “Thiếu nữ bên hoa huệ” từ bộ sưu tập của nhà sưu tập Đức Minh để đưa đi tham gia “Triển lãm mỹ thuật tại một số quốc gia Châu Âu”. Ngay lập tức, họa sĩ Tô Ngọc Vân được báo chí của những nước này ca ngợi như một hiện tượng của hội họa Việt Nam.

Họa sĩ Tô Ngọc Thành, con trai thứ của họa sĩ cho biết: Sau này khi nhận được tin về việc bức tranh nổi tiếng của bố mình sẽ được bán đấu giá, lo sợ bức tranh bị đưa ra nước ngoài, ông đã báo cho các cấp quản lý có liên quan biết, nhưng không thấy ai hồi âm (có lẽ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không dám mua vì theo qui định lúc đó, giá cao nhất dành cho một bức tranh chỉ là 2.000 USD). Thế là kiệt tác nghệ thuật này – trước là vào tay nhà sưu tập Hà Thúc Cần (ông Cần mua lại từ gia đình ông Đức Minh với giá 15.000 USD), sau là bị ông Cần dùng kế đưa trót lọt ra nước ngoài và bán lại bức tranh cho một khách ngoại quốc, bất chấp việc Nhà nước có qui định nghiêm cấm việc này…

Cũng theo ông Thành, trong cuốn “100 năm mỹ thuật đương đại Việt Nam” do gallery Đông Sơn của ông Hà Thúc Cần ấn hành tại Singapore có in ảnh bức “Thiếu nữ bên hoa huệ”. Đây là bức sao chụp từ bản gốc. Còn thì tuyệt đại đa số các bức “Thiếu nữ bên hoa huệ” mà người Việt Nam ta được… chiêm ngưỡng, thưởng thức từ mấy chục năm nay (cả bức in trên logo triển lãm nhân 100 năm sinh Tô Ngọc Vân) cũng chỉ là… tranh chép, trong đó có những phiên bản không đồng nhất.

Hội chứng “Thiếu nữ bên hoa huệ” giả còn khiến cho họa sĩ Tô Ngọc Thành ái ngại khi có lần, một nhà sưu tập tranh ở Hà Nội nhờ ông tới thẩm định hộ bức tranh “Thiếu nữ bên họa huệ” mà ông ta mua được ở nước ngoài với giá 200.000 USD xem thật giả tới đâu, họa sĩ Thành đã từ chối bởi ông sợ phải thêm một lần đối mặt với tranh giả, và điều quan trọng hơn: Ông sợ làm cho mọi hy vọng của nhà sưu tập tranh nói trên đổ sụp khi nói ra sự thật phũ phàng.

Tô Ngọc Vân cũng là một trong số rất ít hoạ sĩ Việt Nam đã sớm vẽ tem ngay từ thời Pháp thuộc (Postes Indochine). Mẫu tem Apsara được ông thiết kế từ nguồn tư liệu của những chuyến đi vẽ, sáng tác ở khu đền Angkor Wat, Angkor Thom của Campuchia. Hình tượng chính của con tem là tiên nữ Apsara, một trong hàng ngàn tượng vũ nữ điêu khắc nổi trên những vách đền đài của nền văn hoá cổ Khmer. Tem Apsara của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân là mẫu tem thứ 23 của Bưu điện Đông Dương kể từ khi Pháp phát hành tem thư ở Việt Nam. Và cũng là tem duy nhất ông góp vào nền nghệ thuật tem thư ở Việt Nam.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân mất ngày 17 tháng 6 năm 1954 tại Km 41, Ba Khe, bên kia Đèo Lũng Lô, do bom của máy bay Pháp, gần sát chiến trường Điện Biên Phủ. Phần mộ của ông hiện an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch.

Thiện Lương