Vài nét sơ lược về tác giả: Nhà văn, nhà thơ Bùi Thị Biên Linh (bút danh Bùi Thị Sóng Biển khi còn nhỏ) sáng tác văn thơ từ khi còn nhỏ, chị là thành viên nhóm “Búp trên cành” –nhóm những thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học nghệ thuật trong hệ đào tạo đầu tiên của cả nước từ năm 1976-1980. Từ năm 11 tuổi chị đã có các tác phẩm đăng trên các báo dành cho thiếu niên và báo Văn nghệ của hội nhà văn Việt Nam. Truyện thơ của chị được đọc trên đài phát thanh, chương trình thiếu nhi của đài tiếng nói Việt Nam từ thời ấy.

Chị làm thơ, viết văn, viết tiểu luận phê bình văn học, tập thơ ‘Ý nghĩ ban mai’ của chị được nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam xuất bản. Các tác phẩm của chị cũng được giới thiệu nhiều trên các báo: Người Hà Nội, Sinh viên Việt Nam, được in trong tuyển tập “Bạn thơ quê hương”… Chị cũng nhận vô số giải thưởng thơ và truyện trong suốt cuộc đời văn chương của mình

Văn thơ của chị hiền dịu, nữ tính, hết sức dung dị, đúng chất quê hương mộc mạc sâu lắng.

Ngõ xóm

Ngõ xóm có từ bao giờ, tôi cũng không biết. Chỉ nhớ khi tôi lớn lên ngõ xóm đã có rồi. Đó là một cái xóm nhỏ gần như quanh năm xanh mướt những vồng khoai nước, nổi lên giữa bốn bề ao chuôm.

Con đường vào xóm lát gạch. Những viên gạch xếp xít nhau thành từng ô vuông vắn như những cái bánh bích quy lớn. Dù mưa to, mưa dầm, đường xóm vẫn không bị lầy. Bà tôi kể, ngày xưa, những người con trai khi cưới vợ thường góp cho làng một trăm viên gạch để xây đường.

Năm tháng và nắng mưa đã làm cho màu lửa hồng trên những viên gạch chuyển thành màu nâu sẫm già dặn.

Ai đi xa vẫn không quên ngõ xóm, nơi con đường lát gạch đã có lần in dấu tay mình vẽ vạch chơi ô ăn quan

Theo chiều dài con đường, những bụi tre xanh mềm khum xuống lúc lắc mớ tóc xanh dày theo gió. Ai đi xa vẫn không quên ngõ xóm, nơi con đường lát gạch đã có lần in dấu tay mình vẽ vạch chơi ô ăn quan. Con đường nằm ven những ao nước mưa lung linh,mây trời. Những hàng chuối tiêu mập mạp, chuối tây cao vống,những rặng ổi trĩu quả. Mỗi khi chiều đến, từng đàn cò trắng ngẩn ngơ bay về phía chân trời xa; những đôi cánh trắng phau vẫy mãi vào khoảng trống rồi khuất dần sau những ngọn tre.

Xóm tôi có nhiều ao nên suốt năm bao giờ cũng có khoai nước, khoai sọ, khoai tía, khoai bông… Tháng ba, sau những trận mưa rào đầu mùa nước ao dâng lên đầy ắp trông mát mắt, ấy là dịp khoai nước lớn rất mau . Những chiếc lá xòe to gần bằng cái ô. Tôi thích nhất mỗi lần đi xa về, thế nào bà tôi cũng luộc một nồi khoai thật bở. Ôi chao, những củ khoai dẻo quánh vừa ngọt lại vừa bùi, sao mà thân quen quá. Nhớ về quê nhà, bao giờ tôi cũng nhớ rất rõ hương vị của những củ khoai nước ấy.

Những buổi chiều xóm thật yên tĩnh. Chỉ có tiếng gió thì thầm trong vườn chuối (Ảnh: Pinterest.com)

Những buổi chiều xóm thật yên tĩnh. Chỉ có tiếng gió thì thầm trong vườn chuối. Tối đến thì tiếng xay lúa lại ù ù đầm ấm rộn lên khắp xóm. Tiếng trẻ con ơi ới gọi nhau chơi “nấp tìm”, chơi trận giả. Những cái bóng nhỏ lon ton nấp sau những bụi chuối hay khóm giành giành, chĩa “súng” bắn nhau đì đùng. Chúng nó gọi nhau bằng tiếng huýt sáo và đáp lại nhau bằng tiếng vỗ tay…

Tôi cứ ngồi nghĩ lan man về cái ngõ xóm của mình, về những trò chơi trẻ con như thế và lòng lại nao nao một nỗi nhớ mong da diết.

Năm nay tôi mới học lớp 9. Con đường trước mắt còn rộng, còn dài, nhưng có lẽ trong cả cuộc đời mình hình ảnh con đường ngõ xóm thân quen với cái phong tục cổ xưa vẫn là nỗi nhớ, niềm thương của tôi. Tôi lại nghĩ đến bà và câu chuyện của bà làm tôi suy nghĩ mãi về cái phong tục góp gạch xây đường: “Thì ra ngày xưa, khi được về sống hạnh phúc với nhau những người con trai, con gái làng tôi vẫn không quên đem lại niềm vui cho làng bằng những viên gạch xây đường ấy”.

Bùi Biên Linh

Viết năm 15 tuổi, Đông La, Đông Hưng, Thái Bình